Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Không thể bóp mắt, cào mặt khi đến cửa Phật"

Nhà thơ Trần Đăng Khoa Thứ tư, ngày 08/02/2017 14:38 PM (GMT+7)
Đến với Phật mà lại có những hành động man rợ như thế thì làm sao tới Phật được?!
Bình luận 0

"Tháng Giêng là tháng ăn chơi"  - nói ăn chơi là nói theo ngôn ngữ của các cụ ta trước đây, còn giờ là tháng của lễ hội, tôi chúc các bạn tham gia các lễ hội an toàn, vui vẻ. 

Nói đến lễ hội là nói đến vui, các cụ bảo vui như hội, vui như Tết, nhưng thực hội có vui không, thì xem qua clip về lễ hội đầu năm, toàn những cảnh tranh cướp, chen lấn lên chúng ta có thể thấy nó không còn là niềm vui tinh khiết, linh thiêng đã có từ ngàn đời của cha ông chúng ta. Rất đáng buồn là lễ hội của chúng ta đang bị biến thái tạo thành chốn ô hợp để lại nhiều nỗi buồn cho người xem và người tham gia, đặc biệt trong đó có những bạn bè quốc tế. Điều đáng sợ là bạn bè quốc tế sẽ không hiểu chúng ta, sẽ nhìn chúng ta bằng con mắt khác.

Trước đây báo chí truyền hình chưa phát triển như ngày nay chúng ta đỡ thấy nhức nhối hơn. Còn bây giờ thì hầu như mọi việc làm của chúng ta đều phơi ra trước mắt mọi người ở phạm vi toàn cầu. Những hành động cướp ấn, cướp lộc, cướp hoa tre... được phản ánh trên truyền thông, chúng ta kinh hoàng. 

img

Bức ảnh người phụ nữ bị cào mặt, móc miệng khi tranh lộc ở chùa Hương  (ảnh: zing)

Tôi thấy bức ảnh hội chùa Hương năm nay. Một phụ nữ cướp được lộc, để bảo vệ chị đã ngậm trong miệng, biến miệng mình thành cái "lô cốt" để giữ lộc. Và còn kinh hãi hơn khi có những kẻ bóp mắt chị để phải há miệng ra nhằm cướp lại dâu chuyền biểu tượng có hình đức Phật. Đến với Phật mà lại có những hành động man rợ như thế thì làm sao tới Phật được?! Tất cả những thứ đó tạo thành hình ảnh không đẹp và thành nỗi ám ảnh cho người xem. Đặc biệt là bạn bè quốc tế họ không hiểu chúng ta ra làm sao cả.

Trong ứng xử trước đây, nhiều khi chúng ta chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Chúng ta đã có rất nhiều những đình, chùa rất đẹp, thờ phụng những người có công với đất nước, làng xã. Trong thời Lý, thời Trần cũng có những vị vua đều là người có đạo, có vị vua từng đi tu, có khi triều đình họp ngay trong chùa... Thời đó, chúng ta đã từng 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ mà không có sự giúp đỡ của các nước khác. Triều đình chỉ dựa vào dân. Và rồi đã có những trang sử tuyệt vời. 

Rất tiếc sau này, với ý thức "bài trừ mê tín dị đoan" chúng ta đã phá đi rất nhiều đình chùa. Thậm chí cả những nơi thờ các vị có công với đất nước, làng xã cũng bị phá bỏ. Sau này, khi đổi mới chúng ta lại xây dựng lại rất nhiều đền, chùa. Nhiều đền chùa mọc lên, tôi ngờ chỉ để nhằm thu tiền công đức, cái đó cũng không ổn. 

Chúng ta nên xem xét lại, một nước có 8.000 lễ hội trong khi mỗi năm chỉ có 365 ngày. Chúng ta nên rà soát lại để tạo điều kiện cho những lễ hội văn hóa, tâm linh thực sự có thể phát triển. Còn những gì phi văn hóa thì cần phải xem xét lại. Cùng với đó, cũng cần có những chế tài đồng bộ trong đó có sự phối hợp can thiệp từ phía báo chí, truyền thông, các Bộ, ngành như: Bộ GDĐT, Bộ VHTTDL, Bộ Công an... và toàn xã hội để lễ hội thực sự trở thành những lễ hội theo đúng nghĩa của nó là việc làm của tất cả mọi người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem