Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát tại cơ sở sản xuất

Diệu Linh Thứ hai, ngày 08/11/2021 08:39 AM (GMT+7)
Trong những ngày qua, nhiều ổ dịch Covid-19 đã được phát hiện tại các cơ sở sản xuất, trong đó có ổ dịch tại Công ty Tấn Khởi (Bạc Liêu) có đến gần 700 ca Covid-19. Điều này dấy lên lo ngại dịch bùng phát tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp.
Bình luận 0

Nhiều ổ dịch Covid-19 phức tạp tại các cơ sở sản xuất

Ổ dịch tại cơ sở sản xuất lớn nhất hiện nay là Công ty Tấn Khởi (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu). Ngày 7/11, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bạc Liêu cho biết ngoài 2 công ty thủy sản Tấn Khởi và Châu Bá Thảo, dịch Covid-19 đã lan ra nhiều doanh nghiệp thủy sản ở thị xã Giá Rai. Riêng chuỗi lây nhiễm liên quan Công ty Tấn Khởi đã có trên 600 ca Covid-19.

Đáng nói, theo điều tra của địa phương, lãnh đạo Công ty Tấn Khởi có vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể Công ty này đã không cho 20% công nhân xét nghiệm Covid-19 hàng tuần như quy định. Chỉ đến khi 1 công nhân (vào ngày 19/10-PV) đưa người thân đi khám bệnh, cùng xét nghiệm nhanh mới phát hiện mắc Covid-19. 

Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát tại cơ sở sản xuất - Ảnh 1.

Công ty Tấn Khởi nơi xảy ra ổ dịch Covid-19 lớn tại Bạc Liêu. Ảnh CTV

Do phát hiện muộn nên dịch đã lây lan ra toàn công ty. Tính đến nay, ổ dịch này đã có hơn 600 F0, trong đó công nhân Công ty Tấn Khởi chiếm đa số.

Đây cũng là ổ dịch khởi điểm khiến cho Bạc Liêu phải nâng cấp độ dịch từ màu vàng lên màu đỏ (cấp 4 nguy cơ rất cao) và là tỉnh duy nhất trên cả nước có cấp độ 4.

Tại các tỉnh thành phố khác như Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh... đều phát hiện nhiều ca Covid-19 là công nhân các công ty sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, ngày 7/11, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, đã xác định 26 ca F0 và thêm 8 mẫu gộp dương tính tại công ty TNHH sản xuất giày Uy Việt (Khu công nghiệp Đông Xuyên, TP Vũng Tàu).

Trước đó vào sáng 6/11, Công ty Uy Việt phối hợp với Phòng khám Đa khoa Sài Gòn-Vũng Tàu xét nghiệm nhanh Covid-19 định kỳ cho toàn bộ người lao động gồm 4.456 công nhân và phát hiện ra nhiều ca F0.

Ban Chỉ đạo TP Vũng Tàu xác định, ổ dịch xuất hiện tại 2 cơ sở của Công ty Uy Việt là ổ dịch phức tạp, có số lượng công nhân rất lớn, sinh sống tại nhiều địa phương. Công ty này có tới hơn 8.000 lao động.

Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát tại cơ sở sản xuất - Ảnh 2.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm -19 cho người dân. Ảnh Sở Y tế Phú Thọ

Tại TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), sau 3 ngày phát hiện ra ca Covid-19 tại Công ty Sao Vàng Uông Bí đến hết ngày 7/11, toàn TP đã phát hiện 51 ca mắc Covid-19, trong đó phát hiện 42 ca F0 ở ổ dịch Chi nhánh Công ty Sao Vàng Uông Bí, Công ty TNHH Lâm sản Mạnh Hùng có 9 ca F0 và 1 ca đang tiếp tục điều tra dịch tễ.

Trước đó, Phú Thọ cũng đã phát hiện nhiều ca Covid-19 là công nhân Công ty điện tử Sơn Nam - KCN Thụy Vân.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) đánh giá, tình hình dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng là do người từ các vùng dịch về địa phương, mầm bệnh trong cộng đồng vẫn còn, do đó, việc các địa phương còn xuất hiện các ca bệnh là không tránh khỏi. 

Hơn nữa, tại các doanh nghiệp đông lao động , môi trường làm việc đông đúc, dù có phòng dịch cũng có tránh khỏi giao lưu, tiếp xúc gần với nhau. Nếu trong công ty có 1 ca F0 thì nguy cơ lây lan sang người khác là rất lớn.

"Do đó, việc xét nghiệm định kỳ là nhằm bóc tách sớm nhất các ca F0 ra cộng đồng, tránh để lây lan thành ổ dịch lớn". PGS Phu cho biết.

Xét nghiệm, phát hiện sớm để tránh dịch Covid-19 bùng phát

Nhận định về tầm quan trọng của việc phòng chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp, PGS.TS Lương Mai Anh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp có tác động mạnh tới công tác phòng, chống dịch cộng đồng vì lượng công nhân làm việc trong các khu công nghiệp rất đông, cư trú tại nhiều địa bàn khác nhau dễ gây bùng phát dịch tại cộng đồng.

Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát tại cơ sở sản xuất - Ảnh 3.

Tiêm vaccine Covid-19 là một biện pháp quan trọng để chống dịch Covid-19 tại khu công nghiệp (Tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân tại Bắc Ninh. Ảnh BYT)

Bên cạnh đó, nếu làm không tốt, chúng ta phải ngừng sản xuất, gây đứt gãy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chuỗi kinh doanh cả nước, gây thiệt hại cho người lao động, doanh nghiệp và cả xã hội.

Theo PGS Mai Anh, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản, chế tài hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp. Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các đợt kiểm tra thực hiện tại các địa phương.

"Chúng tôi thấy rằng địa phương rất chủ động, nhiều địa phương đã thành lập ngay các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch. Đơn cử: Ở Bắc Giang là 30 đoàn kiểm tra, giám sát. Ở Bắc Ninh là hơn 40 đoàn kiểm tra, hỗ trợ. Ở Đồng Nai là 121 đoàn, để các doanh nghiệp được hướng dẫn cụ thể công tác phòng, chống dịch", PGS Mai Anh cho biết.

Tuy nhiên, đã có không ít Công ty lơ là xét nghiệm định kỳ cho công nhân, nhiều công nhân chủ quan trong công tác phòng dịch khiến cho dịch lây lan nhanh như ở Công ty Tấn Khởi (Bạc Liêu).

Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát tại cơ sở sản xuất - Ảnh 4.

Lấy mẫu xét nghiệm theo định kỳ cho công nhân để phát hiện sớm ca Covid-19 (Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại TP.HCM. Ảnh HDCD)

Theo các chuyên gia y tế, việc kiểm soát chặt người về từ vùng có dịch, người dân tự giác khai báo y tế khi về từ vùng có dịch, tuân thủ các biện pháp phòng dịch là điều quan trọng để tránh dịch lây lan rộng. Các doanh nghiệp, công ty cũng cần xét nghiệm định kỳ cho công nhân, người lao động để phát hiện, bóc tách F0 sớm nhất ra khỏi công ty.

Theo Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", các doanh nghiệp khi trở lại lao động sản xuất phải xét nghiệm định kỳ cho người lao động để kịp thời phát hiện các ca Covid-19 sớm nhất.

Tần suất xét nghiệm định kỳ sẽ do tỉnh, TP quy định dựa trên tình hình dịch bệnh chung của địa phương. 

Tại cuộc họp trực tuyến về phòng dịch Covid-19 với TP.HCM và 8 địa phương (Cần Thơ; Bạc Liêu; Kiên Giang; Sóc Trăng; An Giang; Tiền Giang; Đắk Lắk; Gia Lai) ngày 6/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, khi chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 không thể không có ca nhiễm trong cộng đồng. Vì vậy, hệ thống giám sát dịch bệnh phải được tăng cường thêm một mức, để sớm phát hiện, nhanh chóng xử lý ca mắc.

Cụ thể, các địa phương phải tăng cường xét nghiệm sàng lọc tại các cơ sở y tế; phát huy vai trò của Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng để phát hiện người từ nơi khác về, người có triệu chứng để xét nghiệm, điều trị từ sớm.

Phó Thủ tướng yêu cầu đối với những doanh nghiệp, nhà máy đã tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân, khi phát hiện ca mắc, cần có phương án khoanh vùng gọn từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất thay vì đóng cửa toàn bộ nhà máy.

Bộ Y tế cần có hướng dẫn linh hoạt thay vì quy định cứng tỷ lệ xét nghiệm định kỳ người lao động. Các địa phương cũng cần thống kê, hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm cho doanh nghiệp tự xét nghiệm cho công nhân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem