Nhà thầu xây dựng kêu trời vì cạnh tranh bằng phá giá, chưa ráo mồ hôi đã lỗ

Phương Thảo Chủ nhật, ngày 01/12/2024 10:53 AM (GMT+7)
Cạnh tranh bằng phá giá trong ngành xây dựng đang đẩy các nhà thầu vào cuộc chiến "sống còn", khiến nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ lâm cảnh lao đao.
Bình luận 0

Phá giá khiến doanh nghiệp "chưa ráo mồ hôi đã lỗ rồi"

Ngày 30/11, Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức tọa đàm "Cà phê nhà thầu xây dựng". Cuộc tọa đàm thu hút nhiều lãnh đạo đại diện doanh nghiệp nhà thầu xây dựng đến giao lưu. 

Không ít ý kiến tỏ ra bức xúc về việc nhà thầu xây dựng địa phương nỗ lực cạnh tranh "tìm chỗ đứng" trong thị trường đấu thầu xây dựng bất chấp phá giá để cạnh tranh. Nhiều lãnh đạo nhà thầu xây dựng thuộc VACC cho rằng, thực trạng này ngày càng phổ biến, đang triệt hạ dần động lực phát triển của ngành xây dựng Việt Nam…

Nhà thầu xây dựng kêu trời vì cạnh tranh bằng phá giá, chưa ráo mồ hôi đã lỗ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp nhà thầu lớn còn phải "cắn răng" giảm 1,4% để lỗ ít mà doanh nghiệp địa phương mạnh tay giảm tới 17 - 25% gói thầu thì sẽ thực hiện ra sao? Ảnh: Lê Quân

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), cho biết các gói thầu giá trị vài nghìn tỷ; gói thầu hạ tầng kỹ thuật lớn quốc gia thì nhà thầu lớn, chủ chốt mới được chỉ định để tham dự. Còn những gói thầu dưới 300 tỷ đồng thì sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với nhà thầu địa phương.

Ông Hiệp chia sẻ, nhà thầu địa phương mọc lên như nấm, số lượng lớn gấp nhiều lần dự án mới khiến các nhà thầu có khi phải "đánh nhau" để tranh dành.

Đại tá Nguyễn Minh Khiêm, Tổng Giám đốc Công ty 319, cho biết lĩnh vực bất động sản không có dự án mới nên doanh nghiệp xây dựng cũng đói việc, nhất là các nhà thầu chuyên về xây dựng dân dụng.

Không tham gia thầu thì không có việc mà tham gia 10 gói thì trượt cả 10. Nhiều khi tham gia vì trách nhiệm chứ không phải vì lợi nhuận.

Ông Khiêm chia sẻ

Từ chỗ đói việc nhưng vẫn phải nuôi bộ máy, công nợ… nên không ít nhà thầu lớn tham gia đấu thầu nhiều gói lớn nhỏ.

Lấy ví dụ 1 gói thầu ở Vũng Tàu, ông Khiêm cho biết, công ty do mình điều hành phải "cắn răng" giảm giá gói thầu xuống 1,4% vậy mà có những nhà thầu địa phương mạnh dạn cạnh tranh phá giá bằng cách giảm mạnh tới... 17 - 25%.

Ông Khiêm thắc mắc, giảm vài % nhỏ đã khiến nhà thầu phải loay hoay rồi. Vậy, nhà thầu địa phương làm gì để có lãi khi phá giá giảm sâu như vậy?

Việc nhà thầu địa phương giảm giá sâu như vậy khiến các nhà thầu lớn "lao đao" theo, ông Khiêm tâm sự rằng: Trên giấy tờ thì nhìn theo hướng "chưa ráo mồ hôi đã hết tiền" nhưng trên thực tế phải là "chưa ráo mồ hôi đã lỗ rồi".

"Một trong những nguyên nhân của tình trạng nhà thầu chính nhiều như nấm là thời gian gần đây liên tục có những doanh nghiệp mới thành lập, vốn không nhiều nhưng địa phương muốn dí vào để làm lấy năng lực. Làm thầu phụ vài lần rồi lên đấu chính với doanh nghiệp lớn, xong phá giá một cách vô lý", Tổng Giám đốc 319 bức xúc chia sẻ.

Nhà thầu xây dựng kêu trời vì cạnh tranh bằng phá giá, chưa ráo mồ hôi đã lỗ - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi giao lưu "Cà phê nhà thầu xây dựng" lần thứ 4. Ảnh: Phương Thảo

"Càng kêu cứu thì càng tự triệt đường sống của nhau"

Nhiều ý kiến bày tỏ, “càng làm càng lỗ" là tình trạng chung của các nhà thầu phá giá nhưng đây là cách cạnh tranh dễ nhất. Nhưng, phá giá tiềm ẩn tình trạng: Một là, công trình bị bớt xén chất lượng. Hai là, các công ty xây dựng tự “gặm xương mình” để tồn tại. 

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc nhà thầu xây dựng Xuân Trường cho rằng, về lợi nhuận định mức hay chi phí chung trong một gói thầu thì chỉ giảm được một phần nhỏ trong các chi phí đó. Nếu giảm quá sâu thì mức an toàn như chất lượng, khối lượng, quy trình, an toàn... sẽ không còn được bảo đảm. Phải có quy chế thì mới duy trì và phát triển được ngành nghề.

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng Giám đốc nhà thầu xây dựng Phương Thành, cho rằng chỉ giảm tối đa đến 5%, nếu không dễ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh rồi cùng kéo nhau xuống "biển" chết chìm.

Nhà thầu xây dựng kêu trời vì cạnh tranh bằng phá giá, chưa ráo mồ hôi đã lỗ - Ảnh 3.

Càng nhiều doanh nghiệp bỏ giá thầu thấp thì những khiến nghị lên các cơ quan chức năng càng khó được xem xét và tháo gỡ. Ảnh: Lê Quân

Đáp lại, ông Hiệp cho rằng, khi có nhiều doanh nghiệp bỏ giá thầu thấp thì những kiến nghị nêu trên sẽ khó được các đơn vị chức năng xem xét, tháo gỡ. Và như thế, trên thị trường xây dựng vẫn tồn tại hai giá: Giá Nhà nước - thể hiện qua hệ thống đơn giá định mức do Bộ Xây dựng ban hành và giá thị trường tự do - áp dụng cho các công trình vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Chúng ta luôn phản ánh định mức giá xây dựng đang quá thấp so với thực tế và kiến nghị Chính phủ cùng các Bộ, ngành để “cởi trói” về đơn giá định mức. Nhưng khi các cơ quan bên trên chưa kịp “cứu” thì các doanh nghiệp trong ngành lại tự “giết nhau” bằng việc phá giá.

Đại diện CTCP Fecon lên tiếng

Ông Hiệp lấy ví dụ, đơn giá nhân công trên định mức đang quá thấp so với thực tế. Theo đơn giá định mức nhân công, tiền lương của kỹ sư giám sát công trường là 6 triệu đồng/tháng nhưng thực tế, để thuê được một kỹ sư như thế, nhà thầu phải trả 25 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn rất nhiều đơn giá định mức khác như về giá nguyên vật liệu, giá đất, chi phí quản lý,...

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch CTCP Fecon cho rằng, đã làm ăn kinh doanh thì chấp nhận cạnh tranh nhưng không thể bằng mọi giá, bất lành mạnh. Nếu tình trạng này không được giải quyết thì các nhà thầu tự đưa nhau đến bế tắc.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem