Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trễ hẹn khởi công

Hồng Trâm Thứ tư, ngày 14/09/2022 15:10 PM (GMT+7)
Bộ Giao thông Vận tải dự kiến lùi mốc thời gian triển khai thi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào quý 4/2022 thay vì quý 3/2022 như yêu cầu Chính phủ đề ra.
Bình luận 0

Lùi thời gian triển khai nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM liên quan đến việc đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Trước đó, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã gửi kiến nghị của cử tri tới Bộ GTVT đề nghị "sớm đầu tư, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Xây dựng nhiều nhà ga, bãi đậu xe cho mỗi nhà ga, xây dựng hệ thống đường ống đưa đón khách ra vào máy bay, xây dựng thêm xưởng bảo dưỡng máy bay để đạt độ an toàn cho các chuyến bay".

Theo Bộ GTVT, dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (nhà để xe cao tầng, hệ thống cầu ống lồng…) của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất hiện đang được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức triển khai thực hiện với quy mô 20 triệu hành khách/năm. Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 được kỳ vọng sẽ giảm tải cho hai nhà ga T1 và T2 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trễ hẹn khởi công - Ảnh 1.

Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất dự kiến quy mô 20 triệu hành khách/năm. Ảnh: H.T

Dự án dự kiến khởi công trong quý 4/2022 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024. Cùng với các nhà ga T1 và T2, sau khi hoàn thành nhà ga T3 sẽ nâng tổng công suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất lên khoảng 50 triệu hành khách/năm. Được biết, mốc thời gian đã lỡ hẹn so với tiến độ Chính phủ giao trước đó là quý 3/2022.

Theo Quyết định số 657/QĐ-TTg ngày 19/5/2020, nhà ga hành khách T3, công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước).

Cần sớm giải quyết vấn đề mặt bằng T3 Tân Sơn Nhất

Trước đó, tháng 7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và UBND TP.HCM khởi công Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất trong quý 3/2022, hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 9/2024.

Thủ tướng yêu cầu ACV và TP.HCM phải giải quyết dứt điểm việc bàn giao mặt bằng trên diện tích đất quốc phòng để thực hiện dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3, dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa cũng như xử lý 12 ụ bê tông xi măng trong phạm vi dải lăn của đường lăn W11A thuộc dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trễ hẹn khởi công - Ảnh 3.

Dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất dự kiến khởi công trong quý 4/2022. Ảnh: H.T

Tiếp theo đó, ngày 28/7, Chính phủ đã đồng ý chủ trương Bộ Quốc phòng bàn giao khoảng 27,85 ha đất quốc phòng tại quận Tân Bình cho UBND TP.HCM quản lý để thực hiện dự án Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên theo Bộ Quốc phòng, việc bàn giao đất để thực hiện Dự án Nhà ga T3 có nhiều vướng mắc. Cụ thể, các khu đất khoảng 16,05 ha xây dựng Nhà ga T3 và diện tích khoảng 11,89 ha xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa chưa được cập nhật, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối theo phương án chuyển giao đất quốc phòng cho địa phương và chưa được Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 2 khu đất trên. Do vậy, không đủ cơ sở để bàn giao đất cho TP.HCM thực hiện các dự án.

Về kinh phí, việc di dời đơn vị để bàn giao 16,05 ha đất dự kiến cần khoảng hơn 1.100 tỷ đồng và gần 100 tỷ đồng xây dựng mới hệ thống ụ bê tông xi măng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Kinh phí xây mới các công trình quốc phòng gồm nhà ga quân sự, khu tác chiến, nhà chứa máy bay để bảo dưỡng, sửa chữa... cũng cần khoảng 700 tỷ đồng.

Ngoài ra, công tác di dời, xây dựng, sửa chữa công trình để bàn giao 11,89 ha đất quốc phòng cho dự án xây dựng đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa còn vướng bởi TP.HCM chưa phối hợp kiểm đếm, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng nên chưa xác định được lượng kinh phí bồi thường, hỗ trợ.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trễ hẹn khởi công - Ảnh 4.

Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải công suất. Ảnh: H.T

Trong khi đó, thời gian qua, Bộ GTVT liên tục đề nghị các đơn vị liên quan sớm triển khai bàn giao mặt bằng đợt 1 để đẩy nhanh tiến độ dự án làm nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm triển khai bàn giao mặt bằng đợt 1 đối với phần diện tích 14,757 ha của khu đất 16,05 ha xây dựng nhà ga hành khách T3 theo chỉ đạo của Chính phủ tại nghị quyết số 93/NQ-CP.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP.HCM sớm phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Đồng thời, chỉ đạo UBND quận Tân Bình và các đơn vị có liên quan khẩn trương lập hồ sơ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TP.HCM ban hành thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.

Tổ chức công bố thông báo thu hồi đất, niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ, trao quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ đến chủ sử dụng đất bị thu hồi… theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu ACV bố trí kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất cho dự án nhà ga T3. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính vào tổng mức đầu tư của dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem