Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua, Chủ tịch đã chỉ ra 5 vấn đề cần giải quyết để đột phá vào lĩnh vực “tam nông”.
Sớm ứng dụng công nghệ nước ngoàiLà một trong những người chắp bút xây dựng nghị quyết tam nông, ông Hồ Xuân Hùng- nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Tôi rất đồng tình với những đánh giá, nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về 5 năm thực hiện nghị quyết tam nông”.
Theo ông Hồ Xuân Hùng, đánh giá khách quan thì sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông, vẫn còn một số vấn đề chúng ta chưa làm được như mong muốn. “Muốn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng, phải đi bằng “hai chân”, đó là thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân” - ông Hùng nói.
PGS.TS Phạm Thị Thùy (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu và đưa giống đậu tương năng suất cao vào sản xuất.
Đối với vấn đề về ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, ông Hùng cho rằng: “Chúng ta cần nhanh chóng thay đổi tư duy nghiên cứu, gồm thay đổi nghiên cứu cơ bản – cái này các bộ, ngành, Chính phủ phải lo, và thay đổi trong nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, tức là phải xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học.
Trước mắt, theo tôi nên tập trung vào ứng dụng, nên sử dụng những thành quả nghiên cứu của thế giới, chứ đừng mày mò đi nghiên cứu lại những cái người ta đã làm, vừa tốn kém tiền bạc vừa không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc lựa chọn đề tài khoa học cũng phải sát với yêu cầu thực tiễn, đừng để diễn ra tình trạng có tới 90% đề tài nghiên cứu, nghiệm thu xong rồi bỏ vào tủ như hiện nay, vô cùng lãng phí”.
Thực tế, sau 5 năm thực hiện nghị quyết tam nông và 15 năm đổi mới KHCN cho thấy, Việt Nam vẫn nặng về tư duy “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. KHCN bây giờ phải là dân cần cái gì, chúng ta làm cái đó, phải bám vào chiến lược của ngành và của đất nước.
“Tôi cho rằng, KHCN phải đáp ứng được những yêu cầu lớn sau: Phục vụ nhu cầu tiêu dùng của hơn 90 triệu dân trong nước, và đặt yêu cầu nâng cao chất lượng chứ không phải là an ninh lương thực như giai đoạn trước đây. Do đó, phải nhanh đưa chất xám vào sản xuất, rồi thay đổi tư duy trong xuất khẩu, tức là hướng về chất lượng, chứ không phải duy trì vị thế về số lượng” - ông Hùng cho biết.
Thay đổi cách tiếp cận Đối với vấn đề quy hoạch lại sản xuất, phát triển, thay đổi hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, lưu thông hàng hóa như Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nêu, GS-VS Nguyễn Văn Bộ - Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, vấn đề mà Chủ tịch nêu là đúng và chúng ta cần có ngay các giải pháp để thực hiện.
Cụ thể, ông Bộ cho biết: “Vừa rồi các nhà khoa học cũng có cuộc trò chuyện với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tại đây, các nhà khoa học đã kiến nghị chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận, tức là thay đổi từ thị trường chứ không phải thay đổi sản xuất. Phải xem thị trường cần gì, chủng loại nào, thời gian cung cấp ra làm sao, sau đó mới quay về tổ chức sản xuất, cung ứng cho thị trường. Chúng ta đã có quá nhiều bài học được mùa thì mất giá, căn nguyên là do sản xuất chưa theo kịp thị trường”.
Do đó, theo ông Bộ, trong 5 giải pháp mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu ra, có 3 vấn đề cần ưu tiên làm trước. Thứ nhất là tìm hiểu dư địa thị trường thế giới, xem mình thuận lợi chỗ nào, không thuận lợi chỗ nào. Ví dụ, xuất khẩu gạo của ta hiện đang chiếm khoảng 22% thị phần thị trường thế giới, tức khoảng 7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ gạo tối đa của toàn cầu vào khoảng 38-40 triệu tấn, chưa kể đang xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh mới, điều đó chứng tỏ dư địa trong xuất khẩu gạo của ta không tăng, nên quy hoạch sản xuất lúa gạo phải tính lại.
Theo đó, thay vì chú trọng xuất khẩu gạo, chúng ta có thể tấn công vào thị trường xuất khẩu rau quả, hoa, vì hiện nay mảng này vẫn còn mênh mông. Thứ hai, sau khi đã xác định được thị trường thì Việt Nam rất cần có những cam kết tầm Chính phủ. Ví dụ, trong xuất khẩu, nhiều khi hàng hóa nước ta không chính ngạch, không có ai đứng ra bảo vệ nên rất nhiều doanh nghiệp chịu thiệt thòi thì đối tác đột ngột ngừng mua. Trước đây quen làm theo kiểu tự cung tự cấp, nay theo thị trường thì không thể theo lối mòn đó nữa.
Thứ ba, hiện nay một số mặt hàng Việt Nam đã làm chủ được về số lượng như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu…, có nghĩa là chúng ta có thế mạnh về nguồn cung. Do đó, phải nỗ lực thay đổi, nâng tầm nông sản Việt lên một vị thế mới: Điều khiển giá nông sản thế giới bằng thế mạnh nguồn cung, thay vì ngược lại là bị phụ thuộc vào các nhà thu mua như hiện nay.
5 giải pháp để đột phá “tam nông”
Trong bài viết Đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa nghị quyết của T.Ư "về nông nghiệp, nông dân, nông thôn", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu lên 5 giải pháp cần tiếp tục thực hiện, trong đó đặc biệt lưu ý phải hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; quy hoạch các vùng chuyên canh lúa hàng hóa lớn, chất lượng cao; phát huy vai trò của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là trong quy hoạch, xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách, cơ chế, và tổ chức thực hiện sáng tạo, tạo nên bước đột phá mới…
|
Minh Huệ (Minh Huệ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.