Thưa nhạc sĩ Phạm Duy, hình như trong ông có một niềm yêu thích mãnh liệt với công việc phổ thơ?
- Các ca khúc của tôi, về phần lời ca, đa số do tôi soạn, còn một số là những bài thơ đã nổi danh hay chưa ai biết tới khi được tôi phổ nhạc. Lý do cũng rất giản dị. Tôi yêu thơ từ bé. Lớn lên nhiều bạn là thi sĩ làm thơ hay và làm cho tôi càng yêu thơ. Tôi có một người bạn gái rất yêu thơ tiền chiến và làm tới 300 bài tặng tôi. Trong số đó tôi đã phổ được 5-10 bài, như bài “Tôi đang mơ giấc mộng dài”, “Đừng xa nhau” là lời thơ của cô ấy.
|
Nhạc sĩ Phạm Duy vẫn rất phong độ ở độ tuổi vượt ngưỡng 90. Ảnh: Mạnh Cường |
Phổ nhạc cho thơ lục bát thường khó thoát khỏi nhịp điệu có sẵn của thể thơ này, nhạc sĩ đã vượt qua giới hạn đó như thế nào?
- Nếu phổ thơ mà cứ theo tiết tấu có sẵn của thơ lục bát thì vô duyên quá, mình phải sửa lại thôi. Mỗi bài tôi lại sửa theo cách khác nhau, có “xảo thuật” để thổi vào đó một hơi thở mới. Ví dụ như bài “Tiếng sáo Thiên Thai” mà tôi soạn vào năm 1952. Phổ nhạc bài này, tôi đã bắt thơ phải chạy theo nhạc, tức là đặt quy tắc nhạc lên trên thơ. Những câu thơ của Thế Lữ không còn là thơ lục bát nữa và được sắp đặt lại để có được một âm điệu thích hợp.
Là một trong những nhạc sĩ lớn của nền Tân nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy có số lượng tác phẩm đồ sộ với khoảng 1.000 ca khúc đa dạng về thể loại.
Trong số các sáng tác của ông, phải kể đến hơn 200 ca khúc do nhạc sĩ phổ nhạc cho thơ, khởi đầu từ “Cô hái mơ” phổ thơ Nguyễn Bính năm 1942 rồi hàng loạt các sáng tác phổ thơ của các nhà Thơ Mới như Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Đoàn Phú Tứ… đến phổ nhạc cho thơ trữ tình, thơ về chiến tranh và hòa bình, thơ Đạo, ca dao và gần đây nhất là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Soạn những ca khúc phổ nhạc cho thơ có khác gì với việc soạn cả nhạc và lời cho một ca khúc?
- Phổ thơ thì dễ hơn một chút vì có sẵn lời rồi, dù lời có thay đổi đi, nhưng ý thì có sẵn rồi. Còn nếu viết cả ca từ thì có khi mình sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn. Khởi sự là một người soạn ca khúc, tôi cứ mãi mãi là người soạn ca khúc và nghĩ rằng nếu tiếp tục soạn ca khúc thì phải thăng hoa nó lên, nghĩa là phải làm sao cho cả hai phần nhạc và lời càng ngày càng tiến bộ.
Qua các sáng tác phổ thơ, có thể thấy rằng nhạc sĩ Phạm Duy dành nhiều tình cảm cho các giá trị văn hóa dân gian VN?
- Tất nhiên rồi! Những câu ca dao hay nhất, tôi đều đã phổ thơ như “Đố ai”, “Nụ tầm xuân”… Tôi là người chủ trương đưa văn nghệ nông thôn lên cao hơn. Thường người ta hay theo cái mới bỏ cái cũ, tôi thì lại chú trọng giữ gìn những vốn cũ, không phải vì tôi hoài cổ đâu, mà quan niệm rằng phải giữ cái gốc của mình đã, rồi muốn phát triển gì thì phát triển sau.
|
Nhạc sĩ Phạm Duy và nhạc sĩ Phạm Tuyên trong buổi giao lưu “Thơ phổ nhạc” tại Hà Nội. |
Vốn cũ ở đây ví dụ là những giai điệu bình dân, những bài dân ca như cò lả, chèo. Nhiều ca khúc của tôi mang màu sắc dân ca, như bài “Nhớ người thương binh” nghe kỹ có hơi hướng cò lả, “Dặn dò” hoàn toàn là một điệu hát ru của Việt Nam…
Được đào tạo ở nước ngoài và tiếp thu nền âm nhạc phương Tây, vậy những vốn liếng âm nhạc dân gian của nhạc sĩ bắt nguồn từ đâu?
- Tôi đã có một tuổi trẻ sống ở đồng quê, đi học hát chèo, hát quan họ ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang từ những năm mới 17-18 tuổi. Tất cả điệu dân ca cổ truyền tôi thuộc hết. Vì thế, về sau khi tôi làm những bài hát nhạc mới, tự nhiên vốn liếng nhạc cổ của tôi cứ hiện lên mà không phải suy nghĩ gì.
Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Duy.
Khánh Linh (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.