Nhạc sĩ Quốc Trung: "Kiểm duyệt những ca khúc cách mạng có tuổi đời 60 năm là việc làm thừa thãi"

PV Thứ bảy, ngày 17/12/2022 15:01 PM (GMT+7)
"Việc kiểm duyệt những ca khúc cách mạng tuổi đời 60 năm, do những nghệ sĩ nhân dân 80 tuổi biểu diễn là điều thừa thãi, gây khó khăn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, cũng như làm giảm sức sáng tạo của người nghệ sĩ", nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.
Bình luận 0

Sáng nay (17/12), Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" đã được khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Phiên thảo luận bàn tròn của Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với sự điều hành của nhà báo Lê Quang Minh – Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội. Tại đây, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến thẳng thắn về các "điểm nghẽn" còn tồn tại, cản trở sự phát triển của nền công nghiệp văn hoá tại Việt Nam hiện nay.

Nhạc sĩ Quốc Trung: "Kiểm duyệt những ca khúc cách mạng có tuổi đời 60 năm là việc làm thừa thãi" - Ảnh 1.

Phiên thảo luận bàn tròn "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" tại Hội thảo Văn hoá 2022. (Ảnh: Ngọc Hải)

Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm

Trước câu hỏi: "Nhìn từ góc độ thể chế, chính sách và nguồn lực, đâu là những vấn đề còn tồn tại cần giải quyết ngay nhằm triển khai hiệu quả "Chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam tầm nhìn tới năm 2030?", GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: "Có rất nhiều vấn đề cần phải bàn tới, tuy nhiên, trong quy mô của Hội thảo, nhìn từ góc độ thể chế, chính sách và nguồn lực, có 5 điểm "nghẽn" chúng ta cần phải giải quyết nhanh chóng:

Thứ nhất là điểm "nghẽn" về thể chế. Hiện nay việc thể chế hoá các đường lối, chủ trương phát triển về công nghiệp văn hoá còn rất chậm và nhiều lúng túng, chưa tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Những ngành nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, triển lãm đều là những ngành quan trọng nhưng hiện nay mới chỉ có các Nghị định để điều chỉnh thị trường. Trước đó, chúng  ta đưa ra mục tiêu đến 2015 phải ban hành Pháp lệnh Nghệ thuật biểu diễn, Pháp lệnh Mỹ thuật nhiếp ảnh, đến năm 2020 sẽ ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Mỹ thuật nhiếp ảnh. Tuy vậy, hiện nay, ở thời điểm cuối năm 2022, chúng ta vẫn đang loay hoay với các Nghị định.

Một loạt bộ luật khác cũng cần đồng bộ hoá tạo hệ sinh thái cho ngành công nghiệp văn hoá phát triển như Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp… Cùng với việc ban hành luật, cũng phải hoàn thiện các văn bản dưới luật.

Thứ hai là điểm "nghẽn" rất lớn về cơ chế. Cần chuyển từ cấp phép xin cho, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, theo tinh thần là tất cả những gì pháp luật không cấm thì công dân, nghệ sĩ, nhà sáng tạo, nhà sản xuất được phép làm, khi họ có vi phạm thì sẽ xử lý bằng các bộ luật liên quan. Cần giải phóng được sức sáng tạo của văn nghệ sĩ, qua đó thúc đẩy sự đa dạng văn hoá.

Nhân lực, tài lực và vật lực cũng là những vấn đề đang đặt ra. Nhân lực lãnh đạo, quản lý, nhân lực sáng tạo và nhân lực sản xuất kinh doanh đều rất quan trọng. Cần bồi dưỡng, giáo dục họ ngay từ trên ghế nhà trường.

Một vướng mắc nữa là nguồn lực về tài chính. Việc đầu tư cho văn hoá đòi hỏi huy động nguồn lực xã hội rất lớn, cần có cơ chế chính sách để huy động doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Yếu tố hạ tầng vật chất cho công nghiệp văn hoá cũng còn rất khó khăn. Ví dụ về điện ảnh, chúng ta hay nói tới việc chưa có những tác phẩm xuất sắc, gây tiếng vang trên thế giới, tuy nhiên về phim trường, hậu kỳ, hiện nay ta chưa đáp ứng được. Hạ tầng số của chúng ta cũng vẫn phải sử dụng của nước  ngoà, vậy làm sao làm chủ được cuộc chơi trên sân chơi đó?"

Trao đổi thảo luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết những thể chế, chính sách về văn hoá đang từng bước có sự thay đổi: "Luật Điện ảnh ban hành tháng 6/2022 một trong những bộ luật điện ảnh tiến bộ nhất so với các nền điện ảnh châu Á, cập nhật nhiều phương pháp quản lý mới, những kinh nghiệm của các nước trên thế giới cũng như châu Á. Trong đó, việc giảm bớt tiền kiểm, hướng tới hậu kiểm cũng đã được đề cập. Thay vì kiểm duyệt, các cơ quan chức  năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt để quản lý văn hoá".

Nhạc sĩ Quốc Trung: "Kiểm duyệt những ca khúc cách mạng có tuổi đời 60 năm là việc làm thừa thãi" - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Quốc Trung. (Ảnh: THQH)

Luật cần đi trước

Chia sẻ tại Hội thảo Văn hoá 2022 về những trăn trở của một nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết: "Tôi là người tham gia trong lĩnh vực biểu diễn và sáng tạo, có điều kiện được xem, giao lưu, hợp tác với các đối tác nước ngoài. Tôi cho rằng chúng ta cần có sự đánh giá, nhận xét từ phía bên ngoài để đánh giá được đúng năng lực sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam. 

Việc xuất khẩu nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam ra thế giới bên ngoài hiện tại gần như bằng không, dẫn tới sự đánh giá về năng lực sáng tạo của chúng ta còn khá chủ quan.

Một trong những điều đang dần trở thành thói quen tại Việt Nam là việc đầu tư về thời gian, nguồn lực và sự sáng tạo với âm nhạc hay một sản phẩm biểu diễn ở nước ta là quá ít so với thế giới. Bởi vậy, rất khó để xây dựng những tác phẩm/chương trình nghệ thuật đỉnh cao để có thể cạnh tranh, từ đó dẫn tới việc năng lực sáng tạo của chúng ta hạn chế, nền âm nhạc/công nghiệp văn hoá của chúng ta chưa đủ mạnh, không thể chống chọi với sự xâm nhập về văn hoá".

Khi được hỏi về việc nhiều điều luật ban hành liệu có ràng buộc những người làm nghệ thuật, nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định: "Tôi nghĩ năng lực sáng tạo không bị hạn chế bởi luật và quy định. Chúng tôi không sợ nhiều quy định, nhiều luật mà sợ những quy định đó không rõ ràng, cụ thể. Nên xây dựng luật đi trước, đón đầu sự phát triển chứ không nên đi sau để giải quyết những vướng mắc phát sinh.

Tôi nói thí dụ về vấn đề kiểm định âm nhạc, hiện nay chúng ta vẫn có những hội đồng thẩm định duyệt trước khi chương trình công diễn. Việc kiểm duyệt các ca khúc cách mạng tuổi đời 60 năm, do nghệ sĩ nhân dân 80 tuổi biểu diễn là điều thừa thãi, gây khó khăn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, làm giảm sức sáng tạo của người nghệ sĩ. Chính vì vậy khi xây dựng chiến lược phát triển văn hoá rất cần cân nhắc và thay đổi".

"Các thiết chế văn hoá hay những nhà văn hoá cộng đồng của chúng ta hoàn toàn chưa có chính sách hỗ trợ cho sự tiếp cận hay phổ cập văn hoá tới công chúng. Không có cách nhận định, phân loại để có chính sách hỗ trợ cho những thể nghiệm, những nghệ sĩ trẻ, những tiềm năng hay tài năng để có thể phát triển, giới thiệu sản phẩm tới công chúng. Chúng ta cũng hoàn toàn thiếu đi những người có khả năng phân tích, đánh giá một cách công tâm và cởi mở về sản phẩm âm nhạc mới để định hướng truyền thông.

Chúng ta cũng không phân loại hay định vị cho các không gian âm nhạc, nghệ thuật cho nên mọi thứ trở nên nhốn nháo, khó phân định cho khán giả. Nhà hát Lớn vẫn có cả pop-rock, các nhà hát nhỏ hay địa phương thì trở thành nơi diễn ra các event hay thậm chí cả tiệc cưới. Điều này vô hình tạo nên sự suồng sã đối với công chúng thưởng thức âm nhạc, khó đưa ra mô hình biểu diễn phù hợp và định vị khán giả, đặc biệt thiếu những không gian mang tính thể nghiệm, có sự hỗ trợ giới thiệu sản phẩm và gương mặt tiềm năng".

(Trích tham luận "Huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam" - nhạc sĩ Quốc Trung).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem