Nhiều chủ đầu tư tại TP.HCM tái khởi động dự án để huy động dòng tiền từ khách hàng
Nhiều chủ đầu tư tại TP.HCM tái khởi động dự án để huy động tiền từ khách hàng
Gia Linh
Thứ ba, ngày 30/05/2023 17:32 PM (GMT+7)
Nguồn tiền vẫn đang là vấn đề sống còn với nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM. Hiện một số doanh nghiệp phải tìm cách tái khởi động dự án để thu hút dòng tiền từ khách hàng đóng theo tiến độ xây dựng.
Từ cuối 2022 đến hết quý I/2023, thị trường TP.HCM hầu như không có doanh nghiệp nào chào bán các sản phẩm mới ra thị trường. Để tồn tại, nhiều chủ đầu tư phải cắt lương, giảm nhân viên thậm chí đóng cửa nhiều công ty môi giới bất động sản, để tập trung tài chính duy trì cho bộ máy chính.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, từ đầu quý II/2023, những chính sách phát triển thị trường bất động sản đang được xem xét, ngân hàng cũng nới lỏng cho vay. Cộng với đó, thanh khoản ở một số phân khúc như đất nền, nhà phố đang dần trở lại khiến cho thị trường sôi động.
Theo báo cáo thị trường của DKRA Group, quý II/2023 là giai đoạn quan trọng, một trong những "bước chạy đà" của năm, nhiều doanh nghiệp đã chào bán nhiều sản phẩm cũng như tái khởi động lại các dự án, nhằm kích cầu thị trường.
Ghi nhận thực tế, nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM đang tái khởi động. Đơn cử, chung cư Cô Giang (Grand Manhattan, phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM) đang được chủ đầu tư cho thi công trở lại sau một thời gian chờ pháp lý và dòng tiền. Grand manhattan là một trong các dự án được UBND thành phố gỡ vướng.
Một dự án khác cũng vừa được tái khởi động là Chung cư Cửu Long (De La Sol) trên địa bàn quận 4, TP.HCM. Đây cũng là một trong những dự án được UBND TP.HCM xem xét gỡ vướng, đã chính thức tổ chức bán hàng trở lại sau bao năm bất động.
Trên địa bàn TP.HCM hiện nay, nhiều chủ đầu tư cũng chào bán các sản phẩm mới đến khách hàng, như dự án MT Eastmark City (chủ đầu tư Điền Phúc Thành); dự án Moonlight Avenue TP.Thủ Đức (chủ đầu tư Hưng Thịnh Group)...
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, thời gian qua, doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu lên - có nơi chiết khấu gần 50%, nhưng vẫn rất khó bán được hàng, vì hầu như không có người mua. Nhưng hiện nay, thị trường ấm dần lên và đây cũng là cơ hội "chạy nước rút" cho doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư.
Dòng tiền được lưu thông
Đại diện một tập đoàn lớn tại TP.HCM cho biết nhờ những chính sách mới, tháo gỡ của UBND TP.HCM và ban ngành, các dự án bất động sản bắt đầu tái khởi động, thị trường bất động sản dần trở lại thì dòng tiền được lưu thông.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Giám đốc kinh doanh Phú Đông Group, cho rằng thị trường vừa trải qua một thời kỳ "đồng tiền dễ dãi", huy động vốn cực kỳ dễ với mặt bằng lãi suất thấp. Khi các kênh huy động được kiểm soát kỹ lưỡng hơn, lãi suất tăng cao thì đương nhiên các loại tài sản sẽ vận động tỷ lệ nghịch và đi xuống.
Hiện tại, thị trường bất động sản đang điều chỉnh để phát triển bền vững hơn. Bởi khi thị trường phát triển đến một mức độ nào đó, sẽ xuất hiện những lỗ hổng cần có thời gian khắc phục và hoàn thiện.
"Bất động sản là lĩnh vực xương sống và phức tạp, có quan hệ mật thiết với rất nhiều ngành nghề khác. Nếu thị trường này đình trệ, sẽ kéo theo sự khó khăn của hàng loạt thị trường liên quan. Chính vì thế, những giải pháp quyết liệt và hiệu quả để thị trường sớm hồi phục, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế là điều cần thiết", bà Thảo nói.
Cũng theo giám đốc kinh doanh của Phú Đông Group, hiện nay việc các doanh nghiệp tái khởi động dự án, bán dự án mới ở thời điểm trên là hợp lý và có kỳ vọng.
Việc nhìn thấy được chủ đầu tư đang phát triển, xây dựng dự án cũng sẽ giúp nhà đầu tư an tâm hơn để bỏ tiền ra mua sản phẩm. Khi có dòng tiền đổ vào bất động sản, nhiều ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, sản xuất... cũng sẽ được đặt hàng và phát triển theo dây chuyền, kích cầu nền kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.