Nhập viện "khẩn" vì sốt xuất huyết lại tự ý uống thuốc bừa bãi

Quốc Hải Thứ tư, ngày 13/04/2016 12:24 PM (GMT+7)
Bệnh sốt xuất huyết không thể xem thường, tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân TP.HCM vẫn còn thiếu kiến thức trong việc phát hiện bệnh cũng như chủ quan trong điều trị sốt xuất huyết, gây nguy hiểm tới tính mạng…
Bình luận 0

img

Điều trị sốt xuất huyết chậm sẽ tăng nguy cơ nhiều biến chứng cho người bệnh như: Tổn thương gan, thận, tổn thương phổi… thậm chí là tử vong.

Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ vừa xử trí một trường hợp trẻ em nam N.Q.D. (3,5 tuổi, ngụ tại Thủ Đức, TP.HCM), được chuyển viện với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày 5 tái sốc, suy hô hấp, tổn thương gan. Tại bệnh viện, tình trạng bệnh trẻ diễn tiến phức tạp, xuất hiện hội chứng suy đa cơ quan, tổn thương gan, thận, tổn thương phổi, hôn mê...

Trước đó, bệnh nhân N.T.M. (34 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng được đưa đến đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong tình trạng sốt xuất huyết vào giai đoạn sốc nặng, biến chứng và đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và Chống độc người lớn vì mắc sốt xuất huyết Dengue.

BS Dương Bích Thủy, khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực và Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho hay: Đa phần các bệnh nhân trước khi nhập viện chỉ nghĩ mình bị cảm sốt thông thường, chứ không nghĩ đến việc mắc sốt xuất huyết. Chính vì vậy, các bệnh nhân này đều đã tự ý mua các loại thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau về tự điều trị tại nhà. Đến khi cơ thể bệnh nhân sốt cao kèm theo tình trạng nôn mửa, xuất huyết chân răng thì mới nhập viện. Một số trường hợp tự điều trị ở nhà bằng thuốc hạ sốt, thậm chí truyền dịch đến 4, 5 ngày mới nhập viện, điều này khiến bệnh ngày càng nặng và xuất hiện những biến chứng nguy hiểm.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị biến chứng nặng là do gia đình chủ quan, thấy con mình biểu hiện nóng sốt liền tự ý ra ngoài tiệm thuốc tây mua thuốc. Đến khi con vẫn chưa hết sốt lại đổi thuốc, hay tăng liều bằng cách dùng thêm Aspirin, Dexa… Điều này dẫn đến việc chẩn đoán sốt xuất huyết có thể bị trễ. Không những vậy, trẻ có thể còn gặp những biến chứng nguy hiểm như ngộ độc thuốc, xuất huyết tiêu hóa, viêm gan do thuốc…

“Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống,...  thì cần phải đưa trẻ ngay vào bệnh viện chứ không được tự ý điều trị tại nhà gây biến chứng cho trẻ”, bác sĩ Tuấn khuyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem