Nhân viên 3 ngân hàng giúp sức chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài

Gia Bình Thứ bảy, ngày 11/06/2022 11:49 AM (GMT+7)
Cơ quan tố tụng xác định 5 nhân viên tại 3 ngân hàng có hành vi nhận tiền để “thanh toán quốc tế”, giúp sức cho đường dây tội phạm chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.
Bình luận 0

Thông tin được nêu tại cáo trạng của VKSND TP.Hà Nội truy tố vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985) và Phạm Anh Tuấn (SN 1984) cùng 11 đồng phạm về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Phía công tố cáo buộc, giai đoạn 2016-2020, nhóm của Nguyệt lập khống các hợp đồng kinh tế, hợp thức hồ sơ tạm nhập tái xuất để nhiều lần chuyển trái phép hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài thông qua pháp nhân của các "công ty ma".

Thủ đoạn của nhóm là mua 200 triệu linh kiện điện tử rồi đóng trong 12 thùng, liên tục quay vòng xuất nhập từ Singapore – Việt Nam – Trung Quốc. Qua đây, họ có hồ sơ hợp thức lệnh chuyển tiền ra nước ngoài; hưởng lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Cũng theo cáo trạng, Nguyệt và Tuấn còn liên hệ với 3 ngân hàng ở Quảng Ninh để chuyển tiền dưới hình thức thanh toán quốc tế.

Tại ngân hàng V chi nhánh Móng Cái (Quảng Ninh), cơ quan tố tụng xác định các nhân viên Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1993) và Phan Ngọc Duy (SN 1982) biết Nguyệt chuyển tiền trái phép nhưng vẫn phê duyệt hồ sơ, giúp chuyển hơn 6.400 tỷ đồng.

Đổi lại, Sơn được hưởng lợi 70 triệu còn Duy được 200 triệu đồng. Tháng 11/2021, TAND tỉnh Quảng Ninh đã phạt Sơn 5 năm tù và Duy 4 năm 6 tháng tù.

Tại MBBank chi nhánh Móng Cái, nhân viên Phạm Thị Minh Ngân bị xác định thực hiện giao dịch thanh toán quốc tế cho 6 công ty của Nguyệt. Tuy nhiên, do đây là ngân hàng quân đội nên cảnh sát chuyển hồ sơ của Ngân cho Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng. Đến nay, nữ nhân viên này của MBBank đã bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ngân hàng thứ 3 liên quan đường dây của Nguyệt là S. chi nhánh Móng Cái. Có 2 nữ nhân viên tại đây cùng Nguyệt làm hồ sơ, in lệnh chuyển tiền và được hưởng lợi tổng cộng 80 triệu đồng. Tuy vậy, Công an TP Hà Nội đánh giá 2 người "không biết việc chuyển tiền trái phép" nên không đề cập xử lý.

Trong vụ án, các bị can khai mỗi khi hợp thức thủ tục tại Hải quan tỉnh Lào Cai hoặc Hải quan Nội Bài, họ đưa 500.000 – 1 triệu đồng hoặc 5 triệu đồng cho cán bộ tại đây. Những cán bộ này không thừa nhận và cũng không có tài liệu chứng minh nên cảnh sát không xử lý.

Vợ chồng Nguyễn Thị Nguyệt, Phạm Anh Tuấn còn khai khi bị bắt đã: "Đưa tiền cho một số cán bộ công an để không bị điều tra". Những cán bộ công an này cũng không thừa nhận nên phía điều tra "không đề cập xử lý".

Liên quan đường dây này, có 5 chủ doanh nghiệp tại phố Hà Trung, 1 người ở phố Lương Ngọc Quyến (Hà Nội) và 3 người ở TP.HCM bị xác định liên quan. Tuy nhiên, tài liệu hiện chưa đủ căn cứ cáo buộc họ phạm tội nên phía điều tra cho hay sẽ "tách tài liệu xử lý sau".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem