Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều muốn khôi phục nghi lễ đọc thơ

Thanh Hà Thứ tư, ngày 25/09/2019 17:12 PM (GMT+7)
Chúng tôi thật lòng muốn kêu gọi tất cả những nhà thơ, nhà nghiên cứu, bạn đọc hãy mang thơ ca quay trở lại trong đời sống như một nghi lễ để giảm bớt những phiền muộn, đau nhức mà chúng ta đang phải chứng kiến hàng ngày...”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay.
Bình luận 0

Sáng 25/9 đã diễn ra buổi giao lưu và toạ đàm với tên gọi Xứ - thơ Trần Lê Khánh, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với khoa Viết văn - Báo chí và Sáng tác của Đại học Văn hoá tổ chức. 

img

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại buổi giao lưu. Ảnh: Thanh Hà

Buổi giao lưu có sự tham gia của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Trưởng ban tổ chức, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Lê Thiếu Nhơn, nhà nghiên cứu - phê bình Nguyễn Phượng… cùng nhiều người yêu thơ và hàng trăm sinh viên.

Tại buổi giao lưu và toạ đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Từ lâu chúng tôi đã suy nghĩ tìm cách trả lại những điều, những vẻ đẹp, sự thiêng liêng của thi ca giống như một nghi lễ quan trọng. Có thể nói, lịch sử của dân tộc Việt Nam gắn với lịch sử thi ca. Người Việt yêu thơ, chúng tôi muốn mời nhà thơ ở mọi miền đất nước để giới thiệu.

Chúng ta đang có Ngày thơ Việt Nam, nhưng những buổi giao lưu, toạ đàm trong đó các nhà thơ được đọc trực tiếp thơ của mình cho khán giả đang ngày một bị mai một, nên tôi muốn được phục hồi lại nghi lễ đọc thơ. 

img

Buổi giao lưu, toạ đàm về thơ Trần Lê Khánh là số đầu tiên nằm trong dự án của Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam và khoa Viết văn - Báo chí và Sáng tác của Đại học Văn hoá được tổ chức định kỳ 4 lần trong 1 năm. Chúng tôi sẽ tổ chức ở hai địa điểm là Đại học Văn hoá hoặc tại khu vườn Ngon Garden – 70 Nguyễn Du, Hà Nội. Trong tương lai, chương trình này sẽ dần xã hội hoá với sự tài trợ của các doanh nghiệp, những nhà yêu thơ.

Các buổi giao lưu, toạ đàm sẽ được chúng tôi chuẩn bị cẩn thận, đẹp, trang trọng để tôn vinh nhà thơ, tôn vinh tác phẩm cho dù những bài thơ đó ngắn hay dài, còn hay hay chưa hay, có thể người này cảm nhận được và người kia chưa cảm nhận được. Nhưng điều đó chưa phải là điều quan trọng nhất, mà quan trọng là nhà thơ và những người yêu thi ca đến đó, ngồi xuống và sống trong một tinh thần tốt đẹp, nhân ái nhất.

Đây sẽ không phải là điều gì đó lãng mạn, mà là những hành động ít nhất nhằm cứu rỗi tâm hồn của con người đang bị chủ nghĩa vật chất, bị những rối loạn trong đời sống xã hội, đạo đức xã hội kéo xuống trầm trọng. Tôi nghĩ mỗi một người, với một hình thức, một công việc hãy nỗ lực làm điều đó”.

img

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho hay ông nằm trong ban tổ chức nhưng không hình dung được hội trường bên trong, bên ngoài của buổi tọa đàm hôm nay được trang trí, chuẩn bị đẹp như vậy, khiến ông thực sự xúc động. "Tôi cảm thấy điều gì đó đang trở lại trong chúng ta trong cuộc mưu sinh điên rồ, đôi khi là rối loạn, thì những vẻ đẹp nghệ thuật, nhân tính, vẻ đẹp của tâm hồn đang từng bước quay trở lại. 

Đất lành chim đậu, chúng ta muốn như thế, mỗi tâm hồn chúng ta là một mảnh đất khô cằn. Những người như nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng xuất hiện – tôi cứ nghĩ anh không cần đọc thêm thơ của ai nữa, rồi chúng tôi có những nhà thơ tên tuổi, những người đã sáng tác đầy thành tựu không chỉ trong nước mà cả quốc tế biết đến, nhưng họ đến đây cùng các bạn sinh viên, cùng các thầy cô giảng dạy, nghiên cứu. Đó là chứng chỉ rằng những vẻ đẹp thực sự trong đời sống con người không hề mất đi, chúng ta cần nó quay trở lại, khi tội ác, sự tham lam, vô cảm... đang tưởng chừng lấn át thì những người như chúng ta hiện diện ở đây. 

Chúng tôi thật lòng muốn kêu gọi tất cả những nhà thơ, nhà nghiên cứu, bạn đọc hãy mang thơ ca quay trở lại trong đời sống như một nghi lễ để giảm bớt những phiền muộn, đau nhức mà chúng ta đang phải chứng kiến hàng ngày trên những trang mạng điện tử về nhân tính của con người”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay.

img

Tác giả Trần Lê Khánh

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Trần Lê Khánh có cách nhìn khác biệt với các nhà thơ già và các nhà thơ tôn trọng cách nhìn đó, cách nhìn của tương lai thì thuộc về tương lai. Mỗi thế hệ nhà thơ sẽ mang ngôn ngữ, tư cách, thái độ, nỗi dày vò, cơn mơ... của thế hệ đó, vì thế nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam đã quyết định chọn và giới thiệu Trần Lê Khánh.

Thơ Trần Lê Khánh, theo tôi là tối giản, cô đọng, thơ ngắn, nhưng nó như hạt cây đợi gieo xuống một mảnh đất là bạn đọc – tâm hồn tươi tốt thì cây sẽ mọc lên tươi tốt". 

Chia sẻ tại buổi giao lưu, tác giả Trần Lê Khánh cho biết, anh xuất thân từ kinh tế học nhưng trải qua biến cố lại có duyên với thơ ca. “Tôi muốn chia sẻ với quý vị, tôi mới làm thơ một thời gian gần đây. Khi mới xem về thơ thì tôi thấy đọc thơ người khác hay hơn hẳn. Trước tôi đọc thơ của những nhà thơ nổi tiếng nhưng không cảm hết được, khi trăn trở những câu thơ của mình thì đọc thơ của những tác giả Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Khuyến, Bùi Giáng... có những câu thơ mà giống như tôi lọc được viên kim cương, tôi cứ ngây người trước những vẻ đẹp của nó. Có nhiều người nghe thơ tôi hay nói khó hiểu, đánh đố... Hành trình của tôi là đi tìm tri kỷ chứ không phải tìm độc giả”, tác giả Trần Lê Khánh nói.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn thì nhận xét: “Thơ Trần Lê Khánh thực đấy mà hư đấy, gần gũi đấy mà thăm thẳm đấy. Đọc thơ Trần Lê Khánh, không khó hình dung anh đang ngắm chiếc lá la đà cành thấp với màu xanh của bầu trời cao vọi. Thế nhưng, đọc thơ Trần Lê Khánh phải có sự giải mã để có thể tiếp cận đầy đủ giá trị thẩm mỹ mà anh gửi gắm qua từng dòng lơ lửng. Tất nhiên, Trần Lê Khánh không có mục đích đánh đố độc giả, anh chỉ tìm cách ký thác mới mẻ hơn, quyết liệt hơn những ý niệm của mình về cuộc sống, về ân nghĩa, về thị phi…”.

img

Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971, hiện sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trần Lê Khánh sinh ra tại Kim Bôi, Hòa Bình, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, và có bằng CFA, bằng cấp về phân tích tài chính quốc tế do Viện CFA, Mỹ cấp năm 2004. Trước kia, nghề nghiệp chính của anh là chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế. 

Trần Lê Khánh vốn chỉ là người yêu văn chương, không tỏ ra có năng khiếu sáng tác. Kể từ năm 2015 trở đi thì Trần Lê Khánh tập trung vào việc làm thơ và tham gia các hoạt động văn chương nghệ thuật.

Trần Lê Khánh chú trọng vào thơ lục bát và thơ ngắn. Tập thơ "Lục bát múa" trọn bộ là 756 cặp thơ lục bát hai câu, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca. Về thơ ngắn, tới nay, Trần Lê Khánh đã làm hàng trăm bài khác nhau và đã được chọn lọc để xuất bản.

Các tập thơ đã xuất bản bao gồm "Lục Bát Múa" (2016), "Dòng Sông Không Vội" (2017), "Ngày Như Chiếc Lá" (2018), "Lục Bát Múa" trọn bộ (2018), "Giọt Nắng Tràn Ly" (2019) và dự kiến sẽ xuất bản trong năm 2020 tập thơ "Xứ". Ngoài ra, một tuyển tập thơ với tên gọi là “Sự Bắt Đầu của Nước” đã được dịch sang tiếng Anh và dự định in ấn và xuất bản tại Mỹ trong thời gian sắp tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem