Nhật ký của người 30 năm vớt xác trôi sông

Thứ sáu, ngày 27/12/2013 18:01 PM (GMT+7)
Trong một chiều lạnh mù sương bên mé sông, tôi đã được nghe những chuyện chưa từng kể về cuộc đời và việc vớt xác đầy màu sắc căn duyên của chị.
Bình luận 0
Nhật ký của người vớt xác

Nếu không có cuốn nhật ký do chính tay chị ghi chép suốt gần 30 năm qua, chắc chị cũng không thể tin vào số tử thi được chị vớt từ dưới sông lại lên đến con số khổng lồ như vậy. Nhiều người đã rùng mình khi nghe đến nhật ký vớt xác. Thực chất đó là một cuốn sổ được chị dùng để ghi lại ngày tháng và ghi nhớ đặc điểm của từng lần tìm vớt.

Chị là Nguyễn Thị Nguyệt, ngụ tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) - người đã tìm vớt và “chăm sóc” cho hơn 500 tử thi trôi dạt trên sông Lam. Suốt 30 năm qua, người đàn bà vớt xác này dường như là một phần không thể thiếu mỗi khi nhắc đến cây cầu Bến Thủy và góc sông Lam tử thần năm nào cũng có người gieo mình xuống. “Huyền thoại” vớt xác sông Lam giờ đã lên chức bà nội.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt.

Cuốn sổ ghi chép của chị ra đời không phải để đếm số lượng tử thi mà xuất phát từ thực tế có nhiều xác chết vô danh được chị vớt lên, phải một thời gian dài sau mới có người tìm nhận, thậm chí đến nay vẫn còn khoảng hơn 20 tử thi xấu số chưa tìm được gia đình. Cuốn sổ nhật ký đặc biệt đã bị thất lạc trong trận lụt lịch sử năm 2010 kéo theo những trăn trở của chị bởi vẫn còn đó những xác chết vô danh.

Tôi đến thăm chị trong một buổi chiều lạnh mù sương. Bước sang tuổi 49, bước chân của người đàn bà từng được xem như một huyền thoại này cũng đã có phần khó nhọc nặng nề. Chị Nguyệt vẫn ngày ngày đi thuyền kiếm cá mưu sinh, cuộc đời vẫn dập dềnh lam lũ nhưng hạnh phúc đã được thắp sáng với tiếng cười của đứa cháu nội.

Chị tâm sự: "Tôi có cái bệnh đau tê thấp càng ngày càng nặng, nhiều hôm đau liệt nửa người. Nghe các bác sỹ nói, bệnh này do nhiều năm tiếp xúc trực tiếp với xác chết và hơi lạnh. Dù vậy, tôi vẫn cảm ơn trời phật phù hộ cho mình có một sức khỏe để nuôi con và làm việc phúc giúp người xấu số. Đời tôi vất vả từ khi xưa đến giờ mà tôi vẫn sống. Tôi chỉ mong đến một ngày không còn phải vớt xác nữa và cũng không phải chứng kiến nỗi đau của những gia đình có người nỡ lòng rời bỏ cuộc sống để gieo mình xuống sông”.

Sinh ra trên sông nước, chị Nguyệt thuộc góc sông này như thuộc lòng thuyền của mình. Cái duyên đưa chị đến với công việc mà người yếu bóng vía mới nghe đã tái mét mặt này vào năm chị vừa 18 tuổi. Khi không có ai nhận lời tìm vớt xác, người nhà nạn nhân đã nhờ đến chị như một sự cầu cứu cuối cùng và bất ngờ được chị đồng ý.

Nghĩ lại lần đầu tiên vớt xác, chị Nguyệt cũng ngạc nhiên với chính mình: "Thật lạ là tôi không cảm thấy sợ mặc dù lần đầu tiên chạm vào tử thi. Khi làm mình chỉ cảm thấy trong lòng có tình thương vô cùng dành cho người xấu số”.

Sau lần đó, cứ có người chết do nhảy cầu hoặc chết đuối là người ta gọi chị Nguyệt. Cũng giống như một căn duyên, chị thường tìm được xác rất nhanh rồi đưa vào bờ để chăm sóc cho người đã chết, tỉ mỉ lau rửa, mặc quần áo cho tử thi với tất cả tấm lòng.

Vừa vỗ về đứa cháu yêu, chị Nguyệt vừa kể: "Thật trời thương sao năm nay tôi không thấy bị hồn nhập. Những năm trước cứ bị “ma” theo về suốt (?). Người đang sống rõ ràng đấy nhưng cứ như người giả”.

Cậu con trai không nén nổi tiếng cười khi nhớ lại những lần chị Nguyệt bị xem là “ma” nhập. Số là một lần chị đi làm giúp cho một gia đình ở xa. Khi về đến nhà mọi người đều ngạc nhiên vì điệu bộ của chị rất khác lạ. Nghe gọi tên nhưng chị nhất định không trả lời mà khăng khăng nói mình không phải cô Nguyệt, sau đó giới thiệu tên tuổi, quê quán ở tít tận đâu đâu, còn nói là đang học tại một trường du lịch này nọ.

Mọi người cho rằng chị bị ma nhập nên mời cả "thầy" về cúng giải ma. Sau đó mấy ngày, không biết là do tài năng của thầy cúng hay lý do nào khác, chị Nguyệt lại trở lại bình thường và không hề nhớ gì chuyện đã xảy ra.
Chị Nguyệt chuẩn bị cho chuyến đi thuyền đánh cá mưu sinh vào ban đêm.
Chị Nguyệt chuẩn bị cho chuyến đi thuyền đánh cá mưu sinh vào ban đêm.

Tình yêu dưới cây cầu tử thần

Lần đầu chị Nguyệt bị "ma nhập", như lời phán của "thầy", cả gia đình và những người tiếp xúc hàng ngày đều thấy rất sợ hãi. Nhưng sau dần quen, mọi người thấy bớt sợ, đôi lúc còn buồn cười vì có những "hồn ma" rất ngộ nghĩnh.

Cả hai mẹ con đều cười ngất vì những người biết chuyện vẫn thường kể, khi ấy bà Nguyệt lúc thì đòi ăn chuối, lúc lại đòi uống nước, chốc chốc lại đòi cái này cái khác rồi cử chỉ nói năng rất lạ. Bình thường chị chẳng mấy khi ăn vặt nhưng có đợt chị chuyên đòi ăn mía. Nhìn thấy cây mía là mắt cứ sáng lên, không cần phải tước dóc gì, cứ ôm cả cây xơi luôn cả vỏ rất ngon lành.

Hạnh phúc bình dị

Niềm hạnh phúc nhất của người đàn bà vớt xác bây giờ là sự trưởng thành của vợ chồng cậu con trai và tiếng cười khanh khách của thằng cháu nội. Chị Nguyệt nhìn ra cửa ngóng cô con dâu sắp đi làm về. Mặt trời đã mấp mé tắt nắng. Cậu con trai sửa soạn đồ nghề để hai mẹ con chuẩn bị đi thuyền. “Mẹ con cứ bì bõm cả đêm vậy đấy. Chỉ mong được ít cá sáng mai có thêm đồng mua sữa cho thằng Mậm (tức thằng cu Tí - PV) này đây cô ơi”, nói rồi chị nựng yêu thằng cháu. Nụ cười hạnh phúc của người đàn bà vớt xác âu yếm ôm cháu thơ rạng ngời ấm áp như ánh mặt trời rọi trên sông buổi sớm.

Câu chuyện "ma nhập" của người đàn bà vớt xác khiến tôi ngồi đờ ra bất động, rõ ràng chỉ là đồn đoán vào thấy khó tin mà người vẫn sởn gai ốc. Tiếp tục câu chuyện hư hư thực thực, chị Nguyệt cười nói: "Những lần tôi bị như vậy nhiều lắm. Tôi cũng không nhớ được mà chỉ nghe người trong gia đình kể lại. Lâu nay thì không thấy hiện tượng này nữa”.

Thằng cu Tí bụ bẫm nằm gọn trong vòng tay bà nội, đôi mắt đã lim dim ngủ. Hai bà cháu đung đưa ầu ơ trên chiếc võng mắc ngang gian bếp nhỏ xíu lỉnh kỉnh nồi xoong, mùi bùn đất vẫn ngai ngái thoảng đưa trong hơi gió lạnh. Gian nhà ẩm thấp nhỏ xíu nằm men bên mép sông Lam đã qua bao lần sửa sang, chắp vá. Năm nay chưa thấy lũ về, nhưng dấu vết của trận lụt năm ngoái vẫn còn in trên nửa vách tường mỏng.

Học hết lớp 9, chàng trai nghèo đành xếp sách vở để theo mẹ và các cậu xuống thuyền, đêm ngày bập bềnh trên dòng Lam đánh cá mưu sinh. Ngày trước, khi bằng tuổi con trai bây giờ, chị đã thai nghén rồi sinh nở một mình trong chiếc thuyền nghèo xơ xác. Tình yêu của người đàn bà vớt xác dường như chỉ là một thời khắc quá ngắn ngủi trong suốt quãng đời dập dềnh sóng nước.

Cây cầu Bến Thủy và dòng sông Lam là minh chứng cho mối tình đầu của cô gái đánh cá và chàng kỹ sư người Bắc. 8 tháng chung sống mặn nồng cũng không giữ chân anh ở lại trọn đời bên mẹ con chị. Ngoài kia, anh còn có cha mẹ già và nghĩa vụ của người con trai với gia đình dòng tộc.

Trong này, chị không thể xa rời góc sông và con thuyền đã gắn bó từ khi cất tiếng khóc chào đời. Không ai dám nói định mệnh đã buộc chân cô gái đang say nồng trong tình yêu và hạnh phúc gia đình. Nhưng chị đã lựa chọn ở lại với khúc sông và công việc đầy căn duyên của mình.

Chị Nguyệt trầm ngâm khi nhắc chuyện cũ. Hơn 20 năm một mình nuôi con khôn lớn, những cô đơn và sự lặn lội vất vả dường như lại giội về. Chị khẽ nói khi vòng tay ôm chặt đứa cháu đã say ngủ: "Có lẽ đó là cái duyên trời định, cả cuộc đời tôi đã gắn với sông nước và cả việc vớt xác trên sông. Đó không phải nghề kiếm sống nhưng giống như việc trời định cho mình làm. Nhiều lúc tôi phát khóc vì tủi thân cho kiếp mình thân gái ngụp lặn, suốt ngày tiếp xúc với những cái xác thối rữa hôi tanh ngay cả đàn ông cũng không dám làm. Nhưng rồi cứ nghe có người nhảy cầu là cái chân lại chạy rồi lại ào xuống sông ngụp lặn ôm xác vào”.
NĐT (Theo NĐT)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem