Nguy cơ từ chuyện tăng "nóng" đàn gia cầm

Nguyễn Vy Thứ bảy, ngày 31/08/2019 06:40 AM (GMT+7)
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hoành hành ở khắp 62/63 tỉnh, thành đã khiến nhiều doanh nghiệp, trang trại ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gia cầm để tìm nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn. Cùng với thịt nhập giá rẻ tràn vào, việc tăng nóng gia cầm đang cảnh báo nhiều rủi ro cho chính người chăn nuôi nước ta.
Bình luận 0

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), chỉ trong 6 tháng đầu năm, tổng đàn gia cầm cả nước đã tăng 7,5%. Lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 661.000 tấn, tăng 8,6%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 7 tỷ quả, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Đàn gia cầm tăng nhanh

Mới đây, Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, DTLCP đã xảy ra ở hơn 3.000 hộ chăn nuôi tại 122 xã trên địa bàn. Toàn tỉnh đã phải tiêu hủy 301.000 con lợn, thiệt hại ước tính lên tới 405 tỷ đồng. Do người chăn nuôi giảm đàn (cả lợn thịt và lợn nái), cộng thêm số lượng lợn bị tiêu hủy tăng đột biến gần đây nên hiện tổng đàn lợn của tỉnh chỉ còn gần 1,9 triệu con; giảm hơn 600.000 con so với khi chưa xuất hiện DTLCP.

img

Việc đầu tư tăng đàn gia cầm cần theo tín hiệu thị trường để hạn chế rủi ro (ảnh minh họa).  N.V

"Trong giai đoạn ngành chăn nuôi bước vào hội nhập với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, người chăn nuôi càng phải cân nhắc trong từng quyết định đầu tư. Việc cần thiết là phải tính toán đầu tư sao cho năng suất chăn nuôi cao để giảm giá thành; chất lượng phải tốt để có thể cạnh tranh”.            

Ông Lê Văn Quyết

Ở chiều ngược lại, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh lại tăng mạnh từ đầu năm tới nay. Ngành chăn nuôi gia cầm thu hút thêm nhiều dự án đầu tư mới ở cả tư nhân và doanh nghiệp. Trong đó, có nguyên nhân dự báo thị trường sẽ bị thiếu hụt nguồn thịt lợn.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, khi các trại nuôi lợn nhỏ lẻ bỏ đàn, đa số bà con đã chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Mảng chăn nuôi gà thả vườn cũng dần chuyển hướng theo quy mô công nghiệp, theo đó trại ít cũng từ vài ngàn con, trại nhiều lên tới vài chục nghìn con, góp phần làm tổng đàn gia cầm tăng nhanh. Hiện tổng đàn gà của Đồng Nai có gần 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so với cuối năm 2018.

Ngoài ra, Đồng Nai còn có đàn chim cút đạt trên 6,6 triệu con; đàn vịt, ngan, ngỗng đạt gần 1,2 triệu con; tăng cả triệu con so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung các sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh đang khá dồi dào. Hiện giá vịt bán tại trại dao động từ 38.000 - 40.000 đồng/kg; gà ta thả vườn từ 50.000 - 55.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp từ 24.000 - 26.000 đồng/kg.

Tại huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), bà Hà Thị Loan - hộ chăn nuôi địa phương cho biết khoảng vài tháng trở lại đây, giá gà ở Châu Đức đã tăng mạnh lên mức 55.000 - 57.000 đồng/kg, gà mái giá 65.000 - 67.000 đồng/kg nên người nuôi có lãi khá. Nhờ giá tăng, bà Loan thu lãi khoảng 20 triệu đồng/1.000 con/lứa. “Hiện gia đình tôi đã tăng đàn gà từ gần 3.000 con gà lên 5.000 con. Hy vọng, từ nay đến cuối năm giá gà sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao” - bà Loan cho biết.

img

Mô hình chăn nuôi gà thả vườn chuyển hướng theo sang mô công nghiệp cũng góp phần làm tổng đàn tăng nhanh. Ảnh: N.V

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, DTLCP đã bùng phát tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, khiến gần 7.500 con, tương đương gần 500 tấn thịt lợn phải tiêu hủy; tổng đàn lợn cũng giảm khoảng 40.000 con kể từ khi có dịch. Loại dịch bệnh này còn gây thiếu hụt nguồn cung lợn giống nên khả năng tái đàn, tăng đàn trở lại là rất khó khăn.

Chính điều này làm dấy nên mối lo ngại nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu trong thời gian dài. Vì thế không chỉ đàn gà, mà tổng đàn vịt ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tăng khoảng gần 1,7 triệu con, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cân nhắc đầu tư

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tỷ lệ đàn gia cầm ở nhiều quốc gia chiếm khoảng 40% cơ cấu sản phẩm chăn nuôi. Nhưng ở Việt Nam, thịt lợn chiếm tới 70% cơ cấu sản lượng thịt, trong khi gia cầm chỉ khoảng 20%, trâu bò chiếm 7%, còn lại là thủy sản và các loại thịt khác.

Vì vậy, Bộ NNPTNT đã có chủ trương nâng tỷ lệ gia cầm và đại gia súc trong cơ cấu các loại thịt. Tuy nhiên cũng chỉ tăng thêm khoảng 7% đối với gia cầm và 5% đối với bò thịt. Còn nếu tăng nóng nguồn thịt thì lại gây nhiều rủi ro cho chính người chăn nuôi.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 80.000 tấn thịt gà các loại, chủ yếu từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Brazil… Hiện Việt Nam xếp thứ 5 toàn cầu về nhập khẩu gà đông lạnh và tốc độ nhập khẩu tăng nhanh nhất thế giới. Đáng chú ý, tính trung bình giá thịt gà Mỹ về Việt Nam chỉ dưới 18.000 đồng/kg. Loại thịt gà nhập từ Mỹ chủ yếu là thịt đông lạnh loại nguyên con, đùi gà, cánh và chân gà công nghiệp.

Trước đây, giá gà Mỹ nhập vào Việt Nam cũng chỉ 19.000 - 23.000 đồng/kg. Hiện trên thị trường, tại các siêu thị lớn, siêu thị tiện lợi, giá đùi gà, cánh gà dao động từ 38.000 - 65.000 đồng/kg; giá gà ta tươi sống tại các chợ vào khoảng 110.000 - 150.000 đồng/kg. Dự báo các tháng cuối năm, lượng thịt gà nhập khẩu có thể gia tăng nếu các loại nông sản ở Mỹ còn khó khăn đầu ra.

Ông Nguyễn Thanh Phi Long - chủ trang trại nuôi gà thịt Long Bình ở Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, hiện nhiều trang trại có thể nuôi được từ 4 - 5 lứa gà công nghiệp/năm. Nếu nhu cầu thị trường về sản phẩm thịt gà tăng cao thì người chăn nuôi dễ dàng tăng lứa, tăng sản lượng đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, thịt gà, thịt lợn đông lạnh nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư tăng đàn mạnh nên áp lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm ngày càng lớn. Thị trường thịt gà sẽ khó có mức giá cao và lợi nhuận lớn như kỳ vọng của người chăn nuôi.

Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ thì cho rằng, việc dự báo “thiếu nguồn cung thịt lợn là cơ hội để tăng đàn gà” sẽ khó xảy ra. Bởi vẫn có nhiều loại thực phẩm khác thay thế chứ không chỉ riêng sản phẩm từ gà.

Theo ông Quyết, nếu thị trường cần thì việc nhập khẩu là bình thường nhưng phải làm tốt khâu kiểm soát nguồn thịt nhập nhằm đảm bảo về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Sẽ là thiếu chuyên nghiệp và rủi ro khi nhiều trang trại nuôi lợn tính chuyện chuyển đổi sang nuôi gà mà không sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem