Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hồi ấy (1985), tôi làm phóng viên tuần báo Văn Nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam. Cứ rảnh, tôi lại sang nhà nhạc sĩ Văn Cao và bà Thúy Băng hầu rượu và chụp chân dung ông. Từ 17 Trần Quốc Toản đến 108 Yết Kiêu đi chừng 5 phút. Với tôi, nhạc sĩ Văn Cao là thiên tài. Âm nhạc của ông là tiếng nói của thần tiên. Tư duy hội họa của Văn Cao cũng thế! Tranh ông tiệm cận với hội họa Ấn tượng (Les Impressionnistes) với Monet Claude, Van Gogh, Renoir, Degas, Pissarro Camille. Không biết bao nhiêu thế kỷ nữa có được một Văn Cao như thế.
Nhạc sĩ Văn Cao là người hướng nội, hiền lành, kiệm lời và khiêm tốn. Ông như bông lúa nặng hạt to mẩy trĩu xuống khiêm nhường… Ông quý tôi như con vì hai lẽ. Một là tôi chơi và học cùng Đại học Mỹ thuật công nghiệp với họa sỹ Văn Thao - Trưởng nam của ông. Hai là tôi cũng đam mê thơ, nhạc, họa như ông. Cứ viết, vẽ được gì lại mang khoe ông để ông chỉ dạy. Bác cháu quý nhau, thân nhau vì thế.
Cứ hễ có trận rượu nào đông đủ bạn bè là ông lại nhắn tôi qua. Ông động viên tôi: "Hùng khá đấy, hãy nuôi dưỡng lấy đam mê. Cháu cứ viết, cứ vẽ đi, làm gì có đường… đi mãi sẽ thành đường, bác cũng vậy thôi…".
Văn Cao là tấm gương tôi noi theo, thắp đuốc cho tôi đi vào con đường nghệ thuật, vì thế, bác cháu tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc…
Có lẽ, tôi là người hiếm hoi nếu không nói là duy nhất may mắn được nhạc sĩ Văn Cao cho chữ cả tập thơ lẫn tập nhạc. Tập nhạc đầu tiên của tôi – "Tình khúc mùa hè", xuất bản năm 1992, nhạc sĩ Văn Cao viết lời giới thiệu: "Thế Hùng trăn trở đi tìm cái đẹp. Không phải dễ dàng thấy được mình. Muốn phá vỡ được quả trứng anh đã phải lao động nhiều khám phá nhiều trong thơ, nhạc, họa. Nhưng cái thìa tìm ra để làm vỡ quả trứng không phải dễ.
Tôi mừng cho những thành công của anh, hôm nay nhận được 10 tình khúc của Thế Hùng với giai điệu trữ tình và trong sáng. Nghĩ tới bước đường của một bạn trẻ cũng như tôi nhiều năm lận đận, nẻo đường đi còn xa, còn phải kiên nhẫn… Ghi lại vài dòng này là mừng cho một người ham lao động mở ra cho các nhạc sĩ niềm đam mê nghệ thuật" - Hà Nội ngày 20/10/1992.
Tập thơ đầu tiên của tôi – "Mưa lá", xuất bản năm 1989, mặc dù đang nằm Bệnh viện Việt Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị) nhưng nhạc sĩ Văn Cao cũng kê gối viết lời tựa tặng tôi: "Hình như thơ là một ánh chớp. Con người tìm ra và làm cho ra hình dung của ánh chớp ấy. Nỗi khổ đau riêng tư cũng thành những câu thơ mà ta được quyền phát hiện. Tập thơ này đến với tôi không có gì lạ, tôi đọc nó như trong một thời đã qua. Sao bỗng dưng tôi phải dừng lại trong những bài thơ của tác giả.
Thế Hùng là một họa sĩ, một nhà nhiếp ảnh giữ lại những hình ảnh không quên nổi về chiến tranh. Anh làm nhiều thơ ca ghi lại những hình ảnh đã qua, qua lăng kính của nhà nhiếp ảnh. Nhưng anh tìm ra các câu thơ khó khăn hơn.
Tôi nghĩ rằng, hiện thực của chúng ta không phải chuyện mang ống kính để ghi hình và tường thuật mới thành tác phẩm. Tôi kể bức ảnh anh Thế Hùng đã chụp được trên sân ga là mở đầu cho thơ ca của anh. Với ngôn ngữ thơ ca, với hiểu biết thơ ca, anh là một nhà thơ. Tập thơ này đã đem lại cho tôi hào hứng muốn viết cho anh cái tựa. Cũng giống như hình ảnh anh ghi được trong bài "Mười phút với Nguyễn Tuân". Tôi mượn câu của một nhà triết học: "Anh như một mũi tên run lên trước khi tới đích", viết tại Bệnh viện Việt – Xô, ngày 6/5/1989. Trong tập thơ đầu tay ấy, tôi viết 2 bài tặng 2 nhà thơ mà tôi thân và yêu quý nhất, Văn Cao và Hoàng Cầm.
Cứ làm được bài thơ nào, viết được ca khúc nào là tôi đem khoe với ông. Bài "Tình khúc mùa hè", tôi viết giọng trưởng, ông ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: "Cháu nên viết gam thứ, giữa chừng ly điệu sang trưởng, về coda kết lại về gam thứ, nghe sẽ rất tình mà màu âm vẫn sáng". Quả vậy, ca khúc này sau đó được ca sĩ Thái Bảo hát rất hay trên VTV. Năm 1997, Nhà xuất bản Hà Nội tuyển chọn để in tuyển "25 tình khúc về Hà Nội", ca khúc "Tình khúc mùa hè" của tôi được vinh dự chọn in chung với các nhạc sĩ nổi tiếng: Trịnh Công Sơn, Văn Ký, Hoàng Hiệp, Hồng Đăng, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Phú Quang …
Gần nhạc sĩ Văn Cao, chữ nhẫn và tính nhân văn đã thấm vào tôi. Ông im lặng nuốt đớn đau, nuốt lo sợ vào trong không cho ai biết. Ông bảo, có thời gian, cứ hễ nghe tiếng ô tô là giật mình nơm nớp....
Chống gậy batoong đến dự triển lãm
Tháng 12/1992, tôi triển lãm tranh lần thứ nhất ở 61 Tràng Tiền (Hà Nội). Lúc bấy giờ chân nhạc sĩ Văn Cao đã rất yếu nhưng ông vẫn chống batoong cùng cô Thúy Băng - vợ Bác và con trai Nghiêm Bằng đến dự. Trong buổi lễ hôm ấy, nhạc sĩ Văn Cao cùng thi sĩ Hoàng Cầm, nhạc sĩ Hoàng Vân, Văn Ký, Hoàng Dương, Thuận Yến cắt băng khai mạc.
Ông khen tranh lụa của tôi đẹp: "Kiểu này Tây thích đấy, chắc là sẽ mua hết thôi". Quả đúng như vậy, 45 bức tranh lụa truyền thống đã được các Đại sứ quán Pháp, Thụy Điển, Ý, Bulgaria và người yêu tranh trong ngoài nước mua gần hết.
Một lần uống rượu nhạc sĩ Văn Cao nói với tôi: "Bác thèm vẽ lắm mà tay yếu và không có toan". Giá mà, giá mà… thì Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cùng bạn bè yêu tranh sẽ có hạnh phúc được treo tranh, chơi tranh Văn Cao. Gia tài hội họa của ông vẻn vẹn khoảng 20 bức tranh tạo hình, bức đẹp nhất có lẽ là bức ông vẽ vợ ông - bà Nghiêm Thúy Băng - Người đẹp một thời. Mảng đồ họa của ông thì rất nhiều, khoảng 300 bìa sách và 1000 minh họa cho các báo.
Tôi có may mắn là nhà báo duy nhất cùng ông và gia đình leo lên 40 bậc thềm của tòa án tối cao (48 Lý Thường Kiệt Hà Nội) để đòi lại bản quyền "Quốc ca Việt Nam" về cho ông. Đây là vụ án thế kỷ tranh chấp bản quyền tác giả. Tôi viết ngay bài "Quốc ca Việt Nam chỉ có một tác giả" đăng trên báo Tuổi trẻ. Sáng ngày 28/3/1992, tại cơ quan bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, đồng chí Thượng Thuận - Giám đốc cơ quan bảo hộ quyền tác giả đã trao cho các nhà báo kết luận cuối cùng về tác giả phần nhạc và lời của tác phẩm "Tiến quân ca", nay là "Quốc ca" là nhạc sĩ Văn Cao.
Ngay sáng hôm sau, ngày 29/3/1992 tại căn nhà ấm cúng của Văn Cao ở số 108 Yết Kiêu, tay run run nâng chén rượu, ông nói với tôi: "Thế Hùng, cháu chứng kiến từ phút đầu tiên đến phút cuối cùng vụ án thế kỷ này. Hôm nay ta cụng ly, ly rượu ngon nhất trong ngày vừa vui, vừa buồn của đời bác".
Dù phải trải qua nhiều biến động của cuộc đời, nhạc sĩ Văn Cao vẫn sừng sững như đại thụ ở rừng đại ngàn văn học nghệ thuật Việt Nam. Như ngọn núi cao không dễ gì khuất phục. Bóng Văn Cao tỏa dài theo lịch sử.
Những sự cố đau lòng và đáng tiếc đã gieo vào cuộc đời Văn Cao những khổ nạn mà một nhân tài như ông phải đối diện và bước qua để trỗi lên thành thiên tài. Việt Nam có nhiều tài năng, nhưng đa tài và tài đến độ như Văn Cao thì hiếm, rất hiếm và thậm chí có thể nói là không có.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.