Hôm chủ nhật vừa rồi tôi có ghé qua nhà sách mua vài quyển sách toán nâng cao cho con gái, nhân thể mua cho con vài quyển truyện. Khổ nỗi bây giờ mua sách thì phải mua trọn bộ. Nghĩ vậy tôi mua cả bộ sách các nhà khoa học trên thế giới và những phát minh của họ cho con gái.
Của đáng tội, cũng chỉ xem qua qua, nhưng khi về nhà nghe con gái thắc mắc nhiều thứ, tôi mới mở ra xem, đọc kỹ những quyển truyện tranh thì ôi thôi, tôi vừa đọc vừa "cười chảy nước mắt".
|
Bìa cuốn sách viết về Isaac Newton, trong loạt sách về "Những nhân vật biến đổi thế giới" |
Nhân vật trong truyện là các thiên tài nổi tiếng trên thế giới và bố mẹ họ. Ngôn ngữ thì rặt mùi “truyện tranh”. Các nhà khoa học sống ở thế kỷ mười mấy, nhưng bị các nhà xuất bản của ta gắn vào miệng những câu như “Híc híc”; “Ha ha…”. Dựa trên những sự thật về tuổi thơ của các thiên tài, từ đó các nhà xuất bản của ta hư cấu thêm khá nhiều. Nhà khoa học Albert Anhxtanh, chủ nhân của thuyết tương đối. Bố mẹ của ông thì thắc mắc: “Sao con không đọc truyện Thánh Gióng của Việt Nam?”.
Hoặc Thomas Edison, chủ nhân của hàng nghìn phát minh vĩ đại thì không hiểu có khiếu ca hát hay không mà người viết sách đã viết: "Ông được bố mẹ mua cho một cây đàn, và ông hát bài hát: “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”.
Sách về Bill Gates, khi đang học phổ thông, nhóm bạn ông thành lập một câu lạc bộ lập trình viên, khi tham gia, ông muốn được làm trưởng nhóm, nhưng các thànnh viên khác không chịu, ông nói luôn: “Hổng chịu thì em ăn cà rem cho khỏe!”. Rồi cả những câu slogan quảng cáo sản phẩm cũng được đưa vào truyện tranh: “Trăm phần trăm… Chúng ta là những con bò… À quên, là những lập trình viên…”.
Khi thành lập công ty Microsoft, lúc đặt tên công ty, Bill Gates và Pall Alen tranh luận với nhau, cuối cùng cái tên Microsoft thắng, Bill Gate reo to: “Yeah! Tớ thắng rồi…”.
Còn sách viết về Isaac Newton, những câu slogan vô cùng phong phú kiểu như “Cướp trên giàn mướp”. Hay khi nói Newton đi vắt sữa bò, tác giả dùng ngay câu: “Bò cái, hèn gì dữ như…con gái”. Rồi các bạn của Newton nhận xét về ông: “Thằng này, ngày xưa học dốt như… củ cà rốt”! Các tác giả cũng gắn cho ông thứ ngôn ngữ trẻ con như: huỵch, ặc, bốp, chát, hahaha, kêkêkê…
Nói đúng ra thì trong mỗi trang truyện, nhà xuất bản cũng đóng khung ở một góc trang sách về tính cách có thực của các thiên tài, còn phần truyện thì từ chi tiết có thực trên, nhà xuất bản phát triển thêm.
Thế nhưng, nhắm đến đối tượng nhí, mục đích là làm thể nào truyền tải nhanh nhất sự hiểu biết đến các em, thì những phần hư cấu thêm kia cũng khó nhận được sự đồng lòng từ phía độc giả. Các em nhí thì đọc sao các em hiểu biết vậy. Tất cả những phần phát triển thêm của những người làm sách sẽ làm cho các em hiểu đó là sự thật. Như thế liệu có mang lại tác dụng ngược? Một vài ý kiến mong các nhà làm sách lưu ý.
Theo An ninh Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.