Nhà vườn lắng sâu hồn xứ Huế

An Sơn Thứ sáu, ngày 27/01/2023 08:00 AM (GMT+7)
Nói về vẻ đẹp mang đặc trưng riêng của xứ Huế không thể không nhắc tới nhà vườn. Nhà vườn là di sản kiến trúc, văn hóa của Huế, là nơi bảo tồn thuần phong mỹ tục và cũng đậm đà dấu ấn về một lối sống của người xứ Huế.
Bình luận 0

Nét riêng có của xứ Huế

Tôi tìm đến ngôi nhà vườn truyền thống xứ Huế có tuổi đời gần 200 năm ở số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, TP.Huế, vào một ngày đầu đông. Chủ nhân ngôi nhà vườn này là GS Thái Kim Lan - người con xứ Huế từng 50 năm sinh sống và giảng dạy triết học tại Đức. Ngôi nhà vườn nằm ven sông Hương thơ mộng này nhiều năm nay là địa chỉ thu hút du khách, nhà nghiên cứu và người dân đến tham quan, tìm hiểu đời sống văn hóa Huế.

Khu vườn đậm hương sắc cỏ cây, líu lo tiếng chim hót bao quanh ngôi nhà rường cổ kính khiến người đặt chân đến đây cảm thấy thư thái khi được hòa mình vào thiên nhiên. Nhà rường được xây dựng gồm 3 gian 2 chái lợp ngói liệt theo kiến trúc đặc trưng của nhà rường xứ Huế. Khu nhà vườn được GS Thái Kim Lan chia thành nhiều khu vực, gồm khu thờ tự, khu ở, khu tiếp khách, khu triển lãm, sân vườn.

xuan/Nhà vườn lắng sâu hồn xứ Huế - Ảnh 1.

Vườn (trái) và không gian bên trong căn nhà rường của một nhà vườn Huế. Ảnh: An Sơn

xuan/Nhà vườn lắng sâu hồn xứ Huế - Ảnh 2.

Tại khu từ đường, bên cạnh những tượng Phật là nhiều mộc bản in kinh Phật có từ thời nhà Nguyễn. Khu triển lãm được biết đến với tên gọi "Bảo tàng gốm cổ sông Hương" là nơi trưng bày hơn 2.500 hiện vật gốm cổ được trục vớt từ lòng sông Hương.

GS Thái Kim Lan cho biết, ngôi nhà vườn này do tổ tiên của bà để lại và bà đầu tư phục hồi, tôn tạo để không chỉ giữ gìn di sản tổ tiên mà con để trở thành điểm đến khám phá văn hóa Huế. Bà kể, từ nhỏ, nếp sống gia tộc, nếp sống Huế đã ăn sâu vào trong tiềm thức bà. Tại ngôi nhà vườn này, bà được gia đình dạy dỗ nghiêm khắc về công - dung - ngôn - hạnh nên thấm nhuần nếp sống giản dị và gia giáo. Vì vậy, sau thời gian dài sống và làm việc ở Đức, khi trở về bà bắt tay vào bảo tồn lại không gian văn hóa của gia tộc. Tại khu nhà vườn của mình, ngoài các cuộc triển lãm, GS Thái Kim Lan thường xuyên tổ chức các hoạt động tái hiện lại những tập tục xưa của người Huế để du khách và người dân tìm hiểu, trải nghiệm.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, hệ thống nhà vườn Huế được hình thành và phát triển từ thời nhà Nguyễn. Khi xây dựng Kinh thành Huế, các nhà kiến trúc xưa đã dùng núi Ngự Bình làm bình phong để che chắn cho kinh thành. Trước mặt kinh thành là sông Hương với hai cồn nổi gồm Cồn Hến và Cồn Dã Viên cân xứng được xem như "tả thanh long, hữu bạch hổ".

Ở thời kỳ này, các hoàng tử, hoàng thân, công chúa, quý thích và các đại quan thường được cấp đất lập dinh cơ riêng theo kiến trúc nhà vườn. Các nhà vườn này được xây dựng theo mô hình như không gian kiến trúc Kinh thành Huế thu nhỏ. Tùy theo chức tước, địa vị của chủ nhân mà diện tích, quy mô mỗi nhà vườn cũng khác nhau. Hình mẫu nhà vườn này dần dần được các thương gia, những người giàu có đầu tư xây dựng theo, khiến hệ thống nhà vườn Huế ngày càng phát triển, tạo nên một nét văn hóa, kiến trúc riêng có của Huế.

Môi trường thích hợp bảo tồn thuần phong mỹ tục

xuan/Nhà vườn lắng sâu hồn xứ Huế - Ảnh 3.

Nhà vườn là di sản kiến trúc, văn hóa của Huế, là nơi bảo tồn thuần phong mỹ tục của người Huế. Ảnh: An Sơn

Hiện Thừa Thiên - Huế còn có khoảng 1.000 nhà vườn, trong đó tập trung nhiều nhất ở TP.Huế. Các phường Kim Long, Vĩ Dạ, Gia Hội, Thủy Biều ở TP.Huế là nơi tập trung nhiều nhà vườn nhất. Các khu nhà vườn này rộng từ vài trăm đến vài ngàn m2, vườn thường được bao quanh bằng các hàng chè tàu được cắt tỉa tươm tất. Trong khu nhà vườn có nhà rường làm bằng gỗ quý được chạm khắc tinh xảo. Nhà rường có nhiều loại, gồm 1 gian 2 chái, 3 gian 2 chái, 5 gian 2 chái, bên trong có sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối, đồ cổ… Trong vườn gồm có sân vườn, bể cạn, hòn non bộ, bình phong, giếng nước…

Từ năm 2015, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành đề án chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng. Tùy theo quy mô, vị trí, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử, hiện trạng… mà mỗi nhà vườn được hỗ trợ từ 400 - 700 triệu đồng để trùng tu, hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao giá trị hình ảnh cố đô Huế.

Trong những năm qua, đã có hàng chục nhà vườn Huế được hỗ trợ trùng tu, bảo tồn. Chính sách hỗ trợ này đã phần nào ngăn chặn được phần nào tình trạng "chảy máu" nhà vườn Huế, giúp nhiều nhà vườn có giá trị được hồi sinh trước nguy cơ xóa sổ. Mặt khác, việc được đưa vào khai thác du lịch cũng đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn nhà vườn Huế khi chủ các nhà vườn có nguồn thu đáng kể. Nhiều nhà vườn Huế đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Nhiều chủ nhà vườn phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng thành một chuỗi liên kết đã làm cho số lượng khách du lịch đến tham quan nhà vườn tăng lên theo từng năm.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An, nhà vườn Huế là môi trường thích hợp nhất để bảo tồn thuần phong mỹ tục của người Huế, trong đó có đạo lý truyền thống gia đình. Vì vậy, trong quá trình xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo định hướng đô thị di sản, việc đầu tư cho bảo tồn nhà vườn Huế cần được quan tâm hơn nữa. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem