Chỉ còn là nghề phụ
Khi được hỏi về nghề đan đát (đan lát) ở Phú Tân, ông Huỳnh Thái Quốc – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân cho hay, hiện chỉ còn khoảng 100 người làm vì sản xuất chủ yếu hiện nay là trồng lúa, còn việc đan lát chỉ là nghề phụ, làm lúc rảnh rỗi. Còn về nghề vẽ tranh trên kiếng (kính) thì ở ấp Phước Thuận hiện cũng chỉ còn 12 hộ làm.
Ông Quốc chia sẻ: “Các nghề truyền thống của người Khmer như đan lát và vẽ tranh kiếng không còn được như trước. Trước đây xã từng có 1 hợp tác xã về đan lát, cung cấp nguyên liệu và máy móc để các hội viên hoạt động nhưng về sau do không tìm được đầu ra ổn định nên chỉ hoạt động cầm chừng rồi cũng ngừng hoạt động”.
Đây cũng là thực tế của nhiều nghề truyền thống ở các địa phương trong cơ chế thị trường hiện nay, do với nguồn nguyên liệu cho các nghề thủ công ngày càng khan hiếm, giá cả ngày càng tăng, lại thêm đầu ra luôn là vấn đề nan giải. Các hộ còn theo nghề thì vẫn mong muốn được giữ nghề nhưng vẫn phải tìm thêm nghề khác làm để ổn định cuộc sống. Ông Lâm Liếp, ngụ ở ấp Phước Quới (xã Phú Tân) chia sẻ:
“Hơn 50 năm trong nghề đan lát, tui chưa bao giờ có ý định bỏ nó và tui biết nhiều bà con ở đây cũng vậy, nhưng cái khó là vấn đề thu nhập. Bây giờ nguyên liệu tre, trúc để làm ngày càng tăng giá, muốn làm được một cái vỉ cũng phải mất trên 15 ngàn đồng, một người đan giỏi thì cũng chỉ được 3 cái/ngày là cùng, chưa kể thời gian chuẩn bị tre trúc, giá bán ra mỗi cái là 35 ngàn đồng”.
Ông Lâm Liếp thông tin thêm: “Đâu phải lúc nào cũng có người đặt hàng, với những hộ làm lâu năm thì còn đỡ, còn có người đến đặt thường; còn đối với những hộ làm nhỏ lẻ thì lại càng khó hơn. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm luôn luôn là khó khăn cho những hộ làm thủ công, sản phẩm làm ra mà khó tiêu thụ lại thêm giá cả không được cao thì bắt buộc người ta phải tìm thêm nghề khác để sinh sống, dần dà những nghề truyền thống trở thành nghề phụ”.
Khó sống với nghề
Cũng như nghề đan lát, nghề vẽ tranh kiếng ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân cũng trở thành nghề phụ của bà con Khmer. Theo các nghệ nhân làm nghề ở đây cho biết, hiện nhu cầu của thị trường về các loại tranh kiếng ở địa phương không phải nhỏ nhưng vấn đề là chi phí làm cao, lợi nhuận không nhiều nên không còn nhiều người mặn mà với nó.
Bà Thạch Thị Phiên (ấp Phước Thuận, xã Phú Tân), có thâm niên hơn 50 năm vẽ tranh kiếng chia sẻ: “Bây giờ mỗi bức tranh kiếng khổ 60x40cm, tui lấy tiền công là 25 ngàn đồng, trong đó chi phí nước sơn, xăng (khuôn kiếng thì người đặt sẽ mua sẵn) thì đâu còn lời bao nhiêu, trung bình 3 ngày nếu làm suốt thì chỉ làm xong được 5 bức”.
Vẽ tranh kiếng đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn lại cần đến sự tỉ mỉ, khéo léo nên việc truyền dạy cho các thế hệ sau không phải dễ. Bà Phiên chân tình bộc bạch: “Mấy đứa nhỏ bây giờ nó đâu có chịu học, mà có chịu học cũng rất khó để học. Thêm nữa là thu nhập của nghề này không cao, làm tốn thời gian lắm, chỉ có những người lớn tuổi, không nỡ bỏ nghề mới làm thôi”.
Tranh kiếng là loại tranh vẽ phía sau mặt tấm kiếng, người nghệ nhân đặt tấm kiếng lên tờ giấy hình mẫu vẽ ngược rồi dùng bút lông chấm mực vẽ theo hình mẫu, sau đó vẽ các chi tiết trong bức tranh.
“Ngày ông nhà còn sống, ổng dạy cho tui làm rồi sau này tui cũng muốn con mình học nghề nhưng tụi nó không học được. Vì cuộc sống nên con cái phải tìm nghề khác mà làm, như tui đây giờ làm để phụ giúp thêm chúng nó, nếu chọn đây là nghề chính thì tui không biết là có sống nổi với nó hay không…”- bà Phiên tâm sự.
Chính sự bào mòn của thời gian và sự phát triển của công nghệ đã khiến cho những nghề thủ công truyền thống như đan lát, vẽ tranh kiếng đang dần bị mai một. Tuy nhiên, trong tâm thức của nhiều người làm nghề thì đó không chỉ là một nghề truyền thống của người Khmer ở Phú Tân mà nó còn là nét văn hóa sinh hoạt và hội họa rất riêng của đồng bào Khmer Sóc Trăng cần được lưu giữ và phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.