Nhà văn hóa thành... quán nhậu

Thứ ba, ngày 05/07/2011 09:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trên lý thuyết, nhà văn hóa là một công trình cực kỳ cần thiết cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn. Nhưng thực tế, phần nhiều nhà văn hóa đang bị bỏ hoang, hoặc bị sử dụng sai mục đích.
Bình luận 0

Tràn lan quán nhậu

Khối 9 (An Mỹ, Tam Kỳ), nơi được UB MTTQ VN tỉnh Quảng Nam chọn làm mô hình điểm để thực hiện Chương trình “Khu dân cư hài hòa - bảo vệ môi trường”. Thế nhưng, nhà sinh hoạt văn hóa nơi đây đang bị biến thành... quán nhậu. Mỗi ngày, cứ đến tầm 5 giờ chiều là các nhân viên của 1 quán nhậu (sát bên cạnh nhà văn hóa) lại bày bàn ra ở khuôn viên NVH cho thực khách hàn huyên, ăn nhậu, tán chuyện.

img
Mặt tiền nhà sinh hoạt văn hóa (An Mỹ, Tam Kỳ) bị biến thành quán nhậu.

Theo ông Phan Châu Mỹ - khối trưởng, nhà sinh hoạt văn hóa của khối phố được xây dựng vào năm 2004 từ số tiền đóng góp của nhân dân trong khối phố, dùng cho việc hội họp, sinh hoạt của chính quyền, mặt trận, đoàn thể của khối phố. Vì thấy việc hội họp sinh hoạt cũng thưa thớt nên từ năm 2008, địa phương hợp đồng với chủ quán nhậu Nguyễn Thị Hạnh (nhà ngay bên cạnh) cho thuê NVH để khỏi lãng phí và có thêm chút quỹ. Tháng 6.2011, hợp đồng thuê hết hạn và khối phố đã tiếp tục làm một hợp đồng khác với chủ quán mới.

Còn theo chủ quán Hạnh, vẫn biết kinh doanh ăn nhậu ở đây không mỹ quan lắm, nhưng theo bà: “Mặt tiền quá đẹp mà bỏ không thì cũng uổng phí. Thôi thì “bắt tay” giữa kinh doanh và văn hóa vừa có lợi cho quán nhậu, vừa có lợi cho địa phương”.

Tại Quảng Nam, theo khảo sát của chúng tôi, các NVH thôn bị biến thành quán nhậu rất nhiều. Hầu như huyện nào cũng có, từ Quế Sơn đến Nông Sơn, Đông Giang, Núi Thành... Nằm ở vị trí “đẹp” trên tuyến đường DT605, NVH của thôn 2, Quế Lâm, Quế Sơn, được xây dựng khang trang nhưng lại ít được sử dụng do việc hội họp trong thôn cũng thi thoảng. Vì thế anh Bá Toản sống gần bên NVH đã đề nghị với trưởng thôn xin cho thuê địa điểm này làm quán nhậu kèm cho thuê dàn nhạc, đồ cưới.

“Mỗi tháng, anh Toản trích cho quỹ thôn hơn 1 triệu đồng. Khoản thu này chúng tôi có thể trang trải cho các hoạt động của thôn. Tôi nghĩ tận dụng NVH cho thuê cũng không ảnh hưởng đến ai” - Trưởng thôn 2 Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Nhà văn hóa xã A Sờ (Đông Giang, Quảng Nam) cũng đang được tận dụng thành quán nhậu. 4 năm qua, nơi đây thỉnh thoảng mới có hội họp, rồi đôi khi đội cồng chiêng của xã đến tập luyện, còn lại thời gian chủ yếu là cửa đóng then cài. Chính vì vậy, từ đầu năm 2011, những người dưới đồng bằng lên đã “tận dụng” mở điểm kinh doanh ăn uống, làm quán nhậu…

Tiền tỷ bỏ hoang

Theo ghi nhận của PV NTNN, tình trạng NVH xây dựng xong rồi bỏ hoang, dân không đến hoặc được sử dụng sai mục đích không phải là hiện tượng cá biệt ở một địa phương nào mà có thể thấy ở các địa phương trên khắp cả nước, từ Bắc chí Nam. NVH bản Tân Quang, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên (Điện Biên) hoàn thành đã gần 2 năm nhưng vẫn bỏ hoang. Tường bao quanh bị những người thiếu ý thức vẽ, viết bậy, cửa không khoá, trần và nền nhà bị bong tróc từng mảng, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.

img
Một nhà văn hóa thôn ở Thanh Hoá bị bỏ hoang.

 

Ngoài việc Nhà nước đầu tư xây dựng, người dân cả nước đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng xây dựng NVH, ví dụ tại Tiền Giang, người dân đóng góp 35,5 tỷ đồng, Bắc Giang: 30 tỷ đồng, Vĩnh Phúc: 60 tỷ đồng, Thừa Thiên- Huế :11 tỷ đồng, Quảng Trị: 75 tỷ đồng, Nghệ An: 130 tỷ đồng, Thanh Hóa: 222 tỷ đồng.
(Nguồn: Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL)

Tại một NVH của khu chung cư mới tại TP. Thanh Hóa, mỗi hộ dân khi chuyển đến ở, đều phải tham gia đóng góp 100.000 đồng để mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa như: Loa đài, bàn ghế, ấm chén, băng rôn, khẩu hiệu…

Chỉ tính riêng số tiền dân đóng góp mua sắm trang thiết bị cũng đã vài chục triệu đồng. Thế nhưng, các hoạt động thường xuyên ở đây mỗi năm chỉ được đôi, ba lần họp dân, còn lại thì… đóng cửa.

Khi đặt vấn đề này hỏi ông trưởng phố, thì được giải thích rằng; ở phố này chưa có cán bộ phụ trách hoạt động văn hóa, thế nên NVH thi thoảng mới mở cửa để họp dân.

Ở khu vực ĐBSCL, số lượng các NVH được đầu tư tiền tỷ để xây dựng rồi bỏ hoang hoàn toàn có thể dễ dàng “chỉ tên điểm mặt”.

Đó là NVH xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang) bị xuống cấp, bỏ hoang từ nhiều năm nay, hoạt động nhộn nhịp nhất thường xuyên diễn ra là khoảng sân rộng trước mặt tiền được các hộ dân gần đó dùng làm nơi... phơi lúa.

Có nhiều chuyện còn vô lý hơn như NVH huyện Châu Thành (Kiên Giang), xây lên cũng rất tốn kém nhưng vì chưa có trang thiết bị đồng bộ, lại nằm ở địa điểm xa khu dân cư nên các hoạt động hội diễn văn nghệ thể thao của huyện phải đi thuê địa điểm khác trong thị trấn.

--------------

Kỳ 2: Ngoài hoang vắng, trong trống trơn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem