Nhiều cản ngại với “mụ vườn”

Thứ tư, ngày 21/11/2012 06:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngành y tế nói chung và Hà Giang nói riêng đang tìm cách đưa các cô đỡ thôn bản - “mụ vườn” tới tận nhà sản phụ, nhưng còn rất nhiều vướng mắc...
Bình luận 0

Khó tuyển người phù hợp

Việc đào tạo cô đỡ thôn bản- những “bà mụ vườn” được UBND tỉnh Hà Giang và một số tổ chức phi chính phủ thực hiện từ năm 2007 đến nay. Tiêu chí tuyển chọn tưởng chừng đơn giản: Phải là người địa phương, biết tiếng Kinh, có gia đình, biết đọc biết viết, có uy tín… hóa ra lại là cả một công cuộc sàng lọc, lựa chọn rất khó khăn của các cán bộ thôn, xã và ngành y tế.

img
Các “bà mụ” chăm sóc sản phụ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Giang.

“Có em được chọn tiếng Kinh nghe nói chỉ bập bẹ, có em thì vận động mãi chồng cũng không cho đi, rồi có em đi được vài ngày nhớ con quá lại bỏ về, thành ra lớp đào tạo cô đỡ thôn bản mà có đến gần một nửa là… nam giới” – bác sĩ Trần Thị Hồng Điệp - Trưởng hộ sinh, khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Hà Giang cho biết.

Cũng theo bác sĩ Điệp, việc lựa chọn được người học đã khó, đào tạo được lại càng khó hơn khi trình độ, nhận thức của đồng bào dân tộc còn thấp. “Sau một khoá đào tạo, chúng tôi chỉ mong các em làm được việc tiếp cận sản phụ, phát hiện thai phụ có nguy cơ đẻ khó, động viên và tuyên truyền họ xuống trạm đẻ… chứ không mong các em trực tiếp đỡ đẻ được”.

Hiện tại, tại các thôn, bản, ngoài cô đỡ còn có một lực lượng khác “chuyên nghiệp” hơn là cán bộ y tế thôn bản. Bình thường, các cán bộ y tế thôn bản này “kiêm” luôn cả đỡ đẻ và được hưởng phụ cấp hàng tháng là 200.000 đồng. Nhưng khúc mắc lại ở chỗ, gần như 100% cán bộ y tế thôn bản là nam giới nên việc tiếp cận sản phụ là vô cùng khó khăn do phong tục của người Mông.

Anh Thào Xìa Xá (xã Ma Lé, huyện Đồng Văn) đã học xong khóa đỡ đẻ 3 tháng mà vẫn chưa một lần được trực tiếp đỡ đẻ. Anh Xá cho biết: “Mình biết nhà có người sắp đẻ thì tự đến thôi, không ai gọi cả. Đến đó có giúp được người nhà cái gì thì giúp chứ người ta không cho đỡ. Vận động nhiều rồi, bao nhiêu ca đẻ nhưng vẫn chỉ… đứng nhìn thôi”.

Nhận lương bằng… ngô!

Một trong những trở ngại khác khiến cô đỡ thôn bản khó gắn bó với nghề là không có chế độ hỗ trợ hàng tháng.

Như đã đề cập, lực lượng y tế thôn bản là nam nên không thể tiếp cận phụ nữ mang thai, trong khi ở Hà Giang, cô đỡ thôn bản - lực lượng có thể trực tiếp “làm việc” với sản phụ lại chưa có mã ngành, chưa có tên trong ngạch lương, vì vậy phụ cấp cho đội ngũ này hoàn toàn không có. Được cử đi học lớp cô đỡ, chị Vừ Thị Má (Cán Chu Phìn, Mèo Vạc) vừa mừng vừa băn khoăn: “Mình chỉ biết đi học về giúp chị em thôi, chứ không biết sau này có được hỗ trợ tiền, gạo nuôi con không?”. Cô đỡ Nguyễn Thị Tình (xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh) thì đã đi làm được 6 tháng và làm… không công nên cũng bắt đầu nản.

Bà Hoàng Thị Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết: “Trước mắt tỉnh chỉ có thể tập trung hỗ trợ cho đội ngũ y tế kiêm cô đỡ thôn bản để thực hiện việc chăm sóc y tế ở địa phương. Còn với lực lượng chỉ làm cô đỡ thôn bản thì cần có chính sách hỗ trợ dài hơi của Nhà nước”.

Ông Hoàng Quốc Cứ - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y tế Hà Giang – đơn vị tổ chức các lớp đào tạo cô đỡ thôn bản trăn trở: “Nhiều cô đỡ về bản làm việc được một thời gian rồi… bỏ việc vì không được hỗ trợ trong khi công việc phải đi lại nhiều, đường đi rất khó khăn. Có những nơi, xã còn trả công cho cô đỡ bằng ngô, khoai hàng tháng”.

Để cố gắng duy trì đội ngũ “mụ vườn” ở những địa bàn khó khăn nhất tại Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Xí Mần… Tổ chức phi chính phủ Plan cũng trích hỗ trợ mỗi ca đỡ đẻ thành công của cô đỡ là 50.000 đồng và 25.000 đồng cho một lượt thăm khám cho sản phụ hàng tháng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này vẫn vô cùng “khiêm tốn” so với công sức những mụ vườn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem