Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán và chuyện ở xứ Ba Tư

Hoàng Minh Tường Thứ năm, ngày 07/02/2019 16:25 PM (GMT+7)
Trong giới văn chương, báo chí hầu như rất ít người không biết đến Nguyễn Đình Toán - một tay máy thượng thặng, một nghệ sĩ thứ thiệt say mê nghệ thuật nhiếp ảnh đến tận cùng, một ham mê định mệnh, phi lợi nhuận. Được cùng anh xuất ngoại sang xứ Ba Tư, tôi ghi chép vài chuyện thú vị để hầu bạn đọc.
Bình luận 0

Tuổi 72 và chuyến xuất ngoại chính thức đầu tiên

Được ngồi cạnh Nguyễn Đình Toán trên khoang máy bay Airbus 320 của Turkish Airlines  bay từ  sân bay Tân Sơn Nhất, transite qua Nội Bài để đến xứ sở Ba Tư nhằm đặt bia tưởng niệm và vinh danh người có công sáng tạo ra chữ Quốc ngữ - Cha Alexandre de Rhodes, trong dịp giỗ lần thứ 358 của ngài, tôi mừng quá. Tôi và Nguyễn Đình Toán từng công tác với nhau mười năm ở báo Văn Nghệ (1987 - 1997).

img

Lễ tưởng niệm và gắn bia mộ Cha Alexandre de Rhodes (NSNA Nguyễn Đình Toán đứng thứ 3 từ trái qua). 
Ảnh: H.M.T

- Ông biết không, đây là lần đầu tiên tôi xuất ngoại đấy  - Ngồi yên vị cạnh tôi rồi, Toán mới thì thầm - Mà lại xuất ngoại bằng tiền 50 triệu của một người bạn tài trợ mới oách chứ. Họ chuyển tiền qua tài khoản cho tôi, muốn đích thân tôi sang Ba Tư lần này…

Toán nhấn mạnh hai chữ Ba Tư rồi nhìn tôi, nhún vai. Ông không nói Iran mà nói Ba Tư để biểu lộ một cuộc đi, một sự kiện quan trọng. Không quan trọng thì làm sao một Mạnh Thường Quân ở Vũng Tàu dám bỏ hơn 2.000USD để tài trợ cho ông (và hơn 1.000USD cho nhà quay phim trẻ Huỳnh Văn Truyền) đi… chơi. Mà ai chơi, chứ ông Toán chỉ đi để làm việc. Tôi chưa bao giờ thấy Toán chơi bao giờ. Đến bữa tiệc thịnh soạn, người ta chén chú chén anh, ông cứ hùi hụi bấm máy. Đến tiệc cưới con bạn bè, người ta đã có thợ ảnh, thợ quay phim riêng rồi, Toán vẫn xách máy đi, muốn có những tấm ảnh của riêng mình để tặng gia chủ. Cho nên chuyến đi này đối với nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán là chuyện quá linh thiêng.  

- Tôi nghe có nhầm không, 72 tuổi, đây là lần đầu tiên nghệ sĩ Nguyễn Đình Toán đi nước ngoài?

- Thế đấy ông ạ. Gần hết cuộc đời mới được nhìn thấy thế giới. Vậy mà cách đây một tháng…, tưởng không thể đi được, tôi đã hủy vé. Đầu tuần vừa rồi, lại quyết định đi, bị hãng hàng không phạt, bắt đóng thêm năm triệu.

- Đã có người tài trợ, mà sao cứ phải kéo pháo ra kéo pháo vào cho nó khổ cái thân?

- Tôi ao ước được đi chuyến này, nên đã nhận lời, làm thủ tục xin visa và đóng tiền mua vé. Nhưng đúng lúc ấy, vợ tôi quyết định phá dỡ ngôi nhà cũ, xây lại. Một đại tá bác sĩ quân y cỡ như vợ tôi mà lúc nghỉ hưu rồi mới tích cóp đủ tiền xây nhà đấy ông ơi. Tôi chỉ suốt đời ăn bám vợ. Đúng lúc vợ con cần mình làm công việc thổ mộc, lại vác máy rong chơi, thì nhẫn tâm quá. Nhưng đáng lo nhất là cái kho phim ảnh. Mười bao tải. Đã lâu cất trong kho, bây giờ dở ra, nhiều cuộn phim và các tập ảnh đóng cục lại. Sợ khi mình rong chơi ở xứ người thì vợ bực mình, vứt ra hố rác. Thế là lại không dám đi nữa…

img

Tác giả Hoàng Minh Tường và cô gái chạm khắc đồ mỹ nghệ  ở khu chợ Naqshe Jahan. 
Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

- Nghe nói nhà tài trợ sẵn sàng bỏ mười triệu nữa để ông thuê nhà kho cất phim, ảnh, cho đến khi đi Iran về…

- Vâng. Mấy ông bạn văn chương đến ép mình như ép đi quân dịch. Họ bảo mình đi lần này như một sứ mệnh lịch sử… 

Vui chuyện, Nguyễn Đình Toán kể: Thực ra đời ông đã có một lần ra nước ngoài. Đó là lần được đi cùng nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sang Lào cách đây gần hai mươi năm. Nhưng lần ấy hai đứa chỉ bước qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh. Phía bộ đội biên phòng nước bạn mời sang giao lưu văn nghệ một đêm... Rồi  mười năm trước, năm 2008, một doanh nhân người Việt làm ăn ở Đức mời sang thủ đô Berlin dự lễ hội bia. “Đây, cuốn hộ chiếu này đây. Làm để đi Đức đấy…”. Ông mở cuốn sổ bìa xanh, vẫn còn như mới. Bức ảnh hộ chiếu trẻ trung, tóc đen ánh chứ không phải ông già tóc bạc bây giờ. Toán cười chua chát: “Chuyến đi Đức ấy tôi háo hức lắm. Hộ chiếu, visa có rồi. Đã mua vé rồi, ba ngày nữa là bay. Vậy mà sáng hôm đó, đang đi xe máy đến nơi chụp ảnh, thì một thanh niên từ trong ngõ phóng ra, tông vào xe mình. Chiếc xe bị bẹp, còn mình gãy chân, phải vào viện ba tháng ông ạ… Cũng may mà cái sổ hộ chiếu này chưa hết hạn. Và lần này thì không ai làm mình gãy chân…”.

Nhiếp ảnh gia nghiêng sang tôi cả cười.

Dấu ấn nghề và người

Đến Iran, nhưng chúng tôi chỉ dừng ở thủ đô Tehran bốn giờ. Cái đích đến của đoàn là thành phố Isfahan - nơi có ngôi mộ đá của linh mục Alexandre de Rhodes. Nằm trong khuôn viên nghĩa trang của người Armenia theo Kito giáo, ngôi mộ đá mấy trăm năm bị lãng quên, giờ đây tưởng như bỗng có linh hồn, như một thỏi nam châm, có sức hút và sự liên kết tâm linh kỳ lạ. Hai mươi thành viên đoàn hành hương người Việt, do Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng dẫn đầu, ai cũng muốn được chạm tay, được có một tấm hình, có người lặng lẽ gói một nắm cát… Người nằm dưới ngôi mộ đá kia dường như chính là tổ tiên, dòng tộc của nhóm người Việt đột ngột xuất hiện ở nghĩa trang này. Ông là một người Việt tha hương, một người mang dòng máu, tâm hồn Việt, từng và đang ký gửi lại cho họ một thứ gì đó, như  báu vật, như khế ước, như hương hỏa…

Trong khi chúng tôi bình tâm đứng tưởng niệm người dưới mộ, đồng thanh hát  bài “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy và lặng lẽ đặt hoa trên mộ, thì Nguyễn Đình Toán, Huỳnh Văn Truyền vận hết năng lượng, mở hết thiên nhãn và rung động nghệ sĩ để thu vào ống kính những gì không thể bỏ qua. Bộ veston carô màu lông chuột mà Nguyễn Đình Toán trịnh trọng khoác khi rời khách sạn đến đây, từ lúc nào đã bị ông cởi bỏ treo trên cành cây, để ông thỏa sức lăn lê bò toài tìm thế đứng, góc máy thích hợp cho những khuôn hình lịch sử.

  Nghệ sĩ Nguyễn Đình Toán khi quỳ sát đất, lúc vặn mình, lúc dướn cao, bấm liên tục không dời những thao tác, những  góc chân dung mà cả đời không nghĩ rằng lại có những khoảng khắc quý giá này. Tôi định chạy xuống gọi thêm mấy tay máy nghiệp dư trong đoàn, nhưng Toán xua tay ngăn lại...

Sau buổi lễ tưởng niệm và gắn bia mộ Cha Alexandre de Rhodes, chúng tôi có một ngày rong chơi ở cố đô Isfahan thỏa thích.

Isfahan gần như nằm giữa trung tâm đất nước. Từ năm 1598 đến 1722, Isfahan trở thành tân đô lộng lẫy nguy nga của triều Safavid, tiêu biểu cho thời kỳ nền văn hóa, nghệ thuật, công nghệ Ba Tư phát triển phồn thịnh. Hầu hết những nghệ nhân tài hoa người Arap, người Aryan, người Do Thái, người Armenia… khắp các nơi được tuyển chọn về đây, tạo thành những làng nghề thủ công tinh xảo và độc đáo. Ngày nay, thị phần (chiếm tới 65%) hàng thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, thêu, dệt thảm, đồ gỗ, đồ da, trạm trổ vàng bạc…) của toàn Iran tập trung tại đây. Isfahan được UNESCO công nhận là thành phố truyền thống thủ công mỹ nghệ.

Hết ngạc nhiên này đến thán phục khác, khi chúng tôi đi từ vườn và cung điện Chehelsotoun đến quảng trường và khu chợ Naqshe Jahan, trái tim của thành phố. Một quảng trường hình chữ nhật, có hai thánh đường mái vòm đối diện, với hồ nước, bãi cỏ, đường xe ngựa… rộng chừng chục ha, xung quanh được bao bởi bốn “bức tường thành” là liên tiếp những gian hàng cao ba tầng thiết kế giống hệt nhau, bốn phía có nhiều cửa vào chợ, tạo nên mặt tiền khu thương mại. Phía sau bốn dãy mặt tiền là  khu chợ liên hoàn phát triển về nhiều phía với cơ man nào là ngóc ngách, với những mái vòm liên tục, mưa nắng không tới, đủ các chủng loại, từ khu rau quả, thực phẩm, các sạp hoa rực rỡ, khu các loại gia vị, khu thảm len, khu vải vóc, quần áo may mặc, dày dép, khu gốm sứ tinh xảo, khu chạm trổ đồ đồng, đồ bạc, vàng, đá quý, khu đồ cổ. Miên man, kỳ lạ…

Rồi chúng tôi lạc nhau lúc nào không biết, bởi mỗi người, mỗi nhóm bị hút theo những dòng hàng, những ngách chợ riêng. Tôi tháp tùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đi vào phía sau khu chợ, để khám phá chiều sâu của văn hóa thương mại. Thật bất ngờ, ngay sau dãy tạp hóa, nhà hàng cà phê, là khu sản xuất tại chỗ. San sát những xưởng nhuộm thảm, công nghệ bí truyền của những tấm thảm Ba Tư nổi tiếng nghìn năm.

Những người thợ Iran đón tiếp chúng tôi quá ân tình, chỉ cho công nghệ in hoa văn và nhuộm màu với đủ các khuôn mẫu, các quy trình công nghệ. Và trên tầng hai của khu in nhuộm, là khu chạm khắc các đồ mỹ nghệ vàng, bạc, hợp kim. Và kia, phòng chế tác dành riêng cho phụ nữ. Các nàng còn mến khách hơn cả đấng mày râu. Những cô gái khăn trùm đen trễ nải mở ra cả gương mặt đồng trinh, với đôi mắt vời vợi, hun hút, đẹp và quyến rũ hơn cả những thiếu nữ đi dạo ngoài quảng trường. Từng được đi nhiều nước Đông, Tây, tôi đoán chắc rằng, trên thế giới, không đâu trai gái lại đẹp bằng xứ sở Ba Tư này. Đàn ông ai cũng gợi nhớ Ali Baba, còn phụ nữ, người nào cũng xinh đẹp kiều diễm như nàng Scheherazade. Những bàn tay búp măng trắng muốt nhè nhẹ dùng búa nhỏ và chạm, đục, tạo tác những hoa văn tinh xảo...

Nghệ sĩ Nguyễn Đình Toán khi quỳ sát đất, lúc vặn mình, lúc dướn cao, bấm liên tục không dời những thao tác, những  góc chân dung mà cả đời không nghĩ rằng lại có những khoảng khắc quý giá này. Tôi định chạy xuống gọi thêm mấy tay máy nghiệp dư trong đoàn, nhưng Toán xua tay ngăn lại...

Chợt nhớ câu chuyện về nhiếp ảnh gia Võ An Ninh. Có lần ông phục hàng tuần lễ để chụp một dáng cây làm tiền cảnh Tháp Rùa, hồ Gươm lúc rạng đông. Chụp xong bức ảnh ưng ý nhất của mình, ông sai người cưa cái nhành cây mà ông đã chụp để không ai có được bức ảnh Tháp Rùa như của ông nữa… Tôi hiểu ý Nguyễn Đình Toán. Ông đã có những bức ảnh thiếu nữ Iran đang chạm khắc mĩ nghệ ở Isfahan độc nhất vô nhị mà có lẽ không nhà nhiếp ảnh tài ba nào trên thế giới chụp được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem