Tôi dân Hà Nội chính gốc. Bố mẹ đều là công chức đã nghỉ hưu. Cách đây vài
năm, qua bạn bè giới thiệu tôi đã làm quen với Linh – là vợ tôi bây giờ. Dù là
cô gái xuất thân từ vùng quê nghèo Phú Thọ, nhưng Linh là cô gái khá ưa nhìn,
tính cách hiền hoà, dịu dàng. Rồi khi tình yêu chín muồi, tôi đã dẫn Linh về ra
mắt bố mẹ.
Kết hôn chưa đầy ba tháng, tôi dần thấy hối hận vì nhà vợ cứ liên tục gọi điện "viện trợ" tiền.
Tất cả từ bố mẹ, ông nội và cô em gái của tôi đều hài lòng về Linh. Tuy
nhiên khi biết Linh là cô gái xuất thân từ nông thôn, gia đình cơ bản đều làm
nông thì những ánh mắt ái ngại bắt đầu xuất hiện.
“Linh là cô gái tốt mọi mặt, nhưng hoàn cảnh gia đình phải xem lại con ạ. Linh
là con gái đầu. Là chị cả của bầy em đến 6 người. Chưa gì mà nó đã kể năm mấy vụ
lúa dù làm quần quật cả ngày mà chẳng đủ ăn đấy thôi” – mẹ tôi suốt ngày rót
vào tai tôi những lời kêu ca như vậy hòng để tôi suy nghĩ lại khi chưa quá muộn.
Thuyết phục mãi chẳng xong, bố tôi cuối cùng cũng nản và tuyên bố: “Vậy kệ
mày. Mày yêu mày cứ lấy. Sau sướng khổ gì mày chịu”.
Rồi đám cưới của tôi và Linh cũng được tổ chức. Dù không hài lòng, có phần
bất mãn nhưng bố mẹ tôi vẫn đứng ra lo chu toàn từ A-Z cho tiệc cưới được đàng
hoàng, tươm tất. Tiệc cưới diễn ra ở một trong những khách sạn có tiếng ở Thủ
đô, rồi dàn xe đưa rước dâu khá hoành tráng… Tất nhiên, tất cả mọi khoản cho
đám cưới, nhà trai đều bỏ ra. Thậm chí tôi còn dấm dúi bố mẹ đưa thêm tiền cho
Linh để cô ấy lo trang trải vài thứ cho bên nhà gái.
Cuộc sống sau khi kết hôn nói chung tạm ổn. Linh là cô gái khéo léo, biết
cách thu xếp việc nhà, chợ búa cơm nước
nên gần như cô ấy không để mếch lòng bố mẹ chồng bao giờ. Nhưng rồi lần lượt
chuyện này hết chuyện khác xảy ra khiến tôi dần mất kiên nhẫn, chán nản.
Đầu tiên là việc em trai Linh chuẩn bị thi đại học. Đích thân bố mẹ cô ấy gọi
cho tôi, ra chỉ thị “nhờ” tôi lo giúp mọi khoản cho cậu ấy. Rồi còn dặn dò, nếu
cậu em vợ đỗ được đại học, vợ chồng tôi với điều kiện kinh tế khá giả hơn hãy
lo cho cậu ấy từ chỗ ở, đến chi phí sinh hoạt trong suốt 4 năm sinh viên.
Chưa hết, gần 10 ngày nay bố mẹ vợ liên tục gọi điện bảo muốn sửa lại ngôi
nhà đang ở. Mang tiếng là sửa nhưng nghe qua cũng hiểu hai cụ gần như muốn xây
mới lại căn nhà với lý do các em của Linh lớn của rồi, chỗ ở cần thoáng hơn.
Nhưng điều khiến tôi thắc mắc là tiền các cụ không có lấy một cắc, sao có thể mở
miệng bảo vợ chồng tôi cho mượn. Người ta có thể thiếu ít nhiều nên mới mượn, đằng
này theo như tôi hiểu là bố mẹ vợ muốn tôi cho mượn 100% tiền sửa nhà.
Nhìn lại ông nội tôi, cụ tuy đã già nhưng tôi chưa một lần nào chứng kiến cụ
đòi hỏi bố mẹ tôi phải chu cấp, phải lo cho cụ cái này hay mua cho cụ cái kia. Thậm
chí cụ còn giúp đỡ bố mẹ, giúp đỡ tôi rất nhiều. Như chiếc xe ô tô mà tôi đang
sử dụng, có đến nửa số tiền là ông cho tôi.
Tất nhiên còn thêm nhiều chuyện vặt vãnh khác liên quan đến nhà bố mẹ vợ và
các em vợ tôi nữa và chuyện nào cũng liên quan đến vấn đề tiền bạc. Nói tóm lại,
gia đình vợ tôi luôn luôn cần sự giúp đỡ về tiền bạc. Chẳng phải tôi ki bo, tôi
chặt chẽ hay quá khó khăn nhưng làm sao mà không thể nghĩ, thôi không đau đầu,
chán nhà vợ mình khi từ lúc cưới đến giờ, cứ có cuộc gọi đến nào của nhà vợ
cũng đều một lý do: Xin tiền.
Trước khi cưới, bạn bè tôi đã bảo: Đừng xem thường đồng tiền, đừng đề cao
hay lý tưởng hoá tình yêu. Chỉ cần giữa vợ chồng gặp khúc mắc về chuyện tiền
nong cũng là mồi lửa có thể thiêu đốt cuộc sống hôn nhân bất cứ lúc nào. Ngẫm lại
giờ tôi lại thấy đúng. Và tôi thừa nhận tôi đang hối tiếc vì đã phớt lờ những lời
khuyên can của gia đình và dần thấy hối hận với cuộc hôn nhân này.
Văn Nam (Hà Nội) ( Văn Nam (Hà Nội))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.