Nhà văn Hữu Ước: “Khi cầm cọ lên vẽ ấy là khi tôi đang bất lực trước ngôn từ”

Hà Tùng Long Thứ bảy, ngày 13/08/2022 16:00 PM (GMT+7)
Triển lãm “Nhà văn Hữu Ước và Sắc màu” của nhà văn Hữu Ước vừa khai mạc chiều 12/8 tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Triển lãm giới thiệu 100 bức tranh như hé lộ thêm những góc riêng của nhà văn sinh năm 1953 trong nghệ thuật hội họa.
Bình luận 0

Nhiều người biết ông vẽ tranh đã lâu nhưng không ai nghĩ sẽ có ngày Hữu Ước tổ chức một triển lãm quy mô như thế. Vì sao ông lại chọn giới thiệu 100 bức tranh vào dịp kỷ niệm tròn 70 tuổi?

- Năm nay tôi bước qua tuổi 70, đồng thời đánh dấu 50 năm cầm bút. Bài báo đầu tiên đăng trên báo Quân đội Nhân dân nói về buổi lễ kết nạp Đảng trên chiến trường là năm 1972. Trong quãng thời gian cầm bút, tôi không chỉ viết báo mà viết văn và làm thơ. Tính đến nay, tôi đã cho xuất bản tiểu thuyết "Kiếp người", các tập thơ "Suối cọp"; "Nốt trầm", "… Và giọt thời gian", "Thơ chơi", "Một mình"; các vở kịch "Vòng xoáy", "Khoảnh khắc mong manh", "Vòng đời", "Quả báo", "Vòng vây cô đơn", "Người đàn bà uống rượu", "Sếp rởm" và một đêm thơ nhạc.

Nhà văn Hữu Ước: “10 năm qua, sau khi vợ qua đời… tôi làm bạn nhiều với hội họa” - Ảnh 1.

Nhà văn Hữu Ước bên tác phẩm điêu khắc "Tượng người lính" do ông tạo tác. Ảnh: Tùng Long.

Tôi bắt đầu sự nghiệp cầm cọ và cầm bay cách đây hơn 20 năm nhưng 10 năm gần đây là vẽ nhiều nhất. 10 năm qua, sau khi vợ tôi mất, tôi sống một mình, làm bạn nhiều với hội họa. Có lẽ quãng thời gian này là quãng thời gian nhiều tâm trạng nhất. Tôi thường nói với bạn bè, tôi viết và vẽ một cách đầy ngẫu hứng, không chủ định trước. Những khi tôi cầm cọ, cầm bay lên vẽ là khi ấy tôi đang "bất lực trước ngôn từ" và đang rất nhiều tâm trạng. Chỉ có họa mới giúp tôi giải tỏa được những cảm xúc đang dồn nén.

Trong 20 năm qua, tôi vẽ được khoảng 400 bức tranh, trong đó có 250 là vẽ 10 năm trở lại đây. Cả đời tôi đắm đuối với văn học nghệ thuật. Dù ở tầm tuổi này nhưng ngày nào tôi cũng lao động nghệ thuật. Tôi viết và vẽ vì say mê chứ không vì điều gì cả.

img
img

Những dòng sông hiện lên trong tranh Hữu Ước đầy sinh động và tươi mới. Ảnh: Tùng Long

Triển lãm "Nhà văn Hữu Ước và Sắc màu" lần này tôi giới thiệu đến bạn bè, đồng nghiệp và người yêu hội họa 100 bức tranh. Lúc đầu tôi định chỉ giới thiệu 70 bức ứng với tuổi 70 nhưng vì không gian ở đây vừa khít 100 bức nên tôi treo 100 bức cho đẹp. 100 bức tranh không phân theo chủ đề mà trưng bày ngẫu hứng.

Tranh của ông có phải là những gì thuộc về phần ẩn sâu nhất trong con người ông mà văn, thơ, kịch không thể diễn tả hết được?

- Tôi vẽ nhiều đề tài và chủ đề khác nhau nhưng nếu phân loại thì có thể gom thành 3 nhóm: Thế sự, Hoa, Phong cảnh. Là một người lính trở về từ chiến trận nên ký ức và hoài niệm về quá khứ luôn "sống" trong tâm tưởng của tôi. Tôi rất thích vẽ về Trường Sơn. Tôi có 4 tác phẩm về Trường Sơn là "Chiều Trường Sơn", "Vận chuyển hàng vào Nam", "Đường Trường sơn thời chiến" và "Lính trinh sát". 

Nhà văn Hữu Uớc kể về quá trình điêu khắc tác phẩm "Tượng người lính". Clip: Tùng Long.

Bức "Chiều Trường Sơn" là bức vẽ tôi dành nhiều tâm huyết và thời gian nhất. Tôi phải mất hơn 1 tháng để hoàn thành tác phẩm này. Ngoài ra, tôi cũng có một tác phẩm điêu khắc "Tượng người lính" – tác phẩm tôi tưởng nhớ những đồng đội của tôi. Đây là tác phẩm mà mỗi đường nét, mỗi hình khối đều mang tính biểu tượng của văn hóa Việt.

Nhà văn Hữu Ước: “10 năm qua, sau khi vợ qua đời… tôi làm bạn nhiều với hội họa” - Ảnh 3.

Tác phẩm về Trường Sơn mà nhà văn Hữu Ước đã sáng tạo bằng tất cả tâm huyết của một người lính. Ảnh: Tùng Long.

Tôi cũng là người rất yêu thiên nhiên, phong cảnh… nên tôi vẽ nhiều về thiên nhiên và các loài hoa. Tôi vẽ sông Đà, sông Luộc… và nhiều dòng sông quê. Việt Nam là đất nước của những dòng sông và dòng sông (với tôi) luôn đầy ắp những sắc màu thơ mộng. Tôi vẽ các bản làng của người Thái ở Điện Biên, người Mông ở Lào Cai ... 

Những miền quê bình dị, thanh bình và tươi đẹp. Tôi mệnh Thủy – Trường Lưu Thủy, ứng với màu đen và màu trắng nhưng lại thích vẽ bằng những gam màu tươi sáng, nóng bỏng. Có lẽ vì thế nên khi tôi nói mình vẽ tranh trong lúc đang tâm trạng nhất thì không mấy ai tin.

Hình như tranh ông không chỉ có phong cảnh, thế sự và hoa mà còn có cả những người phụ nữ. Những người phụ nữ không rõ mặt nhưng luôn ẩn chứa điều gì đó đặc biệt?

- Tôi ít vẽ chân dung. Có hai bức tôi vẽ chính tôi và nhà tôi là rõ mặt, còn lại tôi đều vẽ bằng những nét chấm phá. Tôi không muốn vẽ rõ hình hài ai cả vì tôi yêu nhiều người lắm (cười). Những người phụ nữ tôi yêu đều có những điều rất đặc biệt và tôi không bao giờ muốn ai biết về họ. Tôi cũng không muốn khi người khác nhìn vào tranh của tôi lại phải mất công tranh cãi "đây là cô này, kia là cô kia". Tôi muốn mọi người đứng trước bức tranh chỉ cảm nhận vẽ đẹp của nó, chỉ cần biết đó là tranh vẽ về một người phụ nữ nào đó mà tôi có cảm tình đặc biệt là được.

Nhà văn Hữu Ước: “10 năm qua, sau khi vợ qua đời… tôi làm bạn nhiều với hội họa” - Ảnh 5.

Bạn bè, đồng nghiệp bên bức tranh vẽ người vợ yêu quý của nhà văn Hữu Ước trong triển lãm. Ảnh: Tùng Long.

Ông muốn giấu mặt những người phụ nữ đặc biệt của mình vì không muốn ai biết hay vì chưa có ai khiến ông đủ yêu để họa rõ mặt mình?

Thực ra, tôi rất nhiều mối tình và tôi không muốn để lộ cho ai biết cả. Yêu cần gì phải nói ra hoặc vẽ ra, yêu là yêu thôi. Vì trong số những người phụ nữ yêu tôi hoặc tôi yêu, có những người từng có gia đình hoặc là người nổi tiếng mà nói ra ai cũng biết.

Nếu đặt lên bàn cân để so sánh giữa thơ, văn, nhạc, kịch và họa, mảng nào ông tâm đắc nhất trong sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật của mình?

Có một sự thật thế này, ai đọc tiểu thuyết của tôi cũng bảo tiểu thuyết hay, ai đọc thơ cũng bảo thơ hay, ai nghe nhạc cũng bảo nhạc của tôi hay, ai xem kịch cũng bảo tôi viết kịch rất tốt và ai xem tranh cũng khen tranh tôi đẹp… Vậy thì cần gì phải đặt lên bàn cân làm gì.

Nhà văn Hữu Ước: “10 năm qua, sau khi vợ qua đời… tôi làm bạn nhiều với hội họa” - Ảnh 6.

Bức vẽ người phụ nữ khỏa thân không rõ mặt trong triển lãm. Ảnh: Tùng Long.

 Đã bắt tay vào lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật thì mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần, ở đó không chỉ có chất xám mà có cả tâm huyết, sức lực, thời gian và tiền bạc nữa. Có người bảo tôi "Giờ gọi anh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhạc sỹ, đạo diễn hay họa sỹ là chuẩn nhất?", tôi bảo gọi tôi là người lao động. Vì đúng – tôi là người lao động nghệ thuật. Những ngày đầu tôi học vẽ cũng gian nan và khó nhọc lắm. Vẽ bức nào chưa ưng ý là tôi lại xóa bỏ hoặc cất vào tủ chứ không bao giờ trưng ra.

Cảm ơn nhà văn Hữu Ước đã chia sẻ thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem