Không được chăn nuôi tại đô thị, bãi giữa sông Hồng, Hà Nội có bao nhiêu trang trại phải di dời?
Không được chăn nuôi tại các quận, phường, bãi giữa sông Hồng, Hà Nội có bao nhiêu trang trại phải di dời?
Thiên Ngân
Thứ bảy, ngày 04/03/2023 05:29 AM (GMT+7)
Cấm chăn nuôi nhỏ lẻ trong đô thị không chỉ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ bệnh tật mà còn tạo động lực phát triển chăn nuôi quy mô lớn, bền vững hơn.
Các khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Hà Nội
Năm 2020, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 02 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn TP.
Theo đó, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Hà Nội (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường) gồm: Các phường của các quận thuộc TP; 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây (Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền, Lê Lợi);
Các thị trấn của 5 huyện là thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì); các khu chung cư, tập thể cũ, khu đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Như vậy, khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc hai phường Chương Dương và Phúc Tân cũng sẽ bị cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Theo số liệu thống kê, hiện vẫn còn hàng nghìn nông hộ, trang trại đang sản xuất tại các khu vực cấm chăn nuôi nói trên. Khảo sát năm 2020 cho thấy, toàn thành phố có 3.354 nông hộ, trang trại chăn nuôi với khoảng 2.606 lao động cần phải dừng hoạt động hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.
Được biết, các khu chăn nuôi tập trung sẽ nằm ở các địa phương như: Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ…
Nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Triển khai nghị quyết 02, chúng tôi cũng xác định một số khó khăn nhất định. Thứ nhất, các hộ dân bao nhiêu năm nay sinh sống bằng nghề chăn nuôi, bây giờ chuyển đổi nghề không hề đơn giản.
Phần lớn các hộ chăn nuôi ở các khu vực cấm là người lớn tuổi, khoảng 50 – 60 tuổi, thậm chí 70 tuổi sức khỏe tốt vẫn chăn nuôi được. Do độ tuổi cao nên họ sẽ tiếp cận chậm với những ngành nghề khác. Những hộ này có thói quen chăn nuôi truyền thống, tận dụng nhiều năm nay. Nhưng khi đô thị hóa, họ phải chuyển đổi nghề khác. Thay đổi tập quán có lẽ cũng không đơn giản, một sớm một chiều.
Thứ hai, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu tận dụng rất chính đáng. Thứ ba, nếu chuyển đổi sang chăn nuôi quy mô lớn thì cũng không đơn giản bởi liên quan đến đất đai, tài chính, cơ sở vật chất…
Theo đó, Hà Nội đã đưa ra lộ trình thực hiện việc cấm chăn nuôi gia súc, gia cầm trong 3 năm (từ 1/8/2020 đến hết năm 2023). Đồng thời, TP cũng đã đưa ra các chính sách như hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ vay vốn, những nơi được quy hoạch làm khu chăn nuôi sẽ có chính sách hỗ trợ về giống, môi trường, về chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
Cụ thể, hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, gồm: Hỗ trợ chi phí học nghề, mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên…
Thành phố cũng đã giao cho các sở, ngành tìm việc làm, đào tạo nghề, phát huy các làng nghề truyền thống. Đặc biệt các vùng bãi như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên… sẽ chuyển đổi nghề trồng hoa, cây cảnh có thu nhập cao và phù hợp với các đối tượng người lớn tuổi.
Tính đến năm 2022, Hà Nội có 7.528 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, vừa, nhỏ, bao gồm 110 trang trại lớn, 1.609 trang trại vừa, 5.809 trang trại nhỏ. Tổng đàn gia súc, gia cầm của Hà Nội cao tốp đầu cả nước.
Bên cạnh đó, năm 2022, Bộ NNPTNT cũng đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Trong đó, cơ sở chăn nuôi đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi được hỗ trợ di dời đến địa điểm phù hợp hoặc ngừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề.
Mỗi cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ nêu trên được hỗ trợ một lần đối với một trong các nội dung hỗ trợ sau: Hỗ trợ bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho những đối tượng di dời.
Hỗ trợ không quá 50% kinh phí tái thiết cơ sở chăn nuôi theo quy mô chăn nuôi buộc phải di dời; mức hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/cơ sở.
Hỗ trợ không quá 50% kinh phí di chuyển vật nuôi đến địa điểm phù hợp; mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/cơ sở.
Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác; mức hỗ trợ tối đa 03 tháng lương cơ bản/người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.