Đi vào con đường âm nhạc từ trong kháng chiến chống Pháp, tên tuổi và sự nghiệp của Phạm Tuyên được khẳng định từ đầu thập niên niên 60 với nhiều ca khúc cho nhiều lứa tuổi.
Ông viết nhiều và viết rất nhanh. Có những ca khúc đánh dấu một thời điểm lịch sử, một thời khắc thiêng liêng, một sự kiện trọng đại, một chiến dịch như: Chiếc gậy Trường Sơn, Miền Nam anh dũng và bất khuất (hợp xướng), Con kênh ta đào…
Bài Từ làng Sen Phạm Tuyên sáng tác sau ngày Bác ra đi. Thập niên 80, từ tứ của nhạc phẩm này ở Nghệ Tĩnh xuất hiện các hội thi Hát từ Làng Sen, một phong trào ca hát về Bác Hồ lan toả khắp các địa phương. Dần dần hội thi phát triển lên qui mô toàn quốc, tổ chức 5 năm một lần.
Như có Bác trong ngày đại thắng viết trước khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử hai ngày. Gửi nắng cho em… viết đầu năm 1976, “khi hai miền cùng vào một vụ chiêm”… “cùng vào mùa một ngày vui thống nhất…”.
Ca khúc Chiến đấu vì độc lập tự do được ông sáng tác ngay trong đêm đầu tiên của ngày xảy ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc - năm 1979. Vì thế có người nói rằng các ca khúc Phạm Tuyên là một biên niên sử bằng âm nhạc.
|
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và tác giả |
Phạm Tuyên sinh ngày 2-1-1930. Tuổi thanh xuân ông đã say sưa ca ngợi Đảng và đã để lại những ca khúc hay nhất về Đảng. Ngay những ngày đầu hòa bình ở miền Bắc, bài Đảng đã cho ta một mùa xuân của Phạm Tuyên đã đi vào cuộc sống rất tự nhiên và hồn hậu.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể, hồi lên chiến khu Việt Bắc ông học trường Pháp lý. Cái hay là ở trường này được học ngoại ngữ và được giác ngộ về Đảng nhờ một số sách báo tiếng Pháp viết về chủ nghĩa cộng sản.
Nhiều ca khúc viết về Đảng sau này của ông là sự giải mã kiến thức, là sự giác ngộ lý tưởng cộng sản từ những cuốn sách tiếng Pháp. Ví dụ như từ câu Chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại của nhà văn chiến sĩ Cộng sản Pháp Paul Vaillant – Couturier Phạm Tuyên đã cảm hứng ra một giai điệu ấm áp, trữ tình: Đảng đã cho ta một mùa xuân. Đó là một mùa xuân đầy khát vọng, một mùa xuân lâng lâng xao xuyến giữa đất trời hòa vào nhịp sống của thời đại.
Đảng đã cho ta một mùa xuân, vì chủ nghĩa cộng sản là mùa xuân của nhân loại, con đường đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kì đó chính là đi tới một mùa xuân của dân tộc.
Không chỉ có Đảng đã cho ta một mùa xuân, thơ Aragon có câu khiến lúc đó ông phải giật mình: Đảng cho tôi màu xanh nước non nhà. Từ đó Phạm Tuyên có một khúc tự sự đầy suy tư từ những câu thơ Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng với nhịp điệu gần giống như Quốc tế ca, trải dài một niềm tin: Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/Trước như tuổi xanh tôi nào biết được/Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước/Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông…. Hai bài có cảm hứng từ hai phía trữ tình và anh hùng ca nhưng đều nảy ra một căp phạm trù cho và nhận - khiến cho hai bài này như một cặp bài trùng trong các ca khúc ngợi ca về Đảng của Phạm Tuyên.
Cảm hứng về Đảng là nguồn sáng tạo phong phú của rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có các nhạc sĩ. Nhiều nhạc sĩ có ca khúc ca ngợi Đảng nhưng để có được một giọng ca ngợi Đảng vừa sâu sắc vừa chân thành và đầy ấn tượng như Phạm Tuyên thì không phải là nhiều.
Ca từ, giai điệu các ca khúc của Phạm Tuyên rất mộc mạc, chân thành, tạo ra sự gần gũi giữa Đảng và dân, dễ thuộc lời, dễ hát. Sự cộng hưởng giữa người nghệ sĩ và quần chúng tạo ra sức sống lâu bền của ca khúc.
Những ca khúc viết về Đảng chiếm một vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Tuyên, là những mốc son trên con đường sáng tác nghệ thuật của ông. Với những ca khúc kể trên Phạm Tuyên được đánh là một trong những người viết Đảng ca hay nhất, là nhạc sĩ thành công nhất khi viết về đề tài ca ngợi Đảng.
Năm 2001, Phạm Tuyên được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật với các tác phẩm: Bám biển quê hương, Đảng đã cho ta một mùa xuân, Chiếc gậy Trường Sơn, Gẩy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày đại thắng.
Thanh Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.