Nhặt rác, phụ phẩm làm thức ăn nuôi bò "siêu to khổng lồ", nông dân Hà Nội thu trên 1 tỷ đồng/năm

Trần Quang Thứ ba, ngày 28/06/2022 11:34 AM (GMT+7)
Tận dụng thân cây ngô, rơm rạ... mà người dân bỏ lại trên cánh đồng đưa về phối trộn ủ chua làm thức ăn cho đàn bò 3B khoảng 170 con, anh Vũ Kim Tuyền ở Bà Vì (Hà Nội) thu về mỗi năm từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng.
Bình luận 0
Nhặt rác phụ phẩm nông nghiệp về nuôi bò "siêu to khổng lồ", lão nông Hà Nội thu trên 1 tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Anh Vũ Kim Tuyền chăm sóc đàn bò 3B tại trang trại của gia đình ở xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: TQ

Chiều 27/6, dẫn đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) đi xem khu chuồng trại chăn nuôi 170 con bò đực 3B vỗ béo nuôi hướng thịt của gia đình, anh Vũ Kim Tuyền phấn khởi khoe: "Dù thức ăn công nghiệp liên tục tăng giá nhiều trang trại chăn nuôi thua lỗ, bỏ trại, bỏ chuồng nhưng tôi vẫn tự tin thu lãi đều".

Anh Tuyền kể: Trước kia, tôi cũng nuôi ngan, gà…, nhưng giá cả bấp bênh, không ổn định như chăn nuôi bò. Từ cuối năm 2013, tại huyện Ba Vì có mô hình nuôi bò 3B hướng thịt, tôi đã nuôi thử 2 con.

"Mới đầu nuôi giống bò có khối lượng lớn, có con trưởng thành đạt trên 500kg, nhiều người gọi là bò "siêu to khổng lồ" nhưng khi bắt tay vào nuôi thấy không khó. Bởi đây là giống bò có sức đề kháng tốt, ăn uống khỏe nên sản lượng thịt rất cao, bò tăng trưởng nhanh", tỷ phú bò 3B chia sẻ.

Để chăn nuôi bài bản, từ năm 2014, anh Tuyền đã liên kết với Công ty CP Giống gia súc Hà Nội để nhập giống và quy trình chế biến thức ăn. 

Theo đó, khi mua, anh thường chọn loại bò từ 4 – 5 tháng tuổi, trọng lượng khoảng 140 – 150kg và nuôi vỗ đến 8 – 9 tháng tuổi, đàn bò sẽ bắt đầu cho kết quả khá rõ, trọng lượng tăng từ 0,8 – 1,2 kg/ngày. Sau một năm nuôi vỗ, trọng lượng của bò đạt xấp xỉ 500kg. 

Giá mua bò lúc đầu khoảng 20 triệu đồng/con, khi bán từ 38 – 45 triệu đồng/con, trừ chi phí lãi từ 8 – 12 triệu đồng/con.

Thu tiền tỷ từ nuôi bò 3B

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm chế biến thức ăn, anh Tuyền cho hay: Từ khi bắt tay chăn nuôi bò thịt, tôi đã dành trên 2ha để trồng cỏ. Bên cạnh tôi còn tận dụng rơm rạ, thân ngô tươi… mà nông dân bỏ đi trên các cánh đồng ở địa phương đưa về ủ chua để dự trữ thức ăn cho bò vào mùa đông.

"Thân cây ngô sau khi thu gom sẽ được cắt nhỏ và ủ chua dự trữ trong 6 tháng. Ủ khoảng 20 ngày là có thể cho bò ăn được. Cây ngô ủ chua sẽ giảm được lượng cám (thức ăn tinh), giúp bò tăng trọng tốt từ 1 – 1,3 kg/ngày trong giai đoạn vỗ béo. Đặc biệt, dùng thức ăn ủ chua chăn nuôi bò sẽ giúp vật nuôi có thịt ngon, vân thịt đẹp hơn các loại thức ăn khác", chủ trang trại nuôi bò 3B ở Ba Vì tiết lộ.

Sau thời gian dài tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở các trại, doanh nghiệp, đến nay, anh Tuyền đã hoàn thiện công thức nấu cám chín với nguyên liệu chính từ ngô.

Công thức như sau: Giai đoạn tạo khung, sử dụng 50% ngô, 25% sắn, 25% cám gạo; giai đoạn vỗ béo tăng lên 70% ngô kèm thêm cám đậm đặc kết hợp cây ngô và cỏ ủ chua, giúp bò béo nhanh, đỏ thịt, lượng mỡ rất ít so với bò ta.

Kết quả thu được ngoài mong đợi, trung bình mỗi con chỉ tốn 600.000 – 800.000 đồng tiền cám mỗi tháng, rẻ hơn rất nhiều so với việc phải chi tới 1,2 – 1,5 triệu đồng để mua cám công nghiệp.

So sánh về lượng thức ăn chăn nuôi giữa bò ta và bò 3B, anh Tuyền thấy rõ hiệu quả vượt trội của nuôi bò 3B. 

Cụ thể, bò ta trọng lượng 400kg, trong giai đoạn vỗ béo cần cho ăn 4 – 5 kg thức ăn tinh để đạt tăng trọng 0,7 – 1kg hơi/ngày, giá bán chỉ đạt 72.000 – 78.000 đồng/kg hơi, còn với bò 3B trọng lượng tương tự thì có giá cao hơn, khoảng 87.000 – 95.000 đồng/kg.

Cũng theo anh Tuyền, đa phần các nông hộ nuôi bò ta sau 2 năm sẽ đạt 500kg, nhưng nếu là bò 3B thì chỉ cần 15 tháng đã đạt được trọng lượng này, có thể rút ngắn thời gian chăm sóc, giảm chi phí thức ăn, nhanh thu hồn vốn, tái đàn sớm.

Bên cạnh việc chủ động chế biến thức ăn chăn nuôi phục vụ đàn bò, anh Tuyền còn chủ động thường xuyên theo dõi lịch tiêm phòng vaccine phòng chống các bệnh phổ biến như: Bệnh viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, lở mồm long móng…

Nhặt rác phụ phẩm nông nghiệp về nuôi bò "siêu to khổng lồ", lão nông Hà Nội thu trên 1 tỷ đồng/năm - Ảnh 3.

Đến thăm trang trại chăn nuôi bò thịt của anh Vũ Kim Tuyền, các thành viên trong đoàn công tác đều khen ngợi và đánh giá cao giải pháp chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị của anh. Ảnh: TQ

Sau nhiều năm gắn bó với giống bò mới, anh Tuyền rất hiểu và có kinh nghiệm trong cách bố trí chuồng trại, áp dụng thêm các công nghệ để chăm sóc đàn vật nuôi của mình. 

Theo anh, giống bò 3B có thể chịu lạnh tốt, nhưng nếu nhiệt độ nóng trên 37 độ C thì bò sẽ phát triển chậm nên anh luôn xây dựng khu vực chuồng trại thoáng mát, sử dụng quạt công nghiệp, hoặc phun nước làm mát từ trên mái xuống.

Ngoài ra, số phân thải ra từ trang trại ngày 2 lần, anh Tuyền lại gom đưa đi ủ để bón cho các diện tích cỏ voi giúp tiết kiệm được khá lớn chi phí trong bối cảnh giá phân bón đang tăng cao. 

"Việc bón phân bò thay phân hóa học cũng đem lại hiệu quả rất tốt, không ảnh hưởng đến chất đất, tạo môi trường sạch để cỏ voi phát triển", anh Tuyền nói.

Trong thời gian tới cùng với việc nuôi bò 3B vỗ béo, bán bò thịt, anh Tuyền dự định sẽ mở lò mổ, giới thiệu và bán thịt bò 3B chất lượng cao cho người dân Hà Nội, giá cả sẽ cạnh tranh vì không phải qua khâu trung gian.

Sản phẩm có đầu ra ổn định, giá tăng 10% nhờ chăn nuôi theo chuỗi

Sau khi kiểm tra mô hình chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị được Trung tâm Khuyến nông quốc gia ở Ba Vì (Hà Nội), bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) đánh giá: Trang trại của anh Tuyền đáp ứng các tiêu chí chăn nuôi tuần hoàn theo chuỗi vừa đảm bảo giảm chi phí đầu vào từ con giống, thức ăn chăn nuôi... đến đảm bảo đầu ra ổn định, giải quyết được bài toán về môi trường trong chăn nuôi rất hiệu quả.

Nhặt rác phụ phẩm nông nghiệp về nuôi bò "siêu to khổng lồ", lão nông Hà Nội thu trên 1 tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) (áo trắng đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị với anh Vũ Kim Tuyền (áo đỏ, ngoài cùng bên phải). Ảnh: TQ

Theo bà Hạnh, hiện tại việc chăn nuôi bò ở các huyện của Hà Nội như Ba Vì, Phúc Thọ... đều rất phát triển, nhất là chăn nuôi bò theo hướng thịt. 

Trước đây, người dân thường chăn nuôi tự phát, không chủ động được nguồn con giống, nhưng đến nay, bà con đã được Công ty CP Giống gia súc Hà Nội đã nghiên cứu đưa ra các giống bò có chất lượng cao và đưa các cán bộ, lực lượng "dẫn tinh viên" hỗ trợ người dân cải tạo các giống bò, đặc biệt như giống bò 3B... cho lượng thịt cao sản cao và mọi người đã nhân rộng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khi tham gia chuỗi, người dân đã chủ động được các nguồn con giống chất lượng cao và biết cách chủ động nguồn phụ phẩm để chế biến thức ăn chăn nuôi tại chỗ đạt hiệu quả cao. 

Tiếp đến người dân được áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng vaccine có chất lượng tốt, nhất là vaccine viêm da nổi cục đảm bảo sức khỏe, an toàn cho đàn gia súc. Đặc biệt, khi chăn nuôi theo chuỗi, người dân còn được bảo đảm đầu ra ổn định và giá sản phẩm luôn cao hơn thị trường khoảng 10%...

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, trong những năm gần đây, TTKNQG đã triển khai các hoạt động góp phần phát triển chăn nuôi bò thịt theo chuỗi giá trị sản phẩm mang lại hiệu quả cao cho người dân chăn nuôi tại các tỉnh.

Đơn cử như Dự án "Xây dựng mô hình cải tạo để nâng cao năng suất đàn bò thịt địa phương" triển khai tại Ninh Thuận đã giúp người dân nâng cao kiến thức kỹ thuật cải tạo đàn bò thịt địa phương để nâng cao năng suất đàn bò thịt thông qua việc chọn lọc bò cái nền và áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, dùng tinh bò Brahman, bò BBB. 

Người dân đã nắm được kỹ thuật của dự án, chọn lọc, chăm sóc bò cái đúng kỹ thuật, phát hiện bò động dục và phối giống đúng thời điểm, tỷ lệ phối chửa lần 1 đạt 79,5%.

Hay Dự án "Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học" triển khai tại tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hà Nội; Dự án "Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học"triển khai tại tỉnh Yên Bái;

Dự án "Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học"triển khai tại tỉnh Hà Giang giúp người dân chọn lọc, phân loại bò trước khi vỗ béo, áp dụng kỹ thuật phù hợp cho từng nhóm đối tượng bò, người dân đã biết tẩy giun sán cho bò trước khi vỗ béo, phối hợp khẩu phần thức ăn phù hợp... Khả năng tăng khối lượng cơ thể cao, bình quân đạt 852 – 890,8 g/con/ngày; đối với bò loại thải đạt 766 g/con/ngày, đồng thời chất lượng thịt bò sau khi vỗ béo được tăng cao, thịt bò mềm và thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem