Anh Nguyễn Đức Hòa (SN 1994, phụ xe buýt tuyến số 86, Xí nghiệp xe buýt Yên Viên, Tổng công ty Vận tải Hà Nội) đã có 4 năm trong nghề. Trong 4 năm ấy, anh Hòa cho biết, có rất nhiều khó khăn vất vả anh đã phải trải qua.
“Đó là những vất vả mà không phải khách nào cũng biết và thông cảm. Họ lên xe, say rượu, nôn ói và phụ xe phải dọn rửa là chuyện cơm bữa” - anh Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên, theo lời anh Hòa, đối với những vị khách gặp phải vấn đề sức khỏe hay nghén mà nôn ói, anh không bao giờ lên tiếng trách móc. Anh cũng coi việc phục vụ khách là nhiệm vụ và bổn phận của mình.
Chỉ có điều, anh Hòa nói: “Đôi khi, có những vị khách không biết vô tình hay hữu ý lại cố tình gây khó dễ cho phụ xe, không chịu tuân thủ theo sự sắp xếp và góp ý của nhà xe. Họ một mực đòi làm theo ý mình khiến các khách khác phản ứng”.
Anh Hòa nhớ về kỷ niệm không vui của mình với khách: “Trên xe buýt nói chung và tuyến buýt chất lượng cao 86 (chạy từ ga Hà Nội đến sân bay Nội bài và ngược lại) nói riêng đều có quy định không hút thuốc trên xe.
Tuy nhiên hôm đó, sau khi xuất bến Nội bài về Hà Nội, một hành khách trung tuổi người Việt liên tục cầm điếu thuốc điện tử lên hút. Tôi nhắc nhở và đề nghị anh không hút thuốc trên xe. Lần nhắc đầu tiên, anh ta không nói không rằng, cũng không cất điếu thuốc đi. Lần thứ hai tôi nhắc thì anh ấy to tiếng quát lại. Anh ta cho rằng, mình đã bỏ 30 nghìn ra mua vé thì muốn làm gì cũng được. Hơn nữa, theo lời nói của anh ta, trên máy bay anh ta còn có thể hút thuốc thì không cớ gì trên xe buýt lại không?!”.
“Trước thái độ hung hăng và bảo thủ của vị khách Việt, một người đàn ông nước ngoài ngồi cạnh đã lên tiếng bênh vực phụ xe và nhắc người khách kia nên tôn trọng quy định của nhà xe và tôn trọng các hành khách khác, không được hút thuốc trên xe” - anh Hòa nói tiếp.
Theo anh Hòa, người đàn ông ngoại quốc nói bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, cử chỉ và thái độ rất cứng rắn khiến vị khách Việt chột dạ. Song song với đó, khi thấy vị khách ngoại quốc lên tiếng, nhiều khách Việt trên xe cũng thêm lời. Vì thế, cuối cùng, vị khách nọ cũng phải cất điếu thuốc và tuân thủ quy định của nhà xe.
Anh Nguyễn Đức Hòa (SN 1994, phụ xe buýt tuyến số 86, Xí nghiệp xe buýt Yên Viên, Tổng công ty Vận tải Hà Nội) đang bán vé cho khách.
Trong quá trình làm phụ xe buýt, anh Hòa nói, anh còn gặp rất nhiều chuyện trái ngang từ những vị khách khác. Trong đó, chuyện một số hành khách thể hiện thái quá tình cảm trên xe buýt cũng là điều khiến các phụ xe đau đầu.
Anh Hòa kể, lần đó, trên xe buýt, anh gặp một đôi nam nữ. Cả hai chỉ chừng 14, 15 tuổi mặc áo đồng phục trung học. Lên xe, cải hai chọn hàng ghế gần cuối xe để ngồi cạnh nhau. Vừa ngồi, cô gái đã ngả đầu vào vai bạn trai. Người bạn trai cũng vòng tay ôm cô gái. Sau đó, cả hai ôm hôn nhau như chốn không người.
Là phụ xe buýt, anh Hòa quan sát được tất cả những hành động đó. Tuy nhiên, vì ngại chuyện riêng tư nên khi xe còn thưa khách, anh cố gắng làm ngơ, không nhắc nhở. Đến khi hành khách lên kín xe, cặp đôi vẫn không dừng thể hiện tình cảm. Không những thế, cả hai còn bắt đầu có những hành động sờ mó thiếu tế nhị khiến nhiều hành khách khó chịu. Lúc này, anh Hòa mới lại gần, vỗ vai người bạn trai rồi lắc đầu ra hiệu thì cặp đôi mới dừng lại.
Theo anh Hòa, trong quá trình làm phụ xe, đặc biệt là xe 86, anh gặp rất nhiều khách nước ngoài. Nhiều khách cũng có thói quen ôm hôn trên xe. Tuy nhiên, theo anh, việc ôm hôn đó chỉ đơn giản là chào hỏi hoặc tạm biệt khi có người xuống xe trước nên không hề khiến người khác thấy mất thiện cảm.
Những trường hợp thiếu tế nhị như cặp đôi học sinh phía trên, anh thường phải đến tận nơi nhắc nhở nhưng để khách không cảm thấy bị mất mặt thì anh phải chọn cách nhắc khéo léo.
Đồng cảm với những khó khăn vất vả mà anh Hòa đã kể, anh Đỗ Viết Nam (SN 1977, tài xế xe buýt số 86, Xí nghiệp xe buýt Yên Viên, Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cho biết, trong quá trình làm việc, lái xe và phụ xe còn phải đối mặt với những hiểm nguy từ những kẻ trộm cắp lừa đảo.
Theo anh Nam, tại các điểm chờ xe buýt, nhóm trộm cắp luôn trà trộn để móc túi. Các lái xe, phụ xe thường quan sát kỹ nên biết mặt rất nhiều kẻ móc túi. Tuy vậy, muốn nhắc nhở khách tránh khỏi bàn tay trộm cắp, họ phải thật khéo léo.
Anh Nam kể, có lần một đồng nghiệp của anh đã bị phục đánh chỉ vì giúp khách thoát khỏi bọn trộm cắp.
“Lần đó, vừa đến điểm đón khách thì vị tài xế nhìn thấy tên trộm đang móc túi cô sinh viên. Anh ta liền lớn tiếng nhắc chung: “Đề nghị mọi người kiểm tra kỹ đồ đạc tránh gặp kẻ gian móc túi”. Thế là, cô nữ sinh giật mình giữ chặt ba lô. Kẻ gian không còn cơ hội trộm cắp”- anh Nam cho biết.
“Không ngờ, hôm sau, kẻ trộm nhớ mặt lái xe nên chặn đánh anh khiến anh ta vô cùng hoảng sợ”- anh Nam nói tiếp.
Vẫn lời anh Nam, sau vụ đó, các tài xế phải rút kinh nghiệm. Muốn nhắc nhở khách họ phải nhắc một cách khéo léo và “kín đáo”. Theo anh, nếu không, họ sẽ gặp phải rắc rối từ những kẻ hung bạo kia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.