Thưa nhà thơ Nguyễn Duy, ông buồn hay vui khi người ta gọi ông là "thi sĩ thảo dân"? Sống nơi đất khách quê người (TP.HCM), ông có thường về thăm cái "Làng Thanh Hoá"?
- Tại sao lại buồn khi cuộc đời tôi đã đích thị là thảo dân từ lúc còn ở trong bụng mẹ? Quê hương và nhân dân luôn luôn là nỗi trăn trở đau đáu trong thơ tôi. Nhớ cái làng nghèo của tôi ở Hà Trung (Thanh Hóa) lắm, nhưng vì đường xa dặm thẳm nên cố lắm mỗi năm cũng chỉ về được một hai bận...
|
Nhà thơ Nguyễn Duy đọc thơ tại cuộc tọa đàm hôm 11-10 |
Cuộc toạ đàm về "Thơ Nguyễn Duy" tổ chức hôm 11-10 vừa rồi ở Trung tâm Văn hoá Pháp (Hà Nội) được đánh giá là rất thành công. Ấn tượng nhất với ông ở chương trình ấy là gì?
- Ấy chà! (cười to). Việc này nó lại cũng liên quan đến làng xóm đấy. Mở đầu toạ đàm, theo gợi ý của người dẫn chương trình là nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, tôi đã đọc một bài thơ "khá mạnh" của mình, đó là bài "Về làng". Khi mới mở đầu được một đoạn như thế này: "Làng ta ở tận làng ta/Mấy năm một bận con xa về làng/Gốc cây hòn đá cũ càng/Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay/Cha ta cầm cuốc trên tay/Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa…” thì đột nhiên âm thanh loa bị nhiễu, rồ lên, rú lên đến ba lần.
Vậy thì tôi sẽ đọc một bài khác "mạnh hơn". Đó là bài "Tặng người ăn mày", đại loại có những câu thế này: "Bây giờ đồng trắng nước trôi/ Bàn tay xỉa mặt tôi gấp gáp?/ Hay là chính mẹ tôi từ dưới đất/ Dắt đất lên thử lòng tôi chăng...”.
Vậy còn điều bất ngờ nhất?
- Là có người tôn vinh tôi làm... sư phụ. Có một ông khoảng trên dưới bảy mươi chi đó nói rằng: "Thưa nhà thơ Nguyễn Duy, hôm nay tôi nhờ con cháu đưa tôi đến đây là chỉ để nói với ông rằng, xin cho tôi được nhận ông làm thầy, thầy của riêng tôi.
Là vì rằng từ 40 năm về trước, ở làng tôi, hễ cứ có đám hội nghị, liên hoan hay là đám cưới nào đấy, đều có một cô giáo làng ngâm bài thơ "Tre Việt Nam". Đó chính là bài thơ khai tâm khai sáng cho tôi những điều rất giản dị mà sâu sắc về đất nước, con người và lòng nhân ái của người Việt”.
Xin cho tò mò một chút, cảm xúc của ông thế nào khi lần đầu tiên "Tre Việt Nam" xuất hiện trên mặt báo?
- Mỗi lần nhớ đến "Tre Việt Nam", tôi lại cảm thấy vui đáo để. Chuyện là, mình tập làm thơ từ lúc đang còn mặc quần trần mông đi học (những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước). Toàn phịa, toàn tưởng tượng "tưởng bở" thôi. Mới 14 tuổi mà đã phịa ra những là "Người vợ của tôi", những là "Đứa con của tôi", tốn tiền tem gửi đi bao nhiêu báo mà chả có báo nào đăng cho.
Tại sao lại buồn khi cuộc đời tôi đã đích thị là thảo dân từ lúc còn ở trong bụng mẹ? Quê hương và nhân dân luôn luôn là nỗi trăn trở đau đáu trong thơ tôi.
Nhà thơ Nguyễn Duy
Cho đến lúc đi lính, một bữa nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Hoài Thanh bình ca dao, nghe rất mê, tôi liền chép mấy bài trong đó có "Tre Việt Nam", "Hơi ấm ổ rơm", "Bầu trời vuông" gửi ngay cho Hoài Thanh ở 58 Quán Sứ, Hà Nội. Cứ nghĩ rất "nhà quê nhà nông" rằng là ông ấy nói trên đài thì chắc ông ấy phải là người của nhà đài, chứ nào đã biết ông ấy là Chủ nhiệm báo Văn nghệ.
Nhưng ai ngờ người nhà đài lại chu đáo chuyển mấy bài thơ của tôi đến tận tay Hoài Thanh. Cụ Hoài in thơ cho tôi, rồi sau đó viết một bài bình và trao tặng mình giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972-1973. Đến cả trong mơ mình còn không tưởng tượng ra. Đến giờ, đó vẫn là một kỷ niệm vô cùng ấm áp trong đời làm thơ của tôi.
Minh Tâm (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.