Nhiệt độ giảm sâu, nông dân Thái Nguyên chủ động che chắn, chuẩn bị thức ăn dự trữ cho đàn vật nuôi
Nhiệt độ giảm sâu, nông dân Thái Nguyên chủ động che chắn, chuẩn bị thức ăn dự trữ cho đàn vật nuôi
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ tư, ngày 24/01/2024 05:26 AM (GMT+7)
Để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi, bà con tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chủ động các phương án phòng chống rét từ những ngày trước đó.
Những ngày này, thời tiết trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên chịu ảnh hưởng mạnh bởi đợt không khí lạnh tăng cường khiến nền nhiệt giảm sâu, trời rét đậm, rét hại, có nơi nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 0 độC. Tại Thái Nguyên, trong ngày 23/1, nhiệt độ dao động ở mức 9 – 11 độC.
Trước tình hình trên, các ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên cùng các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo duy trì ổn định sản xuất.
Gia đình anh Phạm Thanh Tùng (xóm Trại, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đang tích cực thực hiện các phương án chống rét cho đàn gia cầm của gia đình mình.
Theo anh Tùng, gia đình anh có quy mô chăn nuôi gà khá lớn nên rất chú trọng chống rét cho đàn vật nuôi. Thay bằng việc chăn thả như mọi khi, những ngày nhiệt độ giảm mạnh, gia đình anh chủ động cho gà vào chuồng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và sưởi ấm cho gà, đảm bảo nhiệt độ thích hợp, đủ ấm để gà không bị chết rét.
Bên cạnh việc che chắn cho đàn gia súc, gia cầm khỏi rét, nhiều hộ còn trồng cỏ để dự trữ thức ăn nhằm chống đói cho vật nuôi của gia đình.
Hộ ông Trần Thanh Thuyết (xóm Mỏn Hạ, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyêm) hiện duy trì đàn dê ở mức trên 1.000 con. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê, đặc biệt trong những ngày giá rét, gia đình ông đang trồng cỏ voi trên diện tích hơn 4 mẫu. Bởi vậy, dù thời tiết giá lạnh kéo dài, gia đình vẫn đảm bảo đủ lượng thức ăn phục vụ cho đàn dê.
Còn gia đình ông Kiều Văn Sơn (xóm Xuân Lai, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) dù chỉ nuôi 3 con bò, nhưng cũng rất chú trọng chống đói, chống rét cho đàn vật nuôi.
"Thường ngày gia đình tôi hay chăn thả ngoài đồng, tuy nhiên mấy ngày hôm nay do thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp nên chúng tôi chỉ nhốt bò trong chuồng, cắt cỏ về cho bò ăn. Ngoài ra, tôi còn che bạt xung quanh chuồng trại để tránh gió, giúp bò ấm hơn, không bị lạnh" - ông Nam cho biết.
Gia đình anh Ngô Văn Lý (xóm La Mạ, xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) hiện cũng có 5 con bò và 1 con trâu. Ngay từ đầu tháng 10, anh Lý đã chủ động mua lưới bạt về để che chắn chuồng trại.
Anh Lý cho biết, do đất sản xuất của gia đình hạn chế không thể trồng cỏ làm thức ăn cho trâu bò nên cứ khoảng 2 – 3 ngày vợ chồng anh lại đi cắt cỏ và kiếm lá cây về cho trâu bò ăn. Bên cạnh đó, để đề phòng thời tiết rét đậm, rét hại, không thể đi lấy cỏ được, gia đình anh còn tích trữ cỏ khô, rơm và cám ngô cho trâu bò. Ngoài ra, gia đình anh Lý còn trồng thêm 3 sào ngô vụ đông để khi cần thiết có thể cắt cho trâu bò ăn.
Cùng với các biện pháp chủ động, tích cực của người dân, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên cũng ban hành văn bản gửi các địa phương để tuyên truyền đến bà con.
Ngày 20/1, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thuỷ sản Thái Nguyên đã có văn bản về việc tăng cường công tác phòng chống, đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt việc phòng chống đói, rét và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thuỷ sản, nhất là các gia súc lớn (trâu, bò).
Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thuỷ sản Thái Nguyên đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, thuỷ sản.
Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát; không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống ≤ 12 độ C); áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm; giữ khô nền chuồng, che chắn gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi...) sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra; khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời; chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vắc xin cho đợt tiêm phòng gia súc trong vụ đông xuân.
Cùng với đó, các địa phương cần chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi về thức ăn tinh, vật liệu che chắn chuồng trại chống gió lạnh, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ chính sách...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.