Nhiều cam kết vực dậy vùng cao Tây Bắc

Thứ tư, ngày 03/04/2013 16:04 PM (GMT+7)
Dân Việt - Phải có hành động, dự án cụ thể để phát huy tiềm năng của khu vực Tây Bắc chứ không chỉ dừng lại ở khâu nghiên cứu. Những thế mạnh của Tây Bắc sẽ được tập trung phát triển gồm nông nghiệp, du lịch, kinh tế cửa khẩu, khai khoáng…
Bình luận 0

Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013 diễn ra tại Tuyên Quang sáng 3.4 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc và nhiều bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh và hơn 200 doanh nghiệp. Hội nghị cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc vực dậy khu vực Tây Bắc.

 img
Trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp tại Hội nghị.

Hạ tầng đi trước một bước

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đi thẳng vào vấn đề khi cho rằng, tiềm năng, vị trí quan trọng của Tây Bắc được nói đến nhiều nhưng điều quan trọng là khai phá tiềm năng đó như thế nào. “Tây Bắc lợi thế nhiều nhưng khó khai thác. Mặt khác, không dễ gì thu hút đầu tư trong giai đoạn khó khăn như hiện nay” – Bộ trưởng Vinh nói.

Ông Vinh cho rằng, điều đầu tiên cần làm là phát triển giao thông để “kéo” Tây Bắc gần với Thủ đô, với khu vực trọng điểm kinh tế đồng bằng sông Hồng hơn. Điều này cũng được chính các nhà đầu tư “than vãn” bằng những hình ảnh rất cụ thể như hàng hóa sản xuất nhưng ứ đọng, đội giá vì vận tải khó khăn; thậm chí những doanh nghiệp dưới xuôi lên Tây Bắc đầu tư cũng e ngại vì “mỗi lần lên Tây Bắc đường vòng vèo, lên đến nơi là thấy đau lưng”.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thừa nhận, dù ngành giao thông đã nỗ lực nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều tuyến đường huyết mạch của Tây Bắc chưa thông suốt, nhiều xã chưa có đường đến trung tâm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng đã đưa ra những cam kết cụ thể: Cuối năm 2013 sẽ thông toàn tuyến Hà Nội – Lào Cai và tuyến Hà Nội - Thái Nguyên. Việc kết nối các tỉnh với tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh cũng đang được tính toán.

Ngoài ra, hàng loạt dự án cũng được người đứng đầu ngành giao thông hứa sẽ triển khai sớm tại Tây Bắc như: Nâng cấp đường sắt Hà Nội – Lào Cai (2015), đẩy nhanh việc cải tạo, nâng cấp các quốc lộ 2, 3, 6, 32, cải tạo cảng Việt Trì... Hiện Bộ GTVT cũng đã trình Chính phủ kế hoạch phát triển giao thông vận tải Tây Bắc đến 2020, tầm nhìn 2030.

Để thực hiện, ông Thăng đề nghị Chính phủ, các địa phương ủng hộ và triển khai việc doanh nghiệp tham gia bằng nhiều hình thức để xây dựng đường giao thông, kể cả quốc lộ và những dự án nhỏ để đẩy nhanh tiến độ.

Cần giải pháp đột phá

Chủ tịch ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà cho rằng, cần phải có những giải pháp đột phá chứ không thể cứ nói nghiên cứu rồi 5 năm sau không có thay đổi gì. Với Tây Bắc cần có giải pháp đặc thù, khác biệt. Chẳng hạn, nếu xây dựng đường giao thông thiếu vốn có thể áp dụng cơ chế đổi quyền khai thác khoảng sản để làm đường; thậm chí với du lịch phải cho phép Tây Bắc xây dựng casino, khu vui chơi giải trí mới thu hút được khách.

Bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, Chủ tịch tập đoàn TH mang đến hội nghị một nguồn cảm hứng mạnh mẽ về phát triển nông nghiệp ở Tây Bắc. Khi thực hiện dự án bò sữa tại miền Tây xứ Nghệ, bà đã đề nghị Chính quyền tỉnh Nghệ An kiểm soát việc phát triển các dự án xây dựng, công nghiệp hai bên đường Hồ Chí Minh và dừng các dự án khai thác khoáng sản nhỏ lẻ để dành đất cho pháp triển nông nghiệp.

Hiện tại, ngoài dự án bò sữa với thương hiệu sữa TH true MILK mang lại doanh thu 3.500 tỷ vào năm 2012 và dự kiến khoảng 4.200 tỷ vào năm 2013, tập đoàn này sẽ triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như trồng dược liệu để sản xuất thực phẩm chức năng, hương liệu; trồng rau củ quả xuất khẩu; trồng và chế biến gỗ… “Việc phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao sẽ phát huy lợi thế đất nước, giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu. Nếu coi những lời nói của tôi là ước mơ thì chúng ta hãy cố gắng biến những ước mơ đó thành sự thật”.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp nông nghiệp đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương cần hỗ trợ, thậm chí là “lôi kéo” doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án, đặc biệt là các chính sách về tập trung đất đai, phát triển vùng nguyên liệu và ưu tiên về vốn.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho các bộ ngành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Bắc.

Doanh nghiệp hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng

Trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực Tây Bắc đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 16 dự án tại 8 tỉnh. Các ngân hàng cũng đã cam kết đầu tư cho 15 dự án tại Tây Bắc với tổng số vốn hơn 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt, 113 doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội các tỉnh Tây Bắc với tổng số tiền hơn 543,6 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem