Nhà văn Y Ban: "Tôi là người tử tế trong văn học”

Thứ năm, ngày 20/06/2013 06:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gặp Y Ban, thấy tính cách của chị vẫn rất mạnh mẽ, dám nói, dám làm, không né tránh, đúng là “đàn bà thứ thiệt”...
Bình luận 0

 Từ khi nào chị quyết định chọn con đường văn chương?

- Tôi trót ham mê viết văn từ khi dạy học tại Trường Y Nam Định. Mỗi người vào nghề văn theo con đường khác nhau chứ làm gì có trường lớp nào đào tạo ra những nhà văn. Khi mới tập tọe viết văn, tôi gửi truyện ngắn cho Tạp chí “Nhân văn” ở Nam Định, khi đó nhà văn Chu Văn còn sống, ông bảo, chết chết, viết cứ như vỗ vào mặt người ta thế này à, kinh quá. Nhưng bản chất tôi là một nông dân, văn hóa phong tục thôn quê đã tạo nên một Y Ban như thế. Văn là người mà.

img
 

Như thế có nghĩa là nghề chọn chị. Chị khởi nghiệp nghề văn có vẻ khá suôn sẻ nhỉ?

- Cũng truân chuyên lắm. Bỏ nghề y truyền thống của gia đình, lên Hà Nội vừa học, vừa lấy chồng sinh con, vừa viết báo, vừa tìm kế sinh nhai. Cái nghề nuôi sống gia đình tôi bao năm là bán gà tần thuốc Bắc. Trước khi viết văn, tôi đã có một cái nghề rất tử tế, đàng hoàng, giảng viên của trường Y, “nhất y nhì dược”, đâu phải chuyện nhỏ. Hiện nay tôi đã có 16 đầu sách, trong đó có 3 tiểu thuyết, 3 truyện vừa, hơn 200 truyện ngắn. Tôi viết cực nhanh, đã viết là viết một mạch. Văn của tôi có người khen có người chê, nhưng họ phải thừa nhận mỗi tác phẩm của tôi đều có cái để bàn.

Nhiều ý kiến cho rằng, nền văn học của chúng ta đang khủng hoảng khuynh hướng và có sự phân hóa dữ dội trong giới sáng tác. Cá nhân chị thì nghĩ sao về điều này?

- Tôi không biết bạn đặt câu hỏi dưới một góc nhìn nào. Nếu thực sự chúng ta đang có sự khủng hoảng và sự phân hóa đó thì đó là một dấu hiệu rất tốt. Nhưng tôi lại không nhìn thấy rõ nét vấn đề đó. Các nhà văn chúng ta sau khi có một hai tác phẩm thành công thì một tay xoa râu cười khà khà, một tay với xoa đầu người trẻ hơn, dạy dỗ hoặc sổ toẹt.

Một số nhà văn khác thì đặt ra mục tiêu lớn nhất trong đời là phải vào được Hội Nhà văn, vào được rồi thì phải có giải thưởng, cho dù tác phẩm không hề ra được với công chúng. Chính vì thế mà có những nhà văn nghe thì rất nổi tiếng, trong báo cáo thành tích nào cũng có tên nhưng hỏi độc giả nhớ tên tác phẩm nào của anh ta thì họ lắc đầu. In 500 cuốn, cùng lắm 1.000 cuốn rồi chui tọt vào các thư viện hoặc giả là để làm từ thiện. Tôi xin cảnh báo rằng, những tủ sách đang được một số nhà văn, nhà thơ kêu gọi từ sự từ thiện là tuyền sách không hay, ít giá trị.

Sự phân hóa, với tôi hiện nay, là sự dám nói không. Nếu chúng ta vẫn cứ trông chờ vào miếng bánh xin cho (như việc xin đầu tư tác phẩm đỉnh cao chẳng hạn) chúng ta sẽ không bao giờ có những tác phẩm hay. Tôi có một hình dung khá thú vị thế này. Miếng bánh xin cho là miếng bánh đa vừng, khi bẻ miếng bánh đa đó chia nhau thì có vụn bánh và hạt vừng rơi xuống. Thời các cụ ngày xưa khi ăn bánh đa vừng thì gọi một đàn gà con đến, để chúng lích chích mổ ăn những hạt vừng..

Một nhà văn hãy sống đến tận cùng với tư cách là một con người thì anh sẽ viết được. Trái tim bạn đập như thế nào thì mắt bạn sẽ nhìn ra như thế. Trái tim của Y Ban có thể đập nhanh hơn một chút cho nên nhìn sự việc hơi quá một chút. Đôi khi điều này cũng mang lại một sự thú vị trong văn chương”.

Có ý kiến cho rằng, văn học Việt Nam hiện nay tính gì cũng có nhưng lại thiếu... tính tử tế. Chị có thấy đó là một ý kiến cực đoan không?

- Trước hết mình phải định nghĩa lại thế nào là sự tử tế. Theo tôi cái tử tế nhất bây giờ là hãy làm tốt công việc của mình. Đó chính là sự tử tế mà mỗi cá nhân đã mang lại cho cộng đồng. Tôi là người tử tế trong văn học.

Vì sao? Vì tôi làm việc hết mình, sáng tạo không ngừng nghỉ và viết một cách trung thực. Tác phẩm của tôi không bị rơi vào yên lặng mà được bạn đọc đón nhận. Tôi không làm ra sản phẩm yếu kém. Có rất nhiều người tử tế cực kỳ nhưng họ chẳng mang lại được điều tốt đẹp cho xã hội. Họ hiền lành, thiện tâm nhưng chỉ vo tròn mình trong cái đấy thôi. Vì họ sợ làm mất lòng, không phân biệt phải trái.

Cách đây vài năm, tôi nhớ có lần trả lời phỏng vấn trên một tờ báo, chị có nói rằng đang tuyệt vọng trong sự chờ đợi một cú đập thẳng vào mặt - cú đập mang tính học thuật. Sự chờ đợi đó đến đâu rồi?

- Giải thưởng Nobel người ta còn lời ra tiếng vào. Rồi giải thưởng Goncourt của Pháp cũng thế. Nhưng đó đều là những phản biện mang tính học thuật. Có thể bạn đọc không thích tác phẩm này nhưng họ vẫn chấp nhận nó ở một tầm cao hơn.

Những nhà lý luận phê bình văn học có trách nhiệm với ý kiến của mình. Họ va đập nhau kinh khủng trên học thuật. Còn chúng ta thì sao? Chỉ có Hội Nhà văn phản biện lại là chúng tôi đã làm đúng, không hề có lợi ích nhóm. Cách trả lời như vậy thì có học thuật không? Tôi đã nói thẳng với Hội đồng chấm giải là tôi không tâm phục, khẩu phục nhưng không ai dám đứng lên để phản biện lại tác phẩm của Y Ban nội dung tầm thường ra sao, nghệ thuật kém như thế nào…

Nhưng tôi cũng xin báo tin vui với bạn, một cách không chính thống, đó là trên các mạng xuất hiện một điều rất hay là có những nhà văn đã bắt đầu động chạm đến vấn đề này. Họ đưa từng tác phẩm được giải thưởng ra xem xét dưới góc nhìn học thuật để xem cái gì được, cái gì chưa được. Có thể nói, về mặt nào đấy cái sự chờ đợi của tôi nó cũng không uổng.

- Xin cảm ơn chị!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem