Nghề chọn người
Nghệ nhân điêu khắc Phạm Minh Tuấn (sinh năm 1968) - Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ thuật Tuấn Thiện ở xã An Tiến là thầy dạy nghề của hàng ngàn người. Nhớ về con đường khởi nghiệp của mình, anh khẳng định "nghề điêu khắc chọn tôi".
|
Anh Phạm Minh Tuấn hướng dẫn thợ làm nghề. |
Năm 20 tuổi, anh Tuấn đam mê nghề cơ khí và đã chọn học ngành cơ điện, nhưng khi ra trường, anh lại về làm ở lò đúc đá của ông ngoại. Ngày đó chưa biết gì về nghề đục đẽo, anh Tuấn chỉ đục cái cối, cái chày chơi chơi vậy thôi. Càng làm, anh lại thấy càng mê nghề và quyết theo nghề của ông ngoại từ năm 1990. Nhưng đó lại là những năm khó khăn nhất của nghề điêu khắc đá. Khi đó, An Lão không có ai làm nghề này nên việc một mình anh tự thân tự lực khôi phục nghề truyền thống quả thực không hề dễ chút nào. Càng khó thì anh càng quyết tâm mày mò và sống chết với nghề. Anh đã cắp đục, cắp khoan lên Hà Nội học nghề điêu khắc ròng rã 5 năm trời. Năm 2000, anh tốt nghiệp cử nhân Mỹ thuật của Đại học Mở. Năm 2003, anh thành lập một công ty cổ phần chuyên chế tác các hình tượng mỹ thuật cũng như các bia lăng mộ, các hình khối tượng thờ và kiến trúc đá đặt ở các đình, chùa...
Giờ đây, bất kỳ ai đi qua Quốc lộ 10 thuộc địa phận huyện An Lão cũng thấy một xưởng chế tác đá mỹ thuật đồ sộ ngay cạnh đường. Anh Tuấn bảo đấy là cơ sở lớn nhất (rộng khoảng 10.000m2) của anh ở An Lão. Ngoài ra, anh còn có 2 cơ sở nhỏ khác ở huyện An Dương và quận Kiến An. Đôi lúc, anh như bị phân thân làm ba, khi thì lăn lộn với thợ ở xưởng này khi thì ở xưởng kia, khi thì đi chọn đá, khi thì ẩn mình sáng tạo những tác phẩm điêu khắc mới. Một số tác phẩm để đời trong sự nghiệp của anh là "Tơ lòng" trong Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2005, "Đợi" tại trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở Phú Thọ năm 2005 và chân dung lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh...
Truyền hết tâm huyết
"Bất kể ai vào đây mình cũng nhận, đôi khi có cả người tàn tật mình cũng sẵn sàng truyền nghề cho họ. Dễ trước, khó sau không có gì là không làm được chỉ cần yêu nghề là được"- anh Tuấn bảo.
Vì sự hào sảng ấy, rất nhiều người chẳng kể thanh niên mà cả phụ nữ trong làng, trong huyện và cả các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng... cũng tìm về xưởng đá của anh để học nghề. Anh Tuấn kèm cặp cho thợ từ chỗ dễ đến khó, cho họ làm từ việc giản đơn nhất là đánh ráp rồi tùy sở trường của từng người để hướng cho họ phát triển tay nghề một cách tốt nhất. Anh quan niệm, anh biết gì thì thợ cũng phải biết đấy, bởi anh không chỉ là người nghệ sĩ mà còn là một người làm kinh tế nên thợ càng làm ra sản phẩm đẹp thì công ty càng phát triển.
Sự đóng góp quan trọng hơn cả là anh Tuấn chính là người đi đầu trong việc khôi phục và thúc đẩy phát triển làng nghề đá Núi Voi ở huyện An Lão. Anh Tuấn dự tính làng nghề này có thể phát triển lên 150 cơ sở. Anh đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề đá An Lão.
Hàng ngàn thợ đã học nghề của anh, không ít người thợ lành nghề đã về các nơi thành ông chủ, bà chủ. Đó là các xưởng chế tác đá của chị Phạm Thị Cúc (Bắc Giang), xưởng của anh Hoàng Ân (Hà Trung, Thanh Hóa)...
Dịp giáp tết này, công nhân ở công ty anh lên đến trăm người. Từ những người phụ nữ đến người tàn tật cũng có thể làm được, thậm chí họ mang tượng về để đánh ráp, quét sơn. Lương trung bình của thợ đá là 6 triệu đồng. Anh Trần Văn Chiến (ở Tây Sơn, Kiến An) về xưởng của anh Tuấn học nghề và làm ở đây đã được 10 năm. Anh Chiến chia sẻ: "Em được anh Tuấn truyền nghề và tạo điều kiện cho đi học lớp mỹ thuật điêu khắc 5 năm. Em may mắn vì có thầy dạy như anh Tuấn. Hiện giờ lương của em là 12 triệu đồng/tháng".
Những thanh niên như Phạm Thanh Hùng (24 tuổi) ở Tứ Kỳ, Hải Dương và Huỳnh Công Hồng (26 tuổi) ở Đà Nẵng cũng về học nghề và làm nghề với số lương 10 triệu đồng mỗi người. Những người đến từ quê xa thì được anh Tuấn tạo điều kiện cho ăn ở ổn định. Ngay trong xưởng chế tác đá có dãy nhà 4 phòng là nơi ăn ở của cả nghệ nhân với thợ cả, thợ phụ.
Bùi Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.