Thưa ông, nhìn lại 6 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp được cho là bị sụt giảm mạnh nhất về tăng trưởng trong các năm qua, ông có nhận định gì về đánh giá này?
- Đúng là 6 tháng đầu năm nay được coi là một trong những thời điểm khó khăn nhất của ngành nông nghiệp; trong lúc các khu vực khác của nền kinh tế như công nghiệp và dịch vụ phục hồi khá tốt thì khu vực nông nghiệp lại suy giảm. Kèm theo đó là suy giảm của xuất khẩu (XK) nông nghiệp, đây là mối liên hệ mật thiết với nhau vì hiện tại nền nông nghiệp của ta có tới 50% tổng sản lượng dành cho XK.
Công nhân bóc tách hạt điều tại một doanh nghiệp xuất khẩu ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Tư liệu
Theo tôi, XK nông sản và tăng trưởng nông nghiệp bị suy giảm chủ yếu là suy giảm ngành trồng trọt do thị trường đi xuống như gạo, cao su, cà phê… chỉ còn một số mặt hàng nông sản tăng trưởng tốt như tiêu, điều, chè, sắn. Trong khi đó, thời tiết, khí hậu có diễn biến xấu như hạn hán, ngập mặn… dẫn tới sản lượng lúa gạo, cà phê bị suy giảm về sản lượng. Nhưng nếu xét tổng thể thì ngành nông nghiệp chủ yếu là suy giảm về giá trị.
Có một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng suy giảm nông nghiệp là do chúng ta vẫn sản xuất dựa trên sự tăng trưởng sản lượng, dẫn đến khó khăn về thị trường?
- Tôi cho rằng, về vấn đề thị trường, hiện nhu cầu của một số mặt hàng nông sản không lên nhanh như nguồn cung của thế giới nên giá nông sản đã giảm mạnh. Chẳng hạn như mặt hàng gạo, có một số nước đang đi theo xu hướng tự cung tự cấp và xuất hiện thêm một số đối thủ cạnh tranh xuất khẩu mới như Myamar, Lào, Campuchia… trong khi Thái Lan lại tung ra kho dự trữ lúa gạo nên giá đã giảm. Còn mặt hàng cao su thì cung vượt cầu trong suốt 4 năm qua nên giá cũng tiếp tục giảm.
Một nguyên nhân nữa cũng ảnh hưởng tới XK nông sản là hiện đã có một số nước phản ứng rất nhanh khi họ điều chỉnh phá giá đồng tiền như Brazil, Colombia, Ấn Độ, Thái Lan… nên giá XK nông sản của họ rẻ hơn gây khó khăn cho nông sản của Việt Nam. Mặt khác, thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng phụ thuộc khá mạnh vào Trung Quốc (chiếm khoảng 17%), chưa kể nhiều mặt hàng ta XK sang thị trường này thì bản thân Trung Quốc cũng tự trồng được như vải, thanh long, dưa hấu…
Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn thiên khai thác lợi thế về diện tích và sản lượng, không đầu tư chế biến nên mới dẫn tới suy giảm như hiện nay?
Doanh nghiệp là chủ thể đóng vai trò mấu chốt để xây dựng chuỗi giá trị cho ngành hàng nông sản nhưng vẫn còn quá ít những “đại gia” tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Nguyên nhân chính là do chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập, đặc biệt là chính sách về đất đai, thuế, phí, tín dụng, hỗ trợ hạ tầng.
- Đúng là như thế, nếu cứ chạy theo khai thác về diện tích và sản lượng, chỉ XK chủ yếu là sản phẩm thô, theo mùa vụ, thì khi rộ lên lại bị ép giá. Muốn bán được theo quyền của mình, dự trữ lâu hơn, có giá trị cao hơn chắc chắn phải qua chế biến sâu. Mặt khác, nếu không đầu tư cho chế biến thì không rút được lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp, quy mô sản xuất sẽ vẫn nhỏ lẻ, kém chất lượng; không chế biến cũng khó tiếp tục cạnh tranh được với mặt hàng của các nước, bởi trước đây cạnh tranh bằng lao động giá rẻ nhưng hiện giá lao động cũng tăng lên do mức sống cao hơn, cần có giá trị cao hơn để trả cho người lao động.
Do đó, tôi cho rằng cần có dịch vụ chế biến, bảo quản, phân loại, đóng gói, dịch vụ hỗ trợ làm thương hiệu và dịch vụ đưa thẳng sản phẩm tới khâu tiêu dùng cuối cùng thì giá trị mới cao lên được.
Để tạo bứt phá cho nông nghiệp trong thời gian tới, theo ông cần có những giải pháp cụ thể gì?
- Tôi cho rằng, cần có giải pháp quyết liệt hơn và mang tính đột phá vì thị trường nông sản thế giới trong thời gian tới không hy vọng sẽ tăng vọt lên được. Rất nhiều dự báo cho thấy, thị trường nông sản tiếp tục có xu hướng đi ngang hoặc suy giảm. Trong khi đó, các nước ngày càng cạnh tranh mạnh với chúng ta cả về giá cả và chất lượng nhất là khi hội nhập ngày càng sâu, chúng ta còn phải cạnh tranh ngay trên sân nhà; thời tiết có xu hướng ngày càng bất ổn, hạn hán, siêu bão… Do đó, giải pháp phải đột phá thì mới xử lý triệt để, trong đó đột phá cụ thể nhất là phải triển khai tái cơ cấu nông nghiệp trên thực tiễn. Từ thị trường, quy hoạch sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, và các chính sách vĩ mô cần xem xét đánh giá lại.
Xin cảm ơn ông!
TS Lê Đăng Doanh- chuyên gia kinh tế: Phải nghiêm túc với nông dân
Những năm gần đây, nông nghiệp có mức giảm đáng lo ngại, thể hiện mô hình tăng trưởng nông nghiệp đã hết giới hạn tự nhiên và cần có sự cải cách, đầu tư mạnh mẽ nếu muốn có nông dân hiện đại. Nông nghiệp chiếm 18-19% GDP và trên 40% sức lao động nhưng hiện chưa được đầu tư tương xứng, kể cả vốn từ ngân sách. Tín dụng cũng chảy về nông nghiệp nông thôn thấp một cách lo ngại. 65% tổng xuất khẩu nông sản cả nước là của ĐBSCL nhưng tín dụng về đây chỉ có 9%, vậy người nông dân sản xuất hiện đại như thế nào khi không có vốn...
Tôi cho rằng, đã đến lúc không chỉ đề cao mà phải thực thi quyết liệt việc tái cấu trúc nền nông nghiệp, từ chính sách, nguồn nhân lực đến đầu tư. Chúng ta phải có thái độ nghiêm túc với nông dân thì mới tránh được tụt hậu cho khu vực này.
Ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách Phát triển Nông thôn (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư): Xây dựng các khu, cụm chế biến nông sản
Một nghịch lý đáng buồn là cho đến nay, năng suất lao động trong nông nghiệp của ta vẫn ở vị thế yếu kém, nông nghiệp không thể vươn lên được. Đây là thực tế buồn mà ai cũng đã biết và đang là thách thức không dễ giải quyết. Nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn là khu vực giải quyết việc làm cho gần 47% lực lượng lao động. Từ năm 2009 đến nay, sản xuất và tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng sản xuất nông nghiệp có xu hướng chững lại. Điều này cho thấy, tăng trưởng nông nghiệp do chủ yếu dựa vào thâm canh, tăng năng suất, một phần nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Các yếu tố đầu vào đã tới giới hạn, phân bón sử dụng nhiều, khả năng áp dụng máy móc thấp, đất giảm…
Chúng ta phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng. Cần mở rộng nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp chế biến ở nông thôn như các nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm rau quả, cá tra, tôm, chè, cà phê, điều... ở các vùng nguyên liệu, đặc biệt khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ để giảm bớt lao động thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ.
Mai Hương (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.