Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán: “Tôi thấy có tội với vợ con…”

Hà Tùng Long Thứ tư, ngày 31/05/2023 07:35 AM (GMT+7)
"Có chăng, tôi thấy có lỗi với vợ con mình… thậm chí là có tội. Tội đó là không giúp được gì cho họ. Tôi đánh mất bao nhiêu thì giờ, tiền bạc và công sức khi chạy theo nghiệp nhiếp ảnh", nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán tâm sự với Dân Việt.
Bình luận 0

Bất kỳ ai gặp nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán ngoài đời cũng đều phải thừa nhận ông rất đỗi bình dị và hiền hậu. Cái sự bình dị và hiền hậu ấy toát ra từ ánh mắt, nụ cười và giọng nói của ông. Bao nhiêu năm qua, ông vẫn lăn lộn với nghiệp nhiếp ảnh như một mối duyên nợ không thể dứt ra. Cứ ở đâu có sự kiện trọng đại và ý nghĩa của giới văn nghệ sĩ là kiểu gì cũng có mặt Nguyễn Đình Toán với chiếc máy ảnh quen thuộc. Ông trở thành người bạn thân thiết của rất nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, trí thức Hà thành hàng mấy chục năm qua.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán: “Tôi thấy có tội với vợ con… khi đã quá mải mê chụp ảnh” - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toàn nhận giải thưởng Đào Tấn hôm 29/5. Ảnh: BTC.

Điều đặc biệt là Nguyễn Đình Toán không chỉ sở hữu kho tư liệu ảnh khổng lồ và vô giá của nhiều văn nghệ sĩ, trí thức… mà còn nắm giữ nhiều câu chuyện "thâm cung bí sử" về cuộc đời của nhiều người, trong đó có những người nổi tiếng như: nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Hoàng Cầm, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Tạo, nhà báo Nguyễn Hữu Đang…

Với bề dày thâm niên hoạt động trong nghề nhiếp ảnh, từng gây chấn động với những bức ảnh không ai có… nhưng Nguyễn Đình Toán lại chưa hề có bất kỳ một giải thưởng nào. Ông gần như là nhiếp ảnh gia kỳ cựu duy nhất làng nhiếp ảnh nói "không" với tất cả các cuộc thi, giải thưởng, danh hiệu…

Vì lẽ đó, mới đây, khi nghe tin Nguyễn Đình Toán được trao tặng giải thưởng Đào Tấn – một giải thưởng dành để tôn vinh những nhà văn, họa sĩ, đạo diễn, nghệ sĩ, vở diễn có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức thì ai cũng mừng cho ông. Cái tên Nguyễn Đình Toán được nhiều anh em, bạn bè thân thiết nhắc đến rất nhiều trên mạng xã hội trong những bài viết chia vui đầy cảm động.

Và dù rất ngại ngần bởi trước nay ít khi xuất hiện trên truyền thông và không thích nói nhiều về mình nhưng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cũng đã dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện thân tình. Cuộc trò chuyện cứ kéo dài miên man khi ký ức của nhiếp ảnh gia 78 tuổi đầy ắp những câu chuyện của quá khứ, của hiện tại.

Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên và sửng sốt bởi không nghĩ giải thưởng Đào Tấn mà ông vừa được trao tặng hôm 29/5 vừa qua lại là giải thưởng đầu tiên ông được nhận trong cả đời cầm máy của mình. Ông có nghĩ, mình đã hơi "cực đoan" khi bỏ qua rất nhiều cơ hội để có được những giải thưởng, danh hiệu?

- Đây đúng là giải thưởng duy nhất của tôi từ trước tới nay. Trước nay tôi đều nói "không" với các giải thưởng, cuộc thi, chương trình… về nhiếp ảnh. Cứ ai bảo tôi làm hồ sơ đăng ký giải thưởng này kia là tôi gạt phăng ngay. Tôi cũng không thích người ta phong hạng cho tôi là "vua ảnh chân dung", "thống đốc ngân hàng ảnh văn nghệ sĩ", "nghệ sĩ nhiếp ảnh cây đa cây đề"… gì cả. Lần này, khi được thông báo tôi sẽ được trao giải thưởng Đào Tấn, tôi hơi ngỡ ngàng, thấy có gì đó hơi quá so với những đóng góp của mình.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán: “Tôi thấy có tội với vợ con… khi đã quá mải mê chụp ảnh” - Ảnh 2.

Bức ảnh kỷ niệm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán với vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao và các nhạc sĩ. Ảnh: NVCC.

Tôi không dùng Facebook, không có Zalo nhưng vẫn đọc được những chia sẻ và lời chúc mừng của bạn bè trên mạng xã hội. Tối hôm kia, tôi thức đến tận 1h sáng để đọc hết những bài viết đó. Ngoài ra, tôi cũng nhận được hàng trăm tin nhắn và điện thoại từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp gọi đến chúc mừng. Niềm vui nho nhỏ nhưng đủ khiến tôi cảm động và biết mọi người yêu quý mình tới mức nào.

Thú thật là khi nhận được giải thưởng này, tôi nhớ nhiều về những người bạn vong niên, tri kỷ của mình. Họ là Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Trọng Tạo, Đào Trọng Khánh, Dương Tường… những người mà tôi rất quý mến và trân trọng. Họ chính là nguồn cảm hứng cho tôi thuở mới cầm máy lao theo nghiệp nhiếp ảnh. Nhiều người đã đi xa nhưng những câu chuyện họ chia sẻ hôm qua, những điều tôi được chứng kiến về họ hôm qua và những bức ảnh tôi được chụp họ hôm qua thì tôi vẫn lưu giữ trong ký ức của mình. Tôi biết ơn họ vì đã cho tôi có được những khoảnh khắc không bao giờ có lại được nữa.

Điều mà nhiều người trăn trở đó là ông sở hữu trong tay kho ảnh tư liệu khổng lồ, có những bộ ảnh mà không ai có về chân dung các văn nghệ sĩ, trí thức Hà thành qua nhiều thế hệ và miệt mài cống hiến cho nghiệp nhiếp ảnh nước nhà mấy chục năm qua nhưng lại chưa được tôn vinh xứng đáng. Sự thiệt thòi đó khiến ai cũng cảm thấy chạnh lòng cho ông?

- Tôi chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi bởi một lí do rất đơn giản là tôi làm công việc này vì đam mê, vì yêu thích chứ không phải để đạt được giải nọ, giải kia. Danh hiệu giải thưởng, sự tôn vinh có được cũng quý nhưng không có cũng chẳng sao. Sự yêu quý, trân trọng trong lòng người mới là thứ quý giá nhất đối với tôi. Tôi đến với nghề này thuở ban đầu như thế nào thì bây giờ tôi vẫn tồn tại như thế. Thuở ban đầu của tôi là chụp ảnh các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, dịch giả, nhà báo… mà tôi yêu quý bằng góc máy chân thật nhất rồi lưu lại làm tư liệu. 

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán: “Tôi thấy có tội với vợ con… khi đã quá mải mê chụp ảnh” - Ảnh 3.

Nhà thơ Hoàng Cầm là người mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp nhiều ảnh nhất. Ảnh: NVCC.

Tôi chỉ chụp ảnh chân dung chứ không chụp ảnh phong cảnh. Tôi cũng rất mê chụp ảnh phong cảnh nhưng thời xưa không có điều kiện về máy móc, thiết bị và đi xa nên không chụp được. Chụp ảnh chân dung nhưng tôi cũng có nguyên tắc của mình đó là không chụp theo yêu cầu và không chụp những người không thích chụp. Tôi thích bắt trọn những khoảnh khắc tự nhiên nhất của nhân vật trong một bối cảnh không sắp đặt, không chuẩn bị trước. 

Với những nhân vật tạo cho tôi nhiều cảm hứng như cố nhà thơ Hoàng Cầm, Văn Cao, Nguyễn Trọng Tạo… thì tôi chụp họ không bao giờ biết chán. Tôi thuộc nằm lòng thói quen, nếp sống, tính cách của họ… để từ đó có thể "săn" được những khoảnh khắc rất đặc biệt của họ. Đa số ảnh thờ của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, trí thức… thời bấy giờ là ảnh do tôi chụp. Có một điều tôi rất lấy làm tiếc là do thời đó mải mê chụp ảnh nên có nhiều bộ ảnh chụp xong chưa kịp đem đi tráng và có nhiều người chưa được xem lại những tấm ảnh đó thì giờ họ đã đi xa.

Bao nhiêu năm lăn lộn với nghề này nhưng tôi không thấy mình mất mát gì cả, tôi cũng không thấy mình nghèo mà trái lại được rất nhiều thứ. Tôi có được những người bạn tri kỷ, nghe được những câu chuyện mà không phải ai cũng được nghe, có được những tấm ảnh mang tính lịch sử, có được vô vàn trải nghiệm khác nhau khi cầm máy chụp một người mà tôi yêu quý.

Có chăng, tôi thấy có lỗi với vợ con mình… thậm chí là có tội. Tội đó là không giúp được gì cho họ. Tôi đánh mất bao nhiêu thì giờ, tiền bạc và công sức khi chạy theo nghiệp nhiếp ảnh. Ngày xưa, khi thấy tôi tất bật từ sáng đến tối, bố vợ tôi cứ bảo: "Không biết giờ này ai còn tiếp mà anh ấy vẫn cứ dắt xe đi chụp nhỉ?". Bây giờ, tôi vẫn một xe máy, một máy ảnh và một con người… có mặt ở bất kỳ sự kiện nào tôi yêu thích. Dĩ nhiên, mức độ ít hơn xưa nhiều vì cũng có tuổi rồi, không thể tham được như trước. May mắn là ở tuổi gần 80, tôi vẫn được trời phú cho sức khỏe và sự minh mẫn để có thể tự đi xe máy đến những nơi tôi cần đến, gặp những người tôi cần gặp và bổ sung vào kho ảnh của mình những tấm ảnh mới.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán: Tôi chưa bao giờ lấy tiền của vợ để thỏa thích đam mê

Nghĩ lại, năm 1992, khi rời ngành giao thông về nghỉ hưu, ông chọn một công việc nào đó dễ kiếm tiền hơn, bớt nặng nhọc hơn… thì có lẽ cuộc sống của ông và gia đình đã đỡ vất vả?

- Tôi là lính pháo cao xạ từ năm 1965 đến năm 1987. Năm 1987, tôi xuất ngũ về làm cán bộ của Bộ Giao thông vận tải đến năm 1992 thì nghỉ hưu. Nghỉ hưu, tôi đi làm phóng viên ảnh và chụp ảnh cộng tác với rất nhiều báo. Ban đầu chỉ xuất phát từ đam mê thôi, không nghĩ gì xa hơn cả. Thời đó, tôi nghĩ, kiểu gì mình cũng phải gắn bó với một tờ báo cố định và năm 1993 tạp chí Xưa và Nay thành lập thì tôi gắn bó với tờ báo này. Càng gắn bó với nhiếp ảnh tôi càng yêu nghề này dẫu nó không mang lại cho tôi nhiều tiền bạc. Thời công tác ở tạp chí Xưa và Nay là hoàn toàn không có lương. Tiền nhuận ảnh cộng tác cho các báo cũng không bõ bèn gì so với tiền phim và công tráng ảnh. Ngày xưa chụp bằng máy phim nên để có được tấm ảnh ưng ý cũng khá tốn kém.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán: “Tôi thấy có tội với vợ con… khi đã quá mải mê chụp ảnh” - Ảnh 4.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cùng bạn bè chụp ở Quảng Trị thời trẻ. Ảnh: NVCC.

Được cái, tôi chưa bao giờ lấy tiền của vợ để thỏa thích đam mê của mình. Tôi cứ xoay xở theo kiểu của mình, lấy chỗ này, bù chỗ kia. Đôi lúc cũng hơi chật vật nhưng mình lo được. May mắn là tôi có người bạn thân rất tốt bụng là ca sĩ Lộc Vàng, mỗi khi biết tôi cần đổi máy hoặc mua phụ kiện là anh bạn tôi lại dúi cho một ít. Nhưng cũng vì điều kiện khó khăn nên tôi không có cái máy ảnh nào "xịn" đúng nghĩa, toàn mua kiểu chắp nối, phụ kiện này lắp máy kia. Tính đến nay tôi cũng không nhớ mình đã thay bao nhiêu cái máy ảnh nhưng đúng là nghề chơi này cũng tốn kém lắm.

Có điều, tôi chưa bao giờ mảy may ân hận vì đã theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh. Tôi cũng không thấy mình vất vả gì cả và gia đình cũng chưa hề than phiền vì tôi không mang được nhiều tiền về. Tôi may mắn có vợ là bác sĩ chuyên khoa 2, công tác nhiều năm ở Bệnh viện Phòng không – Không quân, một tay bà ấy lo toan mọi việc trong nhà. Nhà cửa dù hơi chật chội, nhỏ bé… nhưng gia đình sống vui vẻ, đầm ấm cùng các con. Tôi có hai cô con gái, cả hai hiện đang sống cùng vợ chồng tôi ở phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội).

Đã bao giờ ông ngồi lí giải về mối lương duyên mình có được với văn nghệ sĩ, trí thức các thế hệ ở Hà thành, kể từ khi cầm máy theo con đường nhiếp ảnh?

- Những năm đầu của thập niên 90, khi tôi bắt đầu tập tành chụp ảnh, tôi không được ai dạy dỗ gì cả. Tôi cứ tự học, tự chiêm nghiệm và tự rút ra bài học cho bản thân. Sau này, tôi có theo học hỏi nhiếp ảnh gia Võ An Ninh một thời gian ngắn. Tôi luôn nhận mình là người "kém" nhất trong tất cả những người theo nghiệp nhiếp ảnh cùng thế hệ vì máy móc thô sơ nhất, trình độ bập bõm nhất, công nghệ tậm tạch nhất.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán: “Tôi thấy có tội với vợ con… khi đã quá mải mê chụp ảnh” - Ảnh 5.

Bức ảnh chụp nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán bên hành lang Quốc hội. Ảnh: NVCC.

Tôi có may mắn là được quen biết nhiều văn nghệ sĩ, trí thức trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Đa phần trong số họ là những người tài năng, tử tế và yêu văn hóa – nghệ thuật như máu thịt của mình. Thời đó tôi rất hay được đến dự các buổi đàm đạo của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Lúc thì đến nhà ông Phùng Quán, lúc nhà ông Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao… Hồi ông Nguyễn Hữu Đang bị quản thúc ở Thái Bình, tôi còn 5 lần phi xe máy về tận nhà để trò chuyện và chụp hình ông ấy. Đó là thời điểm ông chán nản nhất và sống khép kín nhất nhưng với tôi thì ông luôn rộng cửa đón chào.

Tôi vẫn nhớ, hồi đó tôi giấu vợ mua một chiếc máy quay trị giá hơn 1000 đô la để quay các buổi trò chuyện với các nhân vật. Về sau tôi thấy mình hơi dại dột khi bỏ ngần đó tiền ra mua cái may quay bởi khi quay tôi không chụp ảnh được và quay xong lại không có đầu để xem. Mấy chục cái băng tôi quay hồi đó đều bị hỏng hết do không có thiết bị bảo quản. Cái máy đó sau này tôi bán lại cho một người khác.

Trong những năm tháng chụp các nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm, tôi đã được nghe nhiều câu chuyện từ họ - những câu chuyện mà họ chỉ kể với tôi và tôi nghe xong chỉ cất giữ trong lòng. Phải nói thêm rằng, thời đó, những người trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm sống rất chi khép kín, họ không thích giao tiếp với người ngoài, cho nên để tiếp cận và chụp được ảnh họ là rất khó. Nhưng thời đó, các ông ấy xem tôi như một người em, một người bạn… họ quý tôi, cho phép tôi chụp họ ở mọi góc cạnh mà không một chút đề phòng, e ngại. Bởi lẽ đó mà tôi luôn nhớ về những tháng ngày đó, những gương mặt đó, những con người đó nhất.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.

(Còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem