Nhà thơ của nhân dân cần lao

Thứ tư, ngày 05/12/2012 06:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 4.12, Hội Nhà văn Việt Nam đã làm lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu (2002-2012). Bạn bè, người thân và người yêu thơ ông đã cùng nhau chia sẻ những hồi tưởng chân tình về một nhà thơ lớn.
Bình luận 0

Hòa quyện chất trữ tình và cách mạng

Tại buổi tưởng niệm, ý kiến của các nhà văn, nhà lý luận phê bình như: Nhà thơ Hữu Thỉnh, GS Phong Lê, PGS - TS Đoàn Trọng Huy, TS Nguyễn An; nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo… cùng thống nhất nhận định Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng giàu trữ tình và đậm chất tự sự.

img
Nhà thơ Tố Hữu (trái) trong một lần trò chuyện với các bạn văn, bạn thơ khi ông còn sống.

Trong niềm bồi hồi xúc động, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhớ lại: “Ngày này cách đây 10 năm, sau khi cháu Hoa- con gái đầu lòng của anh báo tin dữ, tôi đã đến Bệnh viện Quân y 108 một cách nhanh nhất có thể. Nhưng khi đến nơi người ta đã đưa anh xuống nhà lạnh. Trong đầm đìa nước mắt, chị Thanh và các cháu gom lại những đồ đạc của anh. Tất cả còn đây mà tất cả không còn. Tôi thấm thía một cảm nhận: Thơ đương đại của chúng ta đã mất đi một nhà thơ lớn”.

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, thơ Tố Hữu luôn là cuốn sổ thơ được dắt dưới gối của nhiều thế hệ, đã ảnh hưởng sâu rộng, vang dội trên mọi nẻo đường cách mạng. “Thơ ông là một sự thúc giục đi lên, đấu tranh đòi tự do và độc lập nước nhà” - nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét.

img
Bìa tập thơ Tố Hữu.

Tất cả các tham luận đều nhất trí cho rằng: Nét nổi bật trong phong cách thơ của Tố Hữu đó chính là trữ tình và cách mạng, là sự kết hợp cái riêng và cái chung. Sự nhất quán, trung trinh với lý tưởng cách mạng của nhà thơ.

Người sửa thơ kỹ nhất

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể: “Không chỉ thuộc một bản mà ngay cả những bản sửa của Tố Hữu tôi cũng thuộc và tôi nhận ra rằng nhà thơ Tố Hữu là người tự sửa thơ mình nhiều nhất, như bài “Bầm ơi”. Ở bản đầu tiên, câu mở đầu là “Bầm ơi, Bầm làm gì đấy/Bầm ra ruộng cấy hay bầm ngồi ngơi…”, sau này nhà thơ sửa lại là “Ai về thăm mẹ quê ta/Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm”.

“Ba tôi làm thơ không phải như một nghề, mà là một sự thôi thúc những tâm sự, tâm tư trong lòng mình được nói ra bằng thơ.

TS Nguyên An rất tâm đắc với câu thơ: “Lòng dân yêu Đảng như là yêu con” của nhà thơ Tố Hữu, ông cho biết: “Có nhà nghiên cứu chuyên môn thuần túy đã bảo đó là diễn ca, chưa phải là thơ, nhưng tôi biết có nhiều người đọc bình dân đã không lấy làm quan trọng sự phân biệt thể cách văn chương này. Họ nói:

“Tố Hữu đã viết đúng quá trình tin theo Đảng, ý nghĩ thật lòng của họ với Đảng, vì thế “ông là nhà thơ của chúng tôi”. Được nhân dân cần lao công nhận là người của họ, tôi cho rằng đó là hạnh phúc lớn lao, cũng là vị thế cao đẹp vậy”.

PGS-TS Đoàn Trọng Huy chia sẻ: “Tố Hữu là một người khá nghiêm ngặt và kỹ tính trong việc tuyển thơ, sửa thơ và sửa thơ như vậy thì cũng có nghĩa là làm cho thơ đẹp hơn, hay hơn. Bởi vì có những câu thơ mà nhà thơ viết khi mới 20 tuổi thì những câu thơ đó còn non dại, nên Tố Hữu cho rằng thơ cũng như người, càng lớn càng bớt dại nhưng chưa hết dại. Chính vì thế trong những bài thơ cuối đời, nhà thơ bộc lộ rõ niềm tâm sự cá nhân, trong đó nổi bật những suy tư, triết lý nhân sinh đời thường hơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem