Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả (bài 2): Từ 50 con gà giống hỗ trợ, "đẻ" ra 300 triệu/năm

Duy Hậu Chủ nhật, ngày 20/09/2020 06:01 AM (GMT+7)
Nhờ được hỗ trợ vay vốn để nuôi gà chọi, gia đình chị H'Lan (40 tuổi, ở thôn 9, xã Quảng Khê, huyện Đắk G'Long, Đắk Nông) đã thoát nghèo nhanh chóng, vươn lên làm giàu với thu nhập trên dưới 300 triệu đồng. Đáng chú ý là mô hình của chị H'Lan đã nhanh chóng lan tỏa, giúp được nhiều hộ nghèo khác nhanh chóng thoát nghèo.
Bình luận 0

Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Không chỉ thế, khi các mô hình này nhân rộng, nhiều hộ gia đình khác cũng nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định đời sống kinh tế.

Từ hộ nghèo trở thành "đại gia"

Lấy chồng từ năm 1996, với số vốn ban đầu là 1ha đất bố mẹ cho nhưng mãi đến 10 năm sau, gia đình chị H'Lan (40 tuổi, ở thôn 9, xã Quảng Khê, huyện Đắk G'Long, Đắk Nông) vẫn là hộ nghèo. Chị kể, do điều kiện đất đai cằn cỗi nên dù đã hết sức nỗ lực, cái nghèo vẫn đeo bám mãi.

Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả: Nhìn từ các mô hình phát triển sản xuất - Ảnh 1.

Nhờ 50 con gà chọi giống ban đầu, chị H'Lan (thứ 2 từ trái sang) đã nhanh chóng thoát nghèo.

Cho đến năm 2016, gia đình chị cùng một số hộ được Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đắk Nông trích nguồn vốn từ Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ 100 triệu đồng để nuôi gà chọi. Số tiền này được dùng để mua con giống và thức ăn cho gà. 

Riêng chị H'Lan được hỗ trợ 50 con gà chọi giống. Trước khi được hỗ trợ, chị H'Lan đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi gà chọi do Sở LĐTBXH tổ chức tập tập huấn.

Sau hơn 3 tháng sau, chị H'Lan đã có đàn gà chọi xuất chuồng với lợi nhuận trung bình 20.000 đồng/con. Với số tiền bán gà lứa đầu, chị H'Lan tiếp tục đầu tư lứa gà mới lên 200 con. Chỉ hơn một năm, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, từ một hộ cận nghèo, chị H'Lan đã được thoát nghèo. 

Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả: Nhìn từ các mô hình phát triển sản xuất - Ảnh 2.

Phó giám đốc Sở LĐTBXH Y Long Niê (phải) trực tiếp mang gà đến hỗ trợ cho gia đình chị H'Lan - hộ nghèo ở thôn 9, xã Quảng Khê, huyện Đắk G'Long, Đắk Nông.

Những năm sau đó, chị H'Lan tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại. "Một năm mình nuôi ba lứa, mỗi lứa từ 500-1.000 con. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật, nên đàn gà của gia đình luôn phát triển ổn định, không dịch bệnh. Hơn nữa, gà này rất dễ bán, các lứa gà của gia đình xuất con nào hết con đó. Nhờ đó mà gia đình tôi đã nhanh chóng thoát nghèo vươn lên làm giàu"- chị H'Lan chia sẻ.

Chị H'Lan cho biết thêm, có lợi nhuận từ việc nuôi gà, chị đã có thêm vốn để đầu tư cho cà phê và các loại cây trồng khác. Nhờ tích lũy, hiện gia đình chị đã mua thêm được 3 ha rẫy để đầu tư trồng cà phê, tiêu, sầu riêng... 

Từ chăn nuôi đàn gà chọi, gia đình đã tận dụng nguồn phân gà thải ra nên cũng tiết kiệm được một khoản tiền mua phân bón. Mỗi năm tổng thu nhập của gia đình đã lên đến trên dưới 300 triệu đồng. 

"Điều mình vui mừng nhất là nhờ được hỗ trợ mà đứa con đầu mình mới thỏa nguyện ước mơ theo học ở nhạc viện. Cháu đi học năm 2016. Khi đó mình bán được lứa gà đầu tiên và thấy khả quan nên mới dám cho con đi học"- chị H'Lan tâm sự.

Cũng như gia đình chị H'Lan, 4 hộ khác hỗ trợ vốn để nuôi gà chọi cùng đợt với chị H'Lan đề nhanh chóng ổn định đời sống. Chỉ trong vòng 1-2 năm sau, các hộ này đều đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Hộ thoát nghèo lan nhanh từ mô hình

Thấy hiệu quả từ mô hình nuôi gà chọi của nhóm hộ chị H'Lan, nhiều gia đình nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn 9, xã Quảng Khê đã tới tìm hiểu. 

Chẳng ngần ngại, với vai trò là nhóm trưởng, chị H'Lan đã chia sẻ toàn bộ kinh nghiệm và kiến thức nuôi gà đã học được cho người dân. Từ 5 hộ ban đầu, nhóm hộ của chị H'Lan giờ đã tăng lên 11 hộ với 22 thành viên. Khi tham gia vào nhóm, các hộ mới vào được các hộ đi trước trích vốn được hỗ trợ để hỗ trợ lại.

Nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả: Nhìn từ các mô hình phát triển sản xuất - Ảnh 3.

Mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho đồng bào sinh sống tại huyện Đắk R'Lấp (Đắk Nông) cũng mang lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo ở địa phương.

Ngoài ra, nhóm hộ của chị H'Lan còn thường xuyên gặp gỡ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời lập ra quỹ để hỗ trợ các gia đình khó khăn. 

Theo đó, mỗi năm một gia đình sẽ trích ra số tiền bán 4 con gà để đóng quỹ, mỗi tháng một người còn trích ra 10 ngàn đồng để nộp vào quỹ. Quỹ này ngoài việc dùng để hỗ trợ quay vòng cho các gia đình còn nhằm để hỗ trợ cho các hộ mới tham gia nhóm có nguồn vốn ban đầu để phát triển sản xuất.

Với cách làm này, từ ban đầu tham gia vào nhóm các hộ đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo đến nay chỉ còn 3 hộ và số hộ nghèo này, theo chị H'Lan, cũng sẽ nhanh chóng thoát nghèo.

Không chỉ riêng ở Quảng Khê, tại huyện Đắk R'Lấp, nhiều hộ gia đình nhờ được hỗ trợ bò sinh sản mà cuộc sống có thêm một khoản thu nhập đáng kể. Không ít hộ sau khi thoát nghèo đã cho các hộ nghèo khác mượn bò về nuôi để lấy con. Nhờ đó, những gia đình này cũng có thêm thu nhập, dần ổn định cuộc sống.

Đánh giá về mô hình nuôi gà chọi của chị H'Lan, một lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Đắk Nông khẳng định đây là một mô hình giảm nghèo đạt hiệu quả rất cao. Đáng chú ý là mô hình của chị H'Lan đã nhanh chóng lan tỏa, giúp được nhiều hộ nghèo khác nhanh chóng thoát nghèo. 

Nói về dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo trong toàn tỉnh, lãnh đạo này cho biết: "Việc triển khai nhân rộng mô hình giảm nghèo đã tận dụng và phát huy được năng lực cộng đồng, tự người dân vươn lên làm kinh tế, tạo niềm tin cho nông dân dám nghĩ, dám làm và có thể áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất. 

Trong quá trình triển khai các mô hình thuộc dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo, vai trò của người dân được thay đổi, người dân đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động. Những hộ thoát nghèo từ tham gia các mô hình là những "điểm sáng" trong phong trào vươn lên thoát nghèo".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem