Nhạc sĩ Nguyễn Cường trăn trở về “giấc mơ… gãy cánh”

Thứ ba, ngày 24/05/2011 11:10 AM (GMT+7)
Dân Việt – “Tôi tự nhận mình là một giấc mơ gãy cánh, có thể thành nhưng không đạt, có tên tuổi, nổi tiếng một tí nhưng không đạt được ước mơ của chính mình” nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ.
Bình luận 0

Có người nói anh chuyên viết theo đơn đặt hàng. Anh nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ đặt hàng là bộc lộ tính chuyên nghiệp của nhạc sĩ, nhạc sĩ thích ứng với một sự kiện, một sự việc bên ngoài mình và đáp ứng được điều đó, đấy là tính chuyên nghiệp.

Nhiều nhạc sĩ cứ tự vỗ ngực nói rằng tôi không bao giờ viết theo kiểu đặt hàng, tôi chỉ viết cái gì đáng xúc động. Nhưng khi nói đến hai từ xúc động, thì người nhạc sĩ đó phải có tầm khái quát lớn, sự sâu sắc, xúc động trước cuộc đời, xúc động từ số phận nhỏ bé như con kiến, đến rộng lớn bao la như vũ trụ đều có giá trị ngang nhau.

 img
 

Có nhiều người khi gặp tôi lại hay hỏi câu: “Dạo này còn hay đi viết địa phương ca không?”. Vấn đề ở đây không phải là đề tài, mà quan trọng là từ đề tài đó, người nhạc sĩ rút tỉa ra được cái gì cho cuộc đời này.

Ví như nhạc phẩm Ly cà phê Ban-mê là ngành ca, Ơi M’Drak là địa phương ca, thậm chí, có những bài địa phương ca mà cả nhân loại không ai có thể sáng tạo được như vậy đó là Trở về suriento, hay như bài khách sạn ca mà cả thế giới phải bái phục Hotel California.

Như vậy có thể nói, địa phương ca, ngành ca, đặt hàng hay không đặt hàng không phải là vấn đề cốt lõi, mà người nhạc sĩ đó có tài hay không và người nhạc sĩ đó khi đứng trước cuộc đời này giao đãi với cuộc đời này như thế nào bằng tác phẩm của chính mình mới là điều đáng bàn.

Nghe nói anh vừa viết xong hợp xướng giao hưởng "Đại bàng giọt đắng" do cà phê Trung Nguyên đặt hàng. Sao không phải là một bài hát dễ nghe, dễ tiếp nhận hơn mà lại là một bản giao hưởng?

Đây chính là cái tôi muốn nói đến, người nghệ sĩ luôn luôn được tự do, chứ không phải vì đặt hàng mà tôi bị nô lệ bởi đơn đặt hàng đó, tôi có quyền chọn giải pháp nào tôi thấy thích. Đại bàng giọt đắng là một hợp xướng giao hưởng ba chương dài 25 phút. Tôi viết trong thời gian gần 6 tháng liên tục với phần dàn nhạc của nhạc sĩ Minh Đạo.

Đây là một tác phẩm về tri thức với những khát khao, khát vọng lớn được bay lên, chỉ cần đạp mạnh đôi cánh là thấy bầu trời tự do trước mặt. Nhưng đôi khi thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố thuộc về tâm linh. Đó là hồn thiêng sông núi.

img
 

Vậy anh nghĩ sao về các nhạc sĩ thế hệ trẻ bây giờ?

Với tôi, hai từ "nhạc sĩ" có nhiều cấp độ, khía cạnh và đặc biệt có nhiều thang bậc để đánh giá hai từ đó. Một cô kế toán về nhà viết bài hát, bản thân cố ấy thích, một vài người thân thích, một vài người bạn nể và thích và như thế không thể gọi cô ấy là thợ mộc được, mà được gọi là việc làm của nhạc sĩ. Một vài người viết một số bài hát hay, nổi tiếng nhiều người biết đến cũng được gọi là nhạc sĩ.

Nhưng cái thang bậc để mà hiểu đúng nghĩa hai từ nhạc sĩ đối với cá nhân tôi, thì thứ nhất anh phải là người viết về giao hưởng, nghĩa là phải viết khí nhạc không có lời, đấy cũng là thang bậc của thế giới. Người ta gọi là compositeur tiếng Pháp, hay là composer tiếng Anh, còn người viết bài hát được gọi là song writer hay là poet (nhà thơ).

Nhà thơ Tago sáng tác 600 bài hát, trong đó có hai quốc ca, một quốc ca Bangladesh, một quốc ca Ấn Độ. Nhưng không bao giờ ông ấy tự nhận mình là nhạc sĩ và không ai dám gọi ông là nhạc sĩ. Nhưng cũng phải xét về hoàn cảnh, giao hưởng ở Việt Nam rất ít người có thể cảm nhận. Nên với tôi nấc thang thứ hai người nhạc sĩ phải có sự sáng tạo riêng, cá tính riêng, một nét riêng, đó chính là hệ thống biểu đạt cái riêng của mình.

Theo tôi Bài hát Việt là thành công rất lớn của những năm vừa qua, khẳng định được một thế hệ mới. Đưa ra lò được một hệ thống nhạc sĩ nữ, đứng cạnh các nhạc sĩ nam ngang ngửa “không thèm” chiếu cố, đôi khi còn trên tài như: Lưu Thiên Hương, Giáng Son, Sa Huỳnh, Lê Cát Trọng Lý…

Thế hệ của chúng tôi khi vào học nhạc là có những giấc mơ như Beethoven, Traicopxki, Mozart…Tôi tự nhận mình là một giấc mơ gãy cánh (nói như nhạc sĩ Dương Thụ), có thể thành nhưng không đạt, có tên tuổi, nổi tiếng một tí nhưng không đạt được ước mơ của chính mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem