Nhà báo điều tra Thu Trang - người đàn bà “đi tìm giông bão”

Tố Loan Thứ hai, ngày 14/01/2019 06:00 AM (GMT+7)
Người phụ nữ ấy khi đối mặt với những tay “anh chị” khét tiếng nhất giới giang hồ cũng không chút sợ hãi; khi “một mình một ngựa” bất kể sớm tối đêm khuya cũng không chút nản lòng, nhưng lại yếu mềm trước những đứa con côi cút của kẻ tù tội; hoặc òa khóc như trẻ thơ vì nghĩa cử ấm áp của đồng nghiệp...
Bình luận 0

Cũng người phụ nữ ấy, trái tim bao lần thắt lại vì day dứt khi gia đình bị đe dọa, nhưng vẫn kiên quyết theo đến cùng của sự thật, chỉ để “được làm nghề một cách tử tế”.

Để nói và hình dung về Nguyễn Thu Trang người ta hay dùng những từ: Gai góc, xù xì, mạnh mẽ, bản lĩnh… nhưng trong một buổi trưa mùa đông, ở góc quán cà phê nhỏ, tôi cảm nhận về chị rất khác. Đó là người phụ nữ với bản năng đầy chất đàn bà: Chọn những điều tinh tế, yêu những thứ nhẹ nhàng và sống vui từ những điều giản đơn.

Áp lực và sự cô đơn

img

Nhà báo Nguyễn Thu Trang.

Chị bảo, nghề báo đã chọn chị, chị vào nghề bằng lòng háo hức và sự liều lĩnh hiếm có, “tôi bén duyên với mảng “phóng sự điều tra” lúc nào không hay biết? Có những vụ, tôi tìm hiểu chỉ vì tò mò, đơn cử như lần thâm nhập vào sòng bạc năm sao Royal (Quảng Ninh)”.

Chị kể: “Tình cờ tôi biết một cán bộ ngân hàng bị bắt vì rút ruột quỹ công đi chơi bài ở sòng bài này. Tôi tự đặt ra câu hỏi: Ở đó có gì mà người ta có thể “nướng” hàng chục tỷ đồng mỗi đêm? Ở đó khốc liệt như nào mà có cả giai thoại về những đôi vợ chồng cùng rủ nhau đi đánh bạc rồi cùng nhảy cầu Bãi Cháy tự tử vì trắng tay sau một đêm?… Những thắc mắc ấy dẫn tôi vào “hang cọp” lúc nào không hay. Và khi đó tôi chỉ có suy nghĩ là trót leo lên lưng cọp rồi thì phải cưỡi thôi”.

Hỏi chị về những cảm xúc mỗi khi loạt bài thành công, chị im lặng và ngập ngừng khá lâu rồi bảo: “Tất nhiên, khi phanh phui được những điều xấu xa, khi những kẻ ác bị trừng phạt, tôi cũng thấy ấm lòng và tin vào hành trình tìm giông bão của mình, nhưng càng nhiều góc khuất bị lộ, tôi càng cảm giác đơn độc, bất lực, cô đơn”.

Trong quá trình tác nghiệp, chị không ít lần bị chặn đứng bởi những bức tường vô hình, những “chỉ đạo” từ các nhân vật có quyền lực và tầm ảnh hưởng lớn. Có nhiều lúc tưởng chừng như không thể vượt qua. Thậm chí, không ít đắng cay khi bị những luồng thông tin nghi kỵ: Đề tài của chị là phe nhóm đánh nhau hoặc mình “tiếp tay” cho họ vì lợi ích kinh tế…

Thế nhưng, tất cả những điều ấy chị đều vượt qua được, “điều khiến tôi buồn nhất, đau nhất là sự thờ ơ, nghi kỵ của đồng nghiệp. Trong không ít vụ án, tôi phải đối đầu với chính đồng nghiệp của mình - những người đáng lý ra phải đứng về lẽ phải thì họ lại chọn đối đầu với lẽ phải, đối đầu với những người đi tìm sự thật như tôi” - chị kể.

Thế nên, chị làm phóng sự điều tra, ngoài mục đích đấu tranh với cái ác, cái xấu cũng còn mong muốn khác là tìm lại sự trong sáng của nghề báo bị những góc nhìn vẩn đục ít nhiều làm ảnh hưởng. “Tôi luôn mong những bạn trẻ nếu theo nghề báo, hãy cứ tin rằng, luôn luôn có những người làm nghề chân chính, tử tế, hết mình”, chị chia sẻ.

Sống tử tế nhất có thể

img

Phía sau sự gan lì, từng trải của một nhà báo điều tra có nghề, Nguyễn Thu Trang vẫn là người phụ nữ với trái tim nồng ấm tràn đầy yêu thương, đồng cảm với những cảnh đời kém may mắn. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Rắn rỏi và mạnh mẽ trước những ông trùm của xã hội đen, nhưng đứng trước những số phận gặp nhiều bất hạnh, chị “hiện nguyên hình” là người phụ nữ yếu đuối và dễ mềm lòng. Chị đã từng òa khóc khi lãnh đạo tòa soạn từ chối nhận “tiền dàn xếp” để ủng hộ chị. Chị cũng từng vào tận trại giam để tìm mẹ cho 3 đứa trẻ… nhưng chẳng bao giờ chị chia sẻ về những điều này chỉ vì sợ lâm vào tình thế khoe khoang bản thân.

“Khi phanh phui được những điều xấu xa, khi những kẻ ác bị trừng phạt, tôi cũng thấy ấm lòng và tin vào hành trình tìm giông bão của mình, nhưng càng nhiều góc khuất bị lộ, tôi càng cảm giác đơn độc, bất lực, cô đơn”.

“Tôi coi những câu chuyện đó vừa là động lực vừa là cách tôi giải tỏa mình khỏi những day dứt trong lòng. Câu chuyện mà bạn nhắc đến cũng là một dịp tình cờ thú vị, trong chuyến đi lên vùng cao, tôi vô tình lạc vào một bản có 3 đứa trẻ tự nuôi nhau gần 10 năm nay. Mẹ thì đi tù vì buôn bán ma túy, xung quanh hàng xóm, anh em họ hàng đều là những người nghiện. Thế mà các con tự chăm sóc, bảo vệ lẫn nhau giữa một môi trường đấy phức tạp ấy khiến tôi rất cảm động. Tôi hứa sẽ đưa các con đi gặp mẹ”.

Lúc đó chị chỉ hứa liều, về Hà Nội chị đã làm mọi cách để tìm ra tung tích người mẹ và cuối cùng cũng tìm được. Sau đó, chị gom góp những đồng nhuận bút để gửi cho người mẹ mua thuốc men, chăm sóc cho bọn trẻ. Việc làm của chị đã nhận được sự đồng cảm của nhiều quản giáo trong trại giam. Họ cũng góp tiền trợ giúp, cưu mang những đứa trẻ đó. “Tôi không dám nhận đó là lòng tốt, tôi chỉ nghĩ đó là việc mình nên làm, cố gắng sống tử tế nhất có thể”.

Hay như trong quá trình điều tra tác nghiệp vụ bảo kê chợ Long Biên, dù đến giờ những cái xấu xa bị vạch trần, những kẻ bảo kê phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bước đầu bà con trong chợ đã có một tương lai hứa hẹn những điều tốt đẹp hơn. Nhưng với tư cách một nhà báo, chị vẫn không thể vui trọn vẹn với kết quả tích cực đó, mà thường bị ám ảnh bởi chính những thân phận phụ nữ ở chợ.

“Sau xấp xỉ 2 tháng đêm đêm hòa mình vào chợ, tôi thấy xót những người phụ nữ. Họ cũng tầm lứa tuổi như tôi, hàng ngày lăn mình vào bóng đêm của chợ; mùa mưa cũng như mùa nắng, hè nóng cháy da hay đông lạnh buốt… họ đều lầm lũi mưu sinh”.

“Đáng lý ra ở những nơi phức tạp như thế này thì phải ít đàn bà phụ nữ mới đúng, thế mà họ đông quá, đông hơn rất nhiều so với cánh đàn ông ở chợ. Hình ảnh những người phụ nữ cứ đau đáu, ám ảnh tôi, mà điều này không thể giải quyết bằng một loạt bài phóng sự nào được cả và tôi chẳng biết phải làm sao để giúp họ…” - chị trăn trở.

Sau mỗi loạt bài chị lại “biến mất” khỏi truyền thông. Hỏi, chị chỉ cười nhưng đó là lúc chị dành thời gian cho gia đình nhỏ bé của mình. Có nhiều thời gian hơn chị lại trồng cây, trồng hoa hoặc đi miền núi, chị yêu cuộc sống bình dị có phần lạc hậu, yêu những hàng rào đá và nếp nhà trình tường, yêu những đứa trẻ lấm láp...

Nguyễn Thu Trang là thế, luôn sẵn sàng lao vào “giông bão”, luôn “liều mình như chẳng có” nhưng phía sau sự gan lì, thô ráp đó lại là trái tim ấm áp tràn đầy yêu thương, đồng cảm.

Nhà báo Thu Trang công tác tại Báo Phụ nữ TP.HCM, Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Chị đã đạt rất nhiều giải thưởng với các đề tài phóng sự điều tra như:

Năm 2010-2011: Giải nhất cuộc thi viết về đề tài gia đình với loạt bài: “Giải cứu bé gái 4 tuổi khỏi địa ngục trần gian”.
Năm 2012: Giải nhì thể loại báo chí điều tra Hội Nhà báo TP.HCM với loạt bài: “Thâm nhập sòng bạc 5 sao của người Việt”.
Năm 2013: Giải nhì thể loại báo chí điều tra loạt bài: “Thâm nhập đường dây làm giả bệnh án tâm thần ở Hải Dương”.
Năm 2014: Giải nhì thể loại báo chí điều tra loạt bài “Thâm nhập băng nhóm giang hồ phía tây Hà Nội”.
Năm 2015: Giải nhất cuộc thi phòng chống bạo lực trẻ em với loạt bài: “Điều tra về đường dây buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem