Nhà nông đất Mũi trúng đậm vụ cua cuối năm

Chúc Ly – Ngọc Quyên Thứ ba, ngày 01/01/2019 08:00 AM (GMT+7)
Theo nhiều nông dân ở Cà Mau, cận Tết là thời điểm giá cua biển tăng cao. Nắm được nhu cầu của thị trường, nhiều người đã chọn thời điểm thả giống để thu hoạch vào đúng dịp cuối năm và hình thức nuôi này đã giúp nhiều hộ có thu nhập khá.
Bình luận 0

Trúng giá mùa cua tết

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2019, đây cũng là thời điểm nông dân Cà Mau bắt đầu tất bật vào vụ thu hoạch cua biển. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện giá cua biển đã tăng trở lại và dự báo sẽ có xu hướng tăng mạnh vào những ngày cận tết, khiến nông dân rất phấn khởi.

img

Hình thức nuôi cua kết hợp tôm trong vuông giúp nông dân tiết kiệm chi phí, lợi nhuận cao.  Chúc Ly

Nông dân Trần Việt Nhân (ngụ khóm 5, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) cho hay: “Con cua Năm Căn được nuôi trong vùng nước ở độ mặn ổn định, từ đó thịt cua và gạch cua ngon hơn so với cua của các địa phương khác trong tỉnh. Vì thế bà con ở đây xem cua là mặt hàng nuôi chủ lực, mô hình nuôi cua tôm kết hợp cũng đã được thực hiện mấy chục năm nay”.

Cụ thể, trong những ngày qua, giá cua biển Cà Mau tăng trung bình từ 60.000 - 100.000 đồng/kg (tùy loại). Trong đó cua gạch được thương lái thu mua với giá từ 300.000 - 340.000 đồng/kg, tùy địa phương; cua thịt có giá khoảng 220.000 đồng/kg.

Theo những người nuôi cua biển lâu năm ở Cà Mau, nhiều năm qua, thời điểm từ đầu tháng 12 cho đến Tết Nguyên đán giá cua luôn tăng mạnh.

Ông Nguyễn Văn Luận (ngụ xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước), cho biết: “Gia đình tôi nuôi cua biển trong vuông tôm từ nhiều năm nay. Hình thức nuôi kết hợp với tôm giúp nông dân tiết kiệm chi phí, do cua chỉ ăn thức ăn là cá tạp có sẵn trong vuông, hầu như không phải bổ sung thêm. Sau 4-5 tháng nuôi, người nuôi có thể thu hoạch dần. Giá cua hiện tại khá cao, nhưng sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến tết”.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Hoàng (xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi) phấn khởi nói: “Cứ đà tăng giá như hiện nay thì khi đến tết giá cua sẽ tăng cao như năm trước. Tết năm 2018, cua gạch có giá khoảng 700.000 đồng/kg, có lúc giá cua tăng kỉ lục tới 800.000 đồng/kg; cua thịt có giá trên 500.000 đồng/kg. Nông dân sẽ có cái tết sung túc khi giá cua tăng cao”.

Còn ông Nguyễn Văn Quận (45 tuổi; ngụ xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước) cho hay: “Mỗi năm tôi thả hai vụ cua, trước tết tôi đi bắt cua giống để thả nuôi vì lúc này cua giống rất rẻ. Khoảng vài tháng sau cua lớn, tôi bắt đầu thu hoạch dần. Đến cuối tháng 4 hoặc tháng 5 âm lịch tôi tiếp tục thả cua giống đợt hai, lúc này cua giống chỉ 200-300 đồng/con. Sau hai vụ nuôi, tôi thu về từ 80- 90 triệu đồng”.

Phát triển mô hình tôm - cua

Để kịp có cua bán trong dịp Tết Nguyên đán, thông thường nông dân Cà Mau bắt đầu thả giống từ khoảng tháng 5-6 âm lịch hàng năm. Trước khi thả giống, nhiều nông dân sẽ gièo cua lại khoảng nửa tháng để cua khỏe mạnh, sau đó mới thả ra vuông nuôi. Tính trung bình, 1.000 con cua giống (giá dao động từ 200-1.000 đồng/con), sau một vụ cua nông dân có thể thu về trung bình khoảng 10-20 triệu đồng.

Để thu hoạch cua, người nuôi mua rập cua (một dụng cụ bẫy cua) được bán ngoài thị trường với giá từ 22.000 – 30.000 đồng/cái. Khi mua về chỉ cần buộc thêm sợi dây và phao nhựa để dễ tìm khi đặt cua. Mồi đặt cua chủ yếu là cá phi, đây là những loài có rất nhiều trong các vuông tôm ở Cà Mau.

Về phía các thương lái, anh Nguyễn Văn Đen (xã Tạ An Khương, Đầm Dơi), cho biết: “Giá cua biển năm nay dự kiến sẽ tăng cao. Từ dịp Giáng sinh đến Tết Nguyên đán là thời điểm giá cua thường tăng đột biến nhất năm”.

Một số chủ vựa cua lớn ở huyện Năm Căn cho hay, những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ cua thương phẩm lớn của ta. Tuy nhiên, thời gian gần đây nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng tăng cao nên giá cua tăng liên tục.

Theo ông Trương Quốc Duẫn – Phó Trưởng phòng Phòng NNPTNT huyện Năm Căn, huyện có hơn 25.000ha nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh, trong đó đa phần nuôi kết hợp tôm - cua. Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên thích hợp cho loài cua biển phát triển và có chất lượng thịt ngon, trong các năm qua, nông dân mạnh dạn áp dụng hình thức nuôi cua biển xen canh tôm. Mô hình có chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh nên đem về lợi nhuận cao.

Còn theo kinh nghiệm của ông Nguyễn Văn Thoái - hộ nuôi cua tại xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, cua và tôm có thể sống cùng nhau. Nhiều người sợ cua bắt tôm ăn, nhưng nếu cùng thả chúng và để ngoài môi trường tự nhiên, con tôm nhanh hơn cua rất nhiều, cua không thể bắt được chúng. “Thả cua trước đây là làm chơi ăn thật, còn bây giờ làm thật để kiếm nhiều hơn” - ông Thoái cho hay.

Tuy nhiên, điều tối kỵ nhất trong việc nuôi xen cua trong vuông tôm là để con tôm bị bệnh. Khi tôm bệnh yếu đi hoặc chết, cua bắt được và ăn chúng, do sống cùng môi trường và có chung nhóm máu nên con cua cũng nhiễm bệnh và chết theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem