Nguy cơ bùng phát bệnh lây nhiễm nguy hiểm

Diệu Linh - Quốc Hải - Hữu Quang Thứ hai, ngày 01/10/2018 06:27 AM (GMT+7)
TP.HCM đang là điểm nóng khi số ca bệnh tay chân miệng bùng phát, cùng với đó, dịch sốt xuất huyết cũng gia tăng tại nhiều địa phương. Các chuyên gia y tế cảnh báo, tháng 10-11 sẽ còn nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm.
Bình luận 0

6 trẻ tử vong vì tay chân miệng

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, trong vòng một tuần qua, số ca nhập viện do tay chân miệng (TCM) tăng đột biến. Hiện bệnh viện đang điều trị cho khoảng 180 em bị nhiễm TCM, trong đó, hơn 25 em bị nhiễm nặng cần được theo dõi sát sao. "Đặc biệt, so với những năm trước, năm nay có hơn 50% ca nhập viện vì TCM do nhiễm chủng virus EV 71 nguy hiểm. Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao và gây nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh” - bác sĩ Khanh thông tin.

Cũng theo bác sĩ Khanh, tại đây, thời gian qua đã có một trường hợp tử vong do TCM, 10 trẻ phải thở máy, trong đó có những trẻ chỉ vài tháng tuổi đến 5 tuổi. Dự kiến trong vài ngày tới, số lượng trẻ nhập viện vì TCM có thể sẽ còn tiếp tục tăng.

img

     Lượng trẻ nhập viện điều trị vì bệnh tay chân miệng tăng gấp 5 lần so với tháng trước tại Bệnh viện Nhi đồng 1. ảnh: tư liệu

Bác sĩ Khanh cảnh báo: “Bệnh TCM được cảnh báo nhiều tới cộng đồng và nhận thức của người dân về căn bệnh này cũng đã tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, năm nay, do số ca mắc tăng, nhiều ca nặng nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý, nhất là với trẻ dưới 3 tuổi. Nếu trẻ có các triệu chứng như sốt cao khó hạ kéo dài hơn 2 ngày, nôn ói nhiều hoặc trẻ giật mình nhiều lần trong lúc thiu thiu ngủ, phụ huynh phải đưa trẻ đi khám ngay”.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số ca nhập viện do TCM cũng tăng đột biến trong 2 tháng gần đây. Theo bác sĩ Huỳnh Minh Thu - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, trong tháng 8, bệnh viện này đã tiếp nhận 425 ca TCM, tăng gấp đôi so với tháng 7. Riêng từ đầu tháng 9 đến nay, số lượt bệnh nhi mắc TCM đến khám ngoại trú đã lên đến hơn 6.900 lượt, số ca nội trú điều trị là 664 lượt.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, số trẻ mắc TCM tuần vừa qua tăng 45% so với trung bình các tuần trước đó. Cụ thể, từ ngày 17-28.9, số ca bệnh TCM nhập viện tăng gần 50% so với trung bình 4 tuần trước, tăng 130% so với tuần cùng kỳ năm 2017. Tổng số ca TCM nhập viện điều trị nội trú tính đến hết tuần 38 (từ 17-23.9) là 3.195 ca, 15.499 ca điều trị ngoại trú.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, tháng 8-9 năm nay là thời điểm gia tăng số ca TCM theo mùa. Tuy nhiên, trong mùa dịch bệnh năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71 (EV 71) - chủng virus gây ra vụ dịch TCM lớn trên cả nước năm 2011. Điều này có thể là nguyên nhân khiến số ca bệnh gia tăng nhanh chóng.

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM nhận định, thông thường, bệnh TCM có 2 mùa dịch, đợt 1 là vào tháng 4-6 và đợt 2 vào tháng 9-10, kéo dài tới đỉnh dịch là tháng 11-12. Đặc biệt, thời điểm này đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết (SXH) và TCM, trong khi cả 2 loại dịch bệnh này hiện nay chưa có vaccine dự phòng. Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, ngoài các hoạt động của các đơn vị y tế, người dân cũng cần có ý thức phòng bệnh cho bản thân và gia đình, tránh để dịch bệnh lây lan.

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trong tuần giữa tháng 9, cả nước ghi nhận 4.726 trường hợp mắc TCM.  So với tuần trước, số mắc tăng 31,8%, số trường hợp nhập viện tăng 34,5%. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 47.515 trường hợp mắc tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 23.344 trường hợp nhập viện. Tuy nhiên trong tháng 8 và tháng 9, số ca nhập viện vì bệnh này tăng tới 50%. Trong đó có nhiều ca nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Hiện đã có 6 trẻ em tại khu vực phía Nam tử vong do bệnh TCM, 2 trường hợp ở tỉnh Tây Ninh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre mỗi địa phương 1 trường hợp.

Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Bác sĩ Huỳnh Minh Thu (Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết, không chỉ bệnh TCM mà bệnh SXH cũng đang có xu 

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là rửa tay thường xuyên cho trẻ trước và sau khi đến trường. Người lớn cũng phải rửa tay thường xuyên trước khi bước vào nhà hoặc trước khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ. Mỗi gia đình nên thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống hay đồ chơi chưa được khử trùng...”.

Bác sĩ Lê Hồng Nga - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM

hướng gia tăng nhanh. Tại bệnh viện, trong tháng 8, số ca đến khám liên quan đến bệnh SXH là 1.010 ca, tăng 41,46% so với tháng 7. Trong đó, số ca nhập viện điều trị sốt SXH là 492 ca, tăng hơn 48% so với tháng 7. Còn trong tháng 9 này, số ca SXH đang tiếp tục tăng với trung bình khoảng 300 ca đến khám và hơn 100 ca nhập viện điều trị mỗi tuần.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm hàng năm của bệnh SXH và TCM. Đối với bệnh SXH, kết quả giám sát dịch tễ cho thấy, trong 8 tuần gần đây, số ca bệnh nhập viện hàng tuần có khuynh hướng đi ngang, tương đương năm 2017. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 12.282 ca SXH.

Bệnh SXH cũng đang bùng phát tại nhiều địa phương. Tại Nghệ An đã xuất hiện nhiều điểm nóng về SXH. Cụ thể, tại huyện Diễn Châu, đầu tháng 9 đến nay đã ghi nhận 36 người mắc SXH, mỗi ngày có thêm 2-3 bệnh nhân mắc mới. Bác sĩ Cao Đình Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu cho biết, hiện ổ dịch đang nằm ở xã Diễn Ngọc – là một ổ dịch cũ, đã lưu hành mầm bệnh SXH. Nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết, huyện Diễn Châu hiện đang tăng cường công tác giám sát, xử lý môi trường, phun hóa chất diệt muỗi. Trung tâm y tế huyện đã phun 200 lít hóa chất, trên 12/12 xóm, với gần 4.000 hộ dân.

Trước đó từ tháng 4, UBND xã Diễn Ngọc đã huy động nhiều ban ngành, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên cùng các hộ dân nỗ lực dọn vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, lật úp các phế thải chứa nước, nhất là các chậu cảnh chứa nước, tuyên truyền bà con nhân dân nằm màn kể cả ban ngày... Dẫu vậy, dịch SXH vẫn tái bùng phát. Nguyên nhân dẫn đến việc tái dịch hàng năm là do ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao, thói quen sinh hoạt kém vệ sinh, còn trông chờ ỷ lại các cơ quan chức năng.

Tại Hà Nam, tuần qua cũng ghi nhận 22 trường hợp có biểu hiện lâm sàng bệnh SXH trong đó 14 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh SXH. Đây là thời điểm có số bệnh nhân SXH tăng nhiều nhất từ đầu năm tới nay.

Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, tích lũy từ đầu năm đến nay, trong tuần 37 năm 2018, cả nước ghi nhận 3.843 trường hợp mắc SXH, trong đó số trường hợp nhập viện là 2.952 trường hợp. So với tuần trước, số ca mắc tăng 2,6%. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 60.409 trường hợp mắc SXH, 11 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Cà Mau, Khánh Hòa, An Giang, Bình Định, Trà Vinh và TP.HCM.

Các chuyên gia y tế đều nhận định, thời tiết mưa nhiều như hiện nay, dịch bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp, bùng phát bất cứ lúc nào nếu người dân và chính quyền địa phương chủ quan, không chịu dọn dẹp môi trường, đổ bỏ các vật đọng nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem