Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Là người đã từng ăn tết xa quê hương, đất nước nhiều năm, những dịp tết đến xuân về ở cố hương, cảm xúc của ông ra sao?
- Nếu tính cả những năm tháng trong 12 năm quân ngũ thì tôi đã rất nhiều năm ăn tết xa nhà, xa Hà Nội thương yêu. Có những cái tết rất đặc biệt, ví dụ như năm 1975, trung đoàn tôi tổ chức ăn tết trước để chuẩn bị đánh vào Buôn Ma Thuột. Cả đại đội, gọi là ăn tết, mà chỉ có một hộp thịt hộp một cân, phải cho vào nồi quân dụng 50 lít, nấu tan ra lờ mờ váng mỡ với rau môn thục phơi khô xơ dai như dây chão. Nhìn anh em binh sĩ ăn mà muốn rơi nước mắt. Nhưng những khi ấy vẫn là lúc được chợt nhớ tới cha mẹ, anh em ở hậu phương. Nhớ phố xá, Bờ Hồ, nhớ Hà Nội rưng rưng. Tết là thương nhớ lắm.
Ngày tết là dịp để cháu con sum vầy với ông bà, cha mẹ, cùng giữ nét đẹp truyền thống...
Ảnh: T.L
Nhưng những cái tết xa nhà ở Đức, giữa xứ người ta thì ấn tượng nữa. Tết dân tộc, tan chợ xong vội vã đi mua sắm. Trên đường băng giá cố phi xe lên chợ Việt Nam xa lắc kiếm đủ thứ cho mâm cơm cúng ông bà ông vải, cha mẹ. Các gia đình Việt đều làm một mâm cúng, có cả ngũ quả, hương hoa như bàn thờ ở quê nhà. Đến khi giao thừa, vọng về phương Nam khấn vái.
Có năm, tôi còn ủ ấm cành đào Đức. Ngày ngày tưới nước ấm cho có hoa hé ra đỏ thắm, và cùng vợ tự thưởng tết với phong vị của nó, cho con cái biết cái tết ở quê hương nó như thế nào. Và, chính những mùa tết âm lịch về khi tha hương, người ta thường nhớ tới gia đình, cha mẹ tổ tiên đất nước nhiều nhất. Trong tết, ngồi nhớ ra bao kỉ niệm về tết ở Tổ quốc mà khi ra nước ngoài không có được. Bởi người ta có thể dùng tiền mua được vật chất tết, song không thể mua được cái không khí, cái phong vị tết quê hương. Chính những cái tết như thế mới cảm giác rõ hơn văn hóa, trong đó có phong tục tết âm lịch, giúp người ta vẫn gắn bó thêm với quê hương, đất nước như thế nào.
Vậy theo ông, những phong tục tập quán tốt đẹp trong cái tết âm lịch quan trọng thế nào trong đời sống người Việt, đặc biệt là trong cuộc sống hiện đại và từng bước chuyển sang thời công nghiệp hôm nay?
-Mỗi một dân tộc đều đón chờ năm mới một cách khác nhau, có tết khác nhau, tùy ở những quan niệm triết lý. Cái tết của người Việt gắn với âm lịch, với nền sản xuất nông nghiệp lâu đời. Tết trở thành truyền thống, không chỉ là dịp nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một đợt sản xuất mới, năm mới mà rất quan trọng là có dịp sum họp gia đình, làng xóm, cộng đồng, dịp để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, họ mạc. Cái tết âm lịch của người Việt không chỉ gắn liền với lễ mừng năm mới hay dịp vong về tiên tổ mà nó mang theo một ý nghĩa tâm linh rất quan trọng trong một nhãn quan có tính triết lý phương Đông. Đấy là đêm 30 hay sớm mùng 1. Người châu Âu không có đức tin ấy và những quan niệm có tính triết lý phương Đông ấy. Chỉ những người châu Á mới quan niệm, thấy giờ khắc đêm 30 là rất thiêng liêng.
Cha tôi nói rằng, đêm giao thừa là lúc trời và đất gặp nhau, giao hòa với nhau. Quan niệm triết học Á Đông cũng coi thời khắc ấy là sự gặp gỡ có tính vũ trụ ở trên Tây Tạng thường dậy vào thời khắc ấy ngồi thiền nhận năng lượng vô biên của vũ trụ. Có cả âm dương, nên chính thời khắc ấy, có thắp hương lên mà nguyện cầu thì rất linh thiêng. Và thực sự ở Việt Nam, người ta coi đêm giao thừa là Thời Gian Tết quan trọng lắm. Kế đó mới tới mùng 1.
Xung quanh cái tết ta có nhiều phong tục hay, ví như việc đưa ông Công ông Táo về trời là khi kết thúc một năm, ta tự ngồi là tổng kết cái xui, hên trong gia đình của năm cũ. Ai có ý thức, phải tự răn mình vào những ngày ấy, mới là thực chất của lễ ấy. Hay những ngày năm mới như sớm mùng 1, đi chúc tết nhau, chọn người tốt, người tâm tính lành xông nhà, lại không được mắng chửi con cái, xóm giềng, không giận dữ, không nói tục, cũng đều là mong điều lành, điều tốt tạo ra tâm thức thiện tính.
Tôi cho rằng, những phong tục tập quán như thế quan trọng trong nếp văn hóa thuần Việt, bởi khi có đức tin sẽ làm cho tính thiện ăn rễ sâu bền từ gia đình sang mỗi con người. Ở những thời khắc ấy nếu hiểu biết, nhận thức và chấp nhận nó mà tin vào sự thiêng liêng, sẽ nhắc nhớ người ta biết ơn tổ tiên cha mẹ, giúp ta sống thật hơn, tốt hơn, thiện hơn.
Tết âm lịch quan trọng, giàu ý nghĩa như thế, nhưng nhiều người trẻ lại muốn bỏ nó để đón nhận chỉ tết dương lịch. Ông nghĩ sao?
- Ngày nay giới trẻ có một số người thực sự tôi cho rằng họ chưa thấu hiểu sâu sắc về cái tết Việt. Có thể trong họ chỉ thuần nghĩ tới thời gian nghỉ ngơi tết âm lịch cũng như cái tết dương lịch. Chưa thấu hiểu hết cái căn cội về ý nghĩa Trọng của Thời Gian Tết âm lịch trong quan niệm tâm linh và triết lý phương Đông. Khi chấp nhận và hiểu biết được ý nghĩa triết lý, cả ý nghĩa tâm linh tín ngưỡng như tôi kể trên, thì cái tết âm lịch không chỉ còn là thời gian nghỉ ngơi đón chờ năm mới nữa. Nó không chỉ gắn bó với lịch thời tiết sản xuất lúa nước mà nó còn mang trong đó cả một đức tin. Khoa học ngày nay chưa lý giải hết mọi điều về đức tin đâu, song nếu như xác tín rằng, đêm 30, giao thừa là thiêng liêng, sớm mùng 1 là quan trọng, thì trước hết ở trong sâu thẳm mỗi con người cũng thỏa mãn được những điều muốn dâng hiến, muốn nói chuyện với cha mẹ hay những linh hồn người đã khuất. Điều ấy là sự tử tế và tốt đẹp của phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Và, khi đã hiểu được sâu sắc như thế, có đức tin chứ không mê tín dị đoan, con người ta sẽ tự giáo huấn mình tử tế hơn, tốt đẹp hơn.
Ngày nay giới trẻ cũng nhân dịp tết để đi du lịch, đi chơi chứ không về nhà, sum họp gia đình... thì theo ông có vô lễ với tổ tiên không?
- Trước hết là tết còn ý nghĩa xum họp. Như mới đây nhà thơ Trần Đăng Khoa viết, người già cần vấn an, thăm hỏi nên khi tết đến, xuân về cũng là dịp con cái nên đến với cha mẹ, ông bà khi họ còn sống. Nếu ứng xử với những người đang sống không ra gì thì tiên tổ không chứng cho bất cứ điều gì trên hương khói và mâm cao cỗ đầy. Do vậy ăn tết âm lịch nên về với cha mẹ, nhất là khi các cụ đã về chiều.
Nhưng xã hội ngày nay nhịp độ lao động rất căng thẳng. Giới trẻ cần nghỉ ngơi, xả stress thì việc đi du lịch cũng không phải là bất hiếu. Tùy từng gia cảnh mà ứng xử, song nhất thiết trước khi đi phải nói sao cho cha mẹ hiểu và thông cảm. Con gái tôi có dăm cái tết không ở Hà Nội mà đi Hội An. Cháu mời cả mẹ đi. Nó vẫn làm cơm cúng thay vì ở đúng thời khắc thiêng liêng. Tôi cho rằng lòng thành của cháu cũng làm tổ tiên ông bà tha thứ. Cho nên tôi thông cảm với cháu khi trước và sau tết cha con đều gặp nhau. Như thế thì thuận cả đôi đường. Còn nếu như sự đi du lịch phớt lờ cha mẹ, không một lời bầy tỏ thì tức là quan hệ có vấn đề, điều đó không đúng về đạo lý, bởi tôi quan niệm việc gì con cái làm cha mẹ buồn là không nên. Song tôi tin tưởng rằng giới trẻ không tồi tệ như thế. Cha mẹ nên ủng hộ con cái đỡ đi phần nào đời sống nhọc nhằn căng thẳng cả một năm ròng rã.
Xin cảm ơn nhà văn!
“Tôi cho rằng, những phong tục tập quán như thế quan trọng trong nếp văn hóa thuần Việt, bởi khi có đức tin sẽ làm cho tính thiện ăn rễ sâu bền từ gia đình sang mỗi con người. Ở những thời khắc ấy nếu hiểu biết, nhận thức và chấp nhận nó mà tin vào sự thiêng liêng, sẽ nhắc nhớ người ta biết ơn tổ tiên cha mẹ, giúp ta sống thật hơn, tốt hơn, thiện hơn”.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.