Nhà khoa học nữ chỉ mong Tết qua nhanh để đến... phòng thí nghiệm

Tùng Anh Thứ hai, ngày 12/02/2018 06:20 AM (GMT+7)
Đối với nhiều người phụ nữ, Tết là khoảng thời gian mong ngóng để được nghỉ ngơi, đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng có một nhà khoa học nữ... không thích Tết, luôn mong Tết qua nhanh để được đến phòng thí nghiệm.
Bình luận 0

Kiên cường trước bạo bệnh

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Huế, ngay từ những năm tháng tuổi trẻ, PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài -  Trưởng khoa Dược (Trường Đại học Y Dược Huế) đã luôn tâm niệm phải cố gắng, nỗ lực không ngừng để giúp đỡ bản thân, gia đình vượt qua khó khăn, cực khổ trong tương lai. Con đường nuôi dưỡng ước mơ cô ngày ấy chính là nghiên cứu khoa học.

Nhờ những nỗ lực không ngừng, chị Hoài đã nhận học hàm Phó giáo sư khi mới 35 tuổi, chủ nhiệm 1 đề tài NAFOSTED, 1 đề tài cấp Bộ Y tế, 4 Đề tài cấp Bộ GD ĐT…Trong số những nghiên cứu của PGS trẻ, nổi bật là nghiên cứu về tác dụng cây thuốc của đồng bào Pa Cô Vân Kiều ở Miền Trung trong việc chống oxy hoá, diệt tế bào ung thư.

img

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài tại lễ vinh danh các nhà khoa học nữ xuất sắc (ảnh: Tùng Anh)

Nhìn bảng thành tích dày đặc suốt 17 năm nghiên cứu của chị, không ai nghĩ rằng, chính bản thân chị đã trải qua những ngày tháng đau đớn vì căn bệnh ung thư quái ác.

Chị Hoài kể: “Sau khi sinh con đầu lòng, năm 2007 tôi phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp. Đau đớn, hoang mang, cả thế giới xung quanh đối với tôi như sụp đổ, có một thời gian rất dài lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ đến cái chết. Trải qua 3 lần phẫu thuật rồi trị xạ đau đớn, những khi nằm trên giường bệnh tôi suy nghĩ rất nhiều, nào thế nào để thời gian sống của mình trở lên ý nghĩa, phải tận dụng từng giây phút trôi qua để làm việc và đem lại giá trị nào đó cho cuộc đời”.

Sau thời gian điều trị, bệnh tình đỡ hơn, chị Hoài tình cờ biết thông tin có một thầy lang là người dân tộc Pa Cô Vân Kiều, dùng dược liệu chữa ung thư, chị Hoài mừng hơn bắt được vàng, tức tốc khăn gói một mình lên đường với suy nghĩ duy nhất: phải nghiên cứu thực hư về cây thuốc quý ấy xem giúp ích được gì cho những người mang bệnh ung thư như chị.

Phải mất rất nhiều ngày ăn ngủ tại bản và nhiều tuần trời nhờ bộ đội biên phòng và trưởng bản tiếp cận giúp đỡ, chị Hoài mới thuyết phục được người dân chia sẻ và dẫn đi tìm cây thuốc quý. Mang được cây thuốc về phòng thí nghiệm chị lại tìm cách chiết xuất thành dược liệu và đưa 70 mẫu tinh chất cuối cùng để gửi về Viện Công nghệ sinh học ngoài Hà Nội thử nghiệm.

 “Hồi hộp chờ đợi từng ngày cho tới khi mở email thông báo kết quả tác dụng dược liệu, mà nước mắt cứ rơi tràn không sao ngăn được. Kết quả cho thấy, tinh chất dược liệu có thể ức chế được 70 tế bào ung thư, đặc biệt không có độc tính, không gây ảnh hưởng đối với tế bào thường” – chị Hoài chia sẻ.

Hai cây dược liệu quý được chứng minh có tác dụng ức chế tế bào ung thư và chống oxy hóa rất tốt là bù dẻ tía và mán đỉa. Kết quả nghiên cứu của chị đã tạo tiền đề cho việc nghiên cứu các sản phẩm hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh liên quan đến oxy hóa.

Phụ nữ làm khoa học phải đánh đổi...

Chia sẻ về những khó khăn suốt 17 năm nghiên cứu khoa học và gặt hái những thành công PGS.TS Nguyễn Thị Hoài cho biết, phụ nữ làm nghiên cứu khoa học phải đánh đổi rất nhiều thứ quý giá, trong đó có... gia đình.

img

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài chỉ mong Tết qua nhanh để được... trở lại phòng thí nghiệm (ảnh: NVCC)

Nói về đam mê của mình, chị Hoài cho biết: “Những người phụ nữ khác họ thích làm đẹp, mua sắm, đi chơi... còn tôi chỉ thích nghiên cứu khoa học. Mỗi ý tưởng, mỗi lần nhận đề tài là một lần tôi cảm thấy rất phấn khích, đó cũng chính là động lực đốc thúc mình làm cật lực cho ra kết quả. Nhiều đêm say mê ngồi đọc tài liệu tới khi lạnh sống lưng mới biết là trời sáng rồi. Một tháng có 30 ngày, thì cả 30 ngày đều ở phòng thí nghiệm. Năm nào cũng làm việc tại cơ quan tới 29 Tết, mà tới mùng 3 Tết đã mong ngóng, chờ bảo vệ mở niêm phong để lại được vào phòng thí nghiệm, tiếp tục những phần việc dở dang”

May mắn, chị Hoài luôn được gia đình, chồng và các con ủng hộ. “Mọi thành viên trong gia đình tôi đã quen với quy luật đi sớm về muộn của tôi. Tôi đưa cả chồng con vào guồng quay công việc với mình. Có hôm, tôi đi làm về vào lúc 19 giờ thì con rất ngạc nhiên và hỏi sao mẹ về sớm thế. Hầu hết vào ngày thứ 7, Chủ Nhật tôi vẫn đi làm nên gia đình cũng quen với việc đó và rất thông cảm cho tôi” – chị Hoài cười.

Vị PGS trẻ tuổi luôn cho rằng, thời gian là thứ quý giá và không bao giờ quay lại được. Chính vì vậy, chị luôn nói với chồng con, chị phải hoàn thành rất nhiều ước mơ và khi nào thực hiện xong những mong ước của mình, chị sẽ dành thời gian cho gia đình.

Gửi lời khuyên đến những người phụ nữ “trót”...dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, PGS.TS Hoài cho rằng: “Nếu bạn là phụ nữ có đam mê khoa học xin hãy nắm thật chặt những cơ hội để xây dựng sự nghiệp cho đời mình bởi có rất nhiều người đang muốn dứt bạn ra khỏi những cơ hội ấy, trong số có rất nhiều người quan trọng như chồng và con bạn. Nếu đã làm koa học xin hãy toàn tâm toàn ý, xin hãy đặt đam mê vào nghiên cứu. Chỉ có vậy, bạn mới tạo dựng được một vòng tròn: Sự đam mê sẽ đem đến sự thành công và  sự thành công sẽ khơi dậy nhiều đam mê hơn nữa”

PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài -  Trưởng khoa Dược (Trường Đại học Y Dược Huế) - một trong 5 nhà khoa học nữ xuất sắc vừa được nhận giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới do L’Oreal – UNESCO trao tặng. Giải thưởng ghi nhận những tâm huyết của chị trong việc tìm ra những sản phẩm ứng dụng làm thuốc từ nguồn dược liệu Y học dân tộc cổ truyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem