Bạn đọc từ địa chỉ email buingoc.hlu@ có hỏi: Lễ hội đầu xuân là nét văn hóa đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, hiện nay tôi thấy đâu đâu cũng lễ hội, dàn trải ra hết cả tháng Giêng, tháng Hai. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc ổn định nhịp độ làm việc của mọi người. Theo bà Thu Hương, chúng ta có nên gộp các lễ hội này vào một khoảng thời gian nhất định, không nên để kéo quá dài?
Bà Ninh Thị Thu Hương: Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hoá tổng hợp mang tính cộng đồng cao, có giá trị hướng về nguồn cội, cân bằng đời sống tâm linh, sáng tạo và hưởng thụ văn hoá. Trong những năm gần đây, do nhu cầu của nhân dân, trên cơ sở đời sống kinh tế, đời sống văn hoá ở cơ sở được nâng cao, các lễ hội truyền thống được phục hồi, góp phần phát huy truyền thống văn hoá, giữ gìn bản sắc văn hoá của các dân tộc.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Lễ hội do cấp tỉnh quản lý: 332 (4,17%); lễ hội do cấp huyện, quận quản lý: 1930 (24%); lễ hội do cấp xã quản lý 5.517 (69%); lễ hội do thôn, làng, bản, ấp: 187 (2,3%).
Mỗi lễ hội có một nét đặc thù riêng biệt nên không thể gộp các lễ hội này vào một khoảng thời gian nhất định. Điều quan trọng là tổ chức lễ hội phải bảo đảm đúng quy định, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, gây bức xúc trong dư luận xã hội như: chen lấn, tranh cướp lộc, gây mất an ninh trật tự, trang phục không phù hợp, mê tín dị đoan, cờ bạc, ăn xin… Ban tổ chức lễ hội phải có giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; tổ chức tốt các dịch vụ phục vụ nhân dân tham dự lễ hội...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.