Nhiều dự án bất động sản không được cấp phép có phải do tâm lý "sợ sai"?

Thái Nguyễn Thứ ba, ngày 07/02/2023 06:00 AM (GMT+7)
Việc nhiều tỉnh, thành không cấp giấy tờ xét duyệt hồ sơ khiến các dự án bất động sản không thể triển khai, điều này gây tác động rất lớn đến doanh nghiệp. Các chuyên gia nhận định để giải quyết tình trạng này cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, qua đó sẽ tạo nguồn cung mới cho thị trường.
Bình luận 0

Dự án bất động sản "đóng băng" do hệ thống pháp luật chồng chéo

Theo thống kê, tại Hà Nội hiện có khoảng 400 dự án bất động sản "treo", chờ thủ tục pháp lý nhiều năm chưa triển khai, trong khi tại TP.HCM có hơn 350 dự án cũng đang trong tình trạng "bất động", hầu hết là các dự án đã quá 3 năm nhưng chưa thu hồi hoặc chưa hoàn thành thu hồi đất.

Trong số các dự án bất động sản này, vướng mắc chủ yếu là về phương án giá bồi thường, mặc dù hàng năm thành phố đều ban hành quyết định "hệ số điều chỉnh giá đất" cao hơn từ 4 - 35 lần giá đất trong bảng giá đất để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các "dự án treo" này đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân có đất bị thu hồi, đặc biệt gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án bất động sản mới thời gian qua không được các tỉnh, thành phê duyệt là bởi trên một dự án có nhiều loại quyền sử dụng đất khác nhau, được vận hành theo các khung pháp luật khác nhau.

Nhiều dự án bất động sản không được cấp phép có phải do tâm lý "sợ sai"? - Ảnh 1.

Nhiều dự án bất động sản chậm triển khai do vướng mắc pháp lý (Ảnh: TN)

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận pháp luật đang là lực cản rất lớn cho thị trường bất động sản nhà ở. Thậm chí, các thuật ngữ pháp lý chưa rõ ràng, khó hiểu, thậm chí mỗi luật dùng một từ ngữ khác nhau. Điều này khiến khâu thực thi pháp luật thiếu hiệu lực, hiệu quả.

"Tâm lý cán bộ rất ngại phê duyệt bởi vì tai nạn quản lý rất dễ xảy ra, làm cho TP.HCM và Hà Nội gần như không có dự án mới. Nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản, họ bức xúc bởi tiền bỏ vào rất nhiều nhưng dự án cứ nằm đấy không được phê duyệt. Có những tỉnh còn thu hồi lại đất vì phát hiện ra quyết định giao đất có vấn đề", GS. Võ cho biết.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định các quy định pháp lý và trình tự thủ tục liên quan đến đất đai, dự án bất động sản chưa giải quyết tháo gỡ do chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa các đạo luật chuyên ngành liên quan đến thị trường bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nhận định do vướng mắc pháp lý nên thị trường bất động sản phát triển chưa minh bạch, thiếu an toàn. Trong đó, vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.

Giải quyết vướng mắc thủ tục cấp phép dự án bất động sản sẽ tạo nguồn cung nhà ở

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản "đóng băng", các chuyên gia cho biết cần rà soát, xử lý các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai. Cùng với đó, phân loại các dự án bất động sản được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội.

GS-TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận định cơ quan ban ngành cần khẩn trương có kết luận các dự án bất động sản đã và đang rà soát thủ tục pháp lý để các dự án sớm được triển khai, nhất là các dự án lớn.

"Chính phủ cần đẩy nhanh thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ ngay các vướng mắc khó khăn về pháp lý của các dự án bất động sản tại các địa phương để tạo cú hích và sự lan tỏa. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh việc chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất cho thuê đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất... nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất để sớm đưa các dự án vào triển khai, tăng nguồn cung cho thị trường", ông Chương chia sẻ.

Nhiều dự án bất động sản không được cấp phép có phải do tâm lý "sợ sai"? - Ảnh 2.

Nhiều dự án bất động sản chậm hoàn thiện khiến nguồn cung nhà ở liên tục thiếu hụt.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất trong thời gian chờ sửa đổi các luật liên quan tới bất động sản, Chính phủ cần hành động nhanh chóng tháo gỡ với những cơ chế đặc thù cho các dự án bất động sản đang "nằm chờ" phê duyệt do vướng mắc thủ tục pháp lý tại các địa phương.

Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM kiến nghị trong lúc chờ Luật Đất đai và một số luật liên quan, trong đó có Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực, Chính phủ cần xem xét ban hành ngay "dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng" và "dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai", để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án bất động sản.

"Vướng mắc thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản. Thậm chí, việc này làm mất cơ hội kinh doanh và tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp có nguyên nhân do một số quy định pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất, nhưng cũng có nguyên nhân do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định", ông Châu kiến nghị.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem