Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm

Thứ hai, ngày 10/04/2023 15:24 PM (GMT+7)
Di tích nhà cổ của ông Lê Quang Xoát (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) được biết đến là công trình kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Á- Âu, nhưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc...
Bình luận 0

Nhà cổ của ông Lê Quang Xoát có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, khoa học đối với nhân dân Tiền Giang nói riêng và nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm - Ảnh 1.

Tọa lạc giữa vườn cây ăn trái có diện tích 9667,7 m2, chủ nhân ngôi nhà hiện tại là ông Lê Quang Xoát và bà Đoàn Thị Trí, làng cổ Đông Hòa Hiệp, nay là xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Trải qua thăng trầm lịch sử, đến nay ngôi nhà cổ ông Xoát đã hơn 200 năm tuổi nhưng vẫn giữ nguyên nét kiến trúc độc đáo ban đầu. Ngôi nhà đã trở thành điểm đến thu hút du khách thập phương tham quan, nghiên cứu...

Kiến trúc nhà cổ độc đáo

Làng cổ Đông Hòa Hiệp có nhiều ngôi nhà cổ từ 80 đến 200 năm tuổi, trong đó ngôi nhà của vợ chồng ông Lê Quang Xoát và bà Đoàn Thị Trí được xem là lâu đời nhất tại đây. Tọa lạc giữa vườn cây ăn trái có diện tích 9667,7 m2, chủ nhân ngôi nhà hiện tại là ông Lê Quang Xoát, một cựu chiến binh. 

Nhà cổ được khởi công xây dựng năm 1818 đến năm 1821 mới hoàn thành do ông tổ 6 đời trước của ông Lê Quang Xoát là ông Lê Văn Ký đứng ra xây dựng.

Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm - Ảnh 2.

Nhà cổ với lối kiến trúc Đông-Tây kết hợp ở làng cổ nổi tiếng Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Theo ghi chép còn lại trong dòng họ Lê ở Đông Hòa Hiệp, vợ chồng ông Lê Văn Ký và bà Phạm Thị Lầu người miền Trung, vào những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX di cư vào miền Nam đến vùng Cái Bè mua đất của bà Thêm để lập nghiệp. 

Để xây dựng được ngôi nhà, ông Ký đã bỏ ra 10 năm để mua gỗ ở tận Campuchia, rồi đóng bè thả theo dòng sông Cửu Long về Việt Nam đến Cái Bè thì cho kéo lên. Khi đã chuẩn bị đủ số gỗ làm nhà, ông Ký ra tận Huế thuê thợ vào làm ròng rã 3 năm mới hoàn thành.

Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm - Ảnh 3.

Toàn bộ nhà cổ lúc xây dựng ban đầu gồm 3 phần: Nhà trên là nhà chính được xây dựng ba gian hai chái (chái đôi tạo thành nhà năm gian). 

Nhà trên là nhà để thờ cúng tổ tiên, ông bà, làm nơi tiếp khách trong những ngày giỗ, ngày tết. Nhà dưới là nhà để làm nơi ăn ở sinh hoạt hằng ngày. Còn lẫm lúa là kho chứa thóc và dụng cụ làm nông nghiệp, có diện tích 150 m2 đã được tháo dỡ trước năm 1975.

Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm - Ảnh 4.

Qua quá trình sử dụng và qua nhiều đời thừa kế ngôi nhà đã xây dựng thêm nhiều công trình liên kết phía trước như thảo bạt (nhà cầu); mặt dựng bằng bê tông, nhìn tổng thể ngôi nhà hiện nay có dạng chữ tam.

Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm - Ảnh 5.

Theo nguồn tư liệu thu thập được của Bảo tàng Tiền Giang, vào những năm đầu thế kỷ XX với phong trào xây dựng nhà ở, cơ quan công sở theo kiểu phương Tây ở các tỉnh miền Nam từ thành thị đến nông thôn, các hào phú, điền chủ những người có tiền của và một chút kiến thức Tây học, họ xây mới các ngôi nhà hoặc xây thêm mặt dựng cho những ngôi nhà cổ theo kiểu châu Âu cửa vòm, cột Gôtit, trên tường và trần nhà hay vẽ và chạm trổ các hoa văn theo phương Tây, mái lợp ngói móc (Tây). 

Hòa trong số đó nhà cổ ông Xoát cũng được xây mặt dựng và thảo bạt vào năm 1920.

Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm - Ảnh 6.

Cụ thể, phần trước ngôi nhà là mặt dựng xây gạch có diện tích 24,5 m2 theo kiểu kiến trúc Pháp. Cột mặt dựng cao 4,39 m; bó nền đá xanh hình lục giác, mặt nền lót gạch bông; chung quanh cột hàng hiên xây gạch vuông và tròn có đường kính 25 cm, cửa vòm cao 3,2 m, rộng 1,3 m.

Trên đỉnh mặt dựng trước làm bằng ô dước về sau trùng tu bằng xi măng, các đầu cột trang trí hoa văn kiểu châu Âu như dây lá, hoa hồng ở giữa đề hai chữ “Nhựt Tân” có hoa văn đồng tiền lỗ vuông kết nối.

Mái nhà cổ lợp ngói vảy cá, trên nóc thượng lương gắn hai chóp tupa, giữa hoa văn theo kiểu kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX, mái giọt nước là hoa văn hoa hồng, dây lá uốn cong, khoảng cách từ thượng lương đến mặt nền cao 5,8 m, từ trần nhà xuống cao 4,2 m.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, những năm 1960 - 1970 trên la phong mặt dựng ngôi nhà ông Xoát là hầm bí mật cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo của xã, huyện làm nơi cất dấu tài liệu và nơi trú ẩn khi có giặc ruồng bố càn quét vào xóm ấp.

Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm - Ảnh 8.

Nối liền mặt dựng với nhà chính là thảo bạt hay còn gọi là nhà cầu có diện tích trên 121 m2, nền cao 35 cm, bộ khung ngôi nhà cầu (thảo bạt) được xây dựng năm 1920, mái lợp ngói âm dương gồm 14 cột gỗ có đường kính 30 cm; nền lót gạch men được làm lại vào năm 2000 (trước đây lót gạch tàu)… 

Từ thảo bạt vào nhà chính (nhà trên) qua 5 cửa được làm theo kiểu thượng song hạ bản. Trên các thành vọng, đố cửa và các cánh cửa được chạm trổ khá công phu với nhiều đề tài, họa tiết khác nhau.

Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm - Ảnh 9.

Kiến trúc độc đáo của ngôi nhà cổ ông Xoát hơn 200 năm tuổi ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cáo Bè, tỉnh Tiền Giang.

Nhà chính (nhà trên) được xây dựng vào năm 1818, theo kiểu nhà ba gian hai chái, kết cấu khung gỗ nhà theo kiểu nhà rường, toàn bộ nhà làm bằng các loại gỗ quý hiếm như căm xe, gõ, lim… 

Nền cao 45 cm, mặt nền lót gạch tàu hình lục giác cạnh 15 cm, bó nền chung quanh bằng đá ong bên ngoài tô xi măng khắc chạm hình da quy. 

Bao bọc chung quanh nhà là vách đóng theo kiểu bổ kho ngang. Mái nhà lợp ngói âm dương 3 lớp… Hệ thống cột nhà chính của nhà cổ ông Xoát gồm 40 cột, tất cả các cột gỗ đều được kê trên tán đá xanh được âm bằng mặt gạch lót nền...

Truyền đời cho thế hệ mai sau

Hơn 200 năm qua, các thế hệ của dòng họ Lê đã cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị nhà cổ ông Xoát. Theo bà Đoàn Thị Trí, ông Xoát là “hậu duệ” thứ 5 của ngôi nhà cổ này. Kể từ khi về làm dâu đến nay, hơn 40 năm qua, bà Trí cùng chồng trực tiếp coi quản, gìn giữ ngôi nhà cổ.

Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm - Ảnh 11.

“Quả thật lúc đầu được ba mẹ chồng giao quyền chăm nom, coi sóc ngôi nhà, bản thân vợ chồng tôi vừa mừng vì được sống trong ngôi nhà cổ có kiến trúc đẹp, vừa áp lực trước tổ tiên, dòng họ Lê quá lớn trong việc giữ gìn, bảo tồn. Nhưng nhờ quá trình sống trong căn nhà được ba mẹ chồng dạy dỗ việc coi sóc, quản lý, lâu dần cảm thấy yêu quý, suốt ngày cứ mân mê lau chùi, dọn dẹp từng cái cột, cái bàn, cái ghế… của ông bà để lại mà không bao giờ thấy mệt”, bà Trí chia sẻ.

Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm - Ảnh 12.

Không phụ lòng các “bậc tiền nhân” đi trước, từ ngày tiếp quản căn nhà, vợ chồng ông Xoát - bà Trí và các con đã giữ gìn, chăm sóc ngôi nhà chu đáo. Trải qua 6 đời sử dụng, chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh và nhiều lần trùng tu, nhưng ngôi nhà vẫn giữ được dáng vẻ như ban đầu mới xây dựng.

Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm - Ảnh 13.

Bà Trí cho biết: “Đây là tài sản lớn của ông bà tổ tiên để lại nên tôi cẩn thận từng món đồ nhỏ nhất không thay đổi, bàn ghế để sao là để y vậy. Đều đặn hằng năm, gia đình tiến hành phun thuốc diệt mối mọt để bảo vệ bộ khung gỗ của ngôi nhà. Năm 2000, do một số kết cấu như nền ngôi nhà khách và một số cột kèo, các khuôn chạm bị mối mọt ăn mục, nên gia đình đã sửa lại bằng cách ốp xi măng vào các cột bị mối ăn, lót lại nền nhà khách bằng gạch men và quét dầu nhờn vào các họa tiết trang trí trên các khung cửa, bao lam khảm xà cừ nên có màu đen như ngày nay”.

Nhà cổ nổi tiếng đất Tiền Giang, hơn 200 năm sau nghe câu nói của hậu duệ đời thứ 6, ai cũng phục thầm - Ảnh 14.

Ngôi nhà cổ được gia đình ông Xoát chăm chút, gìn giữ cẩn thận.

Những năm qua, cùng với các ngôi nhà cổ khác của xã Đông Hòa Hiệp, nhà cổ ông Xoát đã đón đông đảo khách tham quan, thưởng lãm, một số chuyên gia đến nghiên cứu kiến trúc nghệ thuật. 

Tuy nhiên từ khi bùng phát dịch Covid-19 cho tới nay, lượng khách đến ngôi nhà cổ này đã giảm hơn trước, hiện gia đình đang có kế hoạch đầu tư phát triển nhằm phát huy giá trị ngôi nhà cổ.

Anh Lê Duy Minh, con trai trưởng của ông Xoát và cũng là “hậu duệ” đời thứ 6 dòng họ Lê của ngôi nhà cổ ông Xoát cho biết: “Đây là công trình lớn của ông bà để lại, trách nhiệm của con cháu đời sau là tiếp tục gìn giữ, bản thân tôi luôn ý thức điều này và sẽ cố gắng gìn giữ những giá trị kiến trúc đặc sắc của ngôi nhà cổ. Đặc biệt là sẽ có các giải pháp để phát huy giá trị ngôi nhà cổ, trước mắt sẽ cải tạo khuôn viên nhà, trồng thêm cây trái, hoa tươi tạo cụm tiểu cảnh, từng bước đầu tư phát triển theo hướng phục vụ du lịch, để những giá trị của nhà cổ ông Xoát được nhiều người biết đến”.

Gia Tuệ-Đăng Nguyên (Báo Âp bắc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem