Nguyễn Thanh Hoài nói 'lời gan ruột' vụ gian lận điểm thi Hà Giang

N.P (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 19/10/2019 10:31 AM (GMT+7)
Liên quan đến vụ xét xử vụ gian lận thi cử Hà Giang, lời nói sau cùng của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài gây bất ngờ...
Bình luận 0

Tờ Infonet đưa tin, chiều 18/10, phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Hà Giang kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được phép nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án.

img

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài tại phiên tòa sáng 15/10. Ảnh VTC

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - sở GD&ĐT Hà Giang, là người đầu tiên bước lên bục nói lời sau cùng. Bị cáo nói:

“Bản thân tôi cũng đã có tuổi, với hành vi phạm tội của mình, tôi đã nhận thức rõ. Trong quá trình công tác tôi đã có những đóng góp cho xã hội và ngành giáo dục. Tôi chỉ mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm về lại cộng đồng.

Tôi xin phép trong máy tính của tôi có chứa nhiều đề thi và gia phả của dòng họ. Tôi xin phép được copy lại đề thi để cho con tôi dùng và gia phả để con tôi được biết”.

Bên cạnh đó, theo báo TTXVN, bị cáo Triệu Thị Chính (51 tuổi, nguyên Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) nói khi có kết quả 107 thí sinh được nâng điểm, với cương vị Phó Giám đốc sở, Trưởng ban chấm thi, bị cáo đã có hàng chục phiên kiểm kiểm, nhận trách nhiệm với Tỉnh ủy Hà Giang, sở GD&ĐT. Bị cáo gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất tới Đảng, Nhà nước, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Hà Giang; kính mong Hội đồng xét xử xem xét thấu tình, đạt lý, đảm bảo công bằng cho bị cáo. 

Còn bị cáo Phạm Văn Khuông (60 tuổi, nguyên Phó Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) chia sẻ, bị cáo không nghĩ gần 40 năm công tác trong ngành Giáo dục nay lại nhận cái kết cay đắng như thế. Bị cáo Khuông cũng xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội, điều kiện sống bên gia đình, bạn bè những năm tháng tuổi già; đồng thời xin giảm hình phạt với các bị cáo khác để sớm được hòa nhập cuộc sống, chuộc lại lỗi lầm.

Tới lượt bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ - Công an tỉnh Hà Giang), bị cáo cho biết khi bị phát hiện đã chủ động gặp và báo cáo cấp trên về hành vi trái pháp luật của mình, chủ động hợp tác với cơ quan điều tra. Bị cáo cũng xin được giảm án tù để có thời gian sửa sai, tiếp tục điều trị bệnh.

Thay mặt Hội đồng xét xử, bà Vương Thị Thu Hà, Phó Chánh án Tòa hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang, thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa công bố, Hội đồng xét xử nghỉ nghị án từ ngày 21/10 và sẽ tuyên án vào ngày 25/10 tới.

img

Các bị cáo trong vụ gian lận thi cử Hà Giang tại tòa. Ảnh: Infonet

Trước đó, trong phiên tòa ngày 17/10, Viện Kiểm sát đã đề nghị tòa tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Hoài 8-9 năm tù; Vũ Trọng Lương 7-8 năm tù; các bị cáo Triệu Thị Chính và Lê Thị Dung cùng mức án 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù; bị cáo Phạm Văn Khuông 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo.

Như Dân Việt đã thông tin: HĐXX TAND tỉnh Hà Giang xét xử vụ gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hà Giang. 5 bị cáo gồm: Nguyễn Thanh Hoài (SN 1969, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang); Vũ Trọng Lương (SN 1978, nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang); Triệu Thị Chính (SN 1968, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú); Phạm Văn Khuông (SN 1959, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện bị cấm đi khỏi nơi cư trú); Lê Thị Dung (SN 1969, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang, hiện bị cấm đi khỏi nơi cư trú).

Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, bị can Hoài đã bàn bạc và thống nhất với Lương việc sửa bài thi, nâng điểm cho các thí sinh. Mặc dù ông Hoài không trực tiếp can thiệp sửa kết quả bài thi của thí sinh nhưng đã đưa danh sách 93 thí sinh cho bị can Lương để sửa chữa, nâng điểm. Lương trực tiếp nhận giúp nâng điểm 14 thí sinh. Lương cũng là người thực hiện thao tác trên máy tính can thiệp, sửa kết quả 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc bài thi (phiếu trả lời trắc nghiệm) của 107 thí sinh để nâng điểm.

Còn bị can Phạm Văn Khuông đã nhờ Hoài nâng điểm cho con trai để đăng ký xét tuyển Đại học Y Thái Bình. Kết quả là con trai bị can Khuông được nâng 13,3 điểm 3 môn thi trắc nghiệm.

Bị can Triệu Thị Chính được xác định đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của trưởng ban chấm thi, vi phạm quy chế thi, đưa danh sách 13 thí sinh nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh và xem điểm cho 1 thí sinh.

Cơ quan điều tra xác định giữa 2 bị can đã thống nhất số điểm cần nâng, nhưng vì lý do khách quan nên Hoài chưa thực hiện can thiệp nâng điểm. Ngoài ra, bị can Lê Thị Dung đã nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nêu rõ: "Hành vi phạm tội của các bị can nói trên đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gian lận trong thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, không còn sự công bằng trong xã hội…".

Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất là 29,95 điểm với 4 môn trắc nghiệm gồm toán, ngoại ngữ, hóa và lý. Thí sinh được nâng ít nhất 2,2 điểm với 1 môn.

Cơ quan điều tra cũng lấy lời khai của phụ huynh, người liên quan đến 99/107 thí sinh, có 41 người khẳng định đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài và ông Vũ Trọng Lương nâng điểm cho con, cháu họ.

Đáng chú ý, cáo trạng cũng xác định không có gia đình thí sinh nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm. Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đều khai chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem