PGS-TS Trần Thị Thanh - Trưởng khoa Cơ khí công nghệ, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết, ngành Cơ khí chế biến nông sản - thực phẩm là một trong những ngành đào tạo truyền thống của trường. Từ 1998 đến nay đã có trên 500 sinh viên ngành này tốt nghiệp, 100% có việc làm ngay sau khi ra trường.
|
Thí sinh dự thi vào ĐH Công nghiệp TP. HCM 2011. |
Nhu cầu nhân lực ngành này sẽ còn rất lớn trong tương lai, vậy mà khoa vẫn gặp khó khăn về đầu vào. Ngành Phát triển nông thôn và khuyến nông của trường cũng vậy, mặc dù được tài trợ học bổng, miễn giảm học phí, nhu cầu xã hội rất lớn, điểm chuẩn tính từ sàn nhưng thí sinh vẫn thờ ơ.
Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, các ngành học như đóng tàu, nông, lâm, thủy sản, bảo hiểm, cơ khí… là những ngành nghề còn “khát” nhân lực. Bên cạnh đó, những ngành có lợi thế của VN như điện tử, cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành... cũng sẽ tiếp tục phát triển.
Ngược lại, những ngành đang sử dụng nhiều lao động như xuất khẩu có khả năng sẽ chững lại do khủng hoảng kinh tế, và một số yếu tố khác như phải tăng khả năng cạnh tranh về lao động rẻ, chi phí thấp. Thế nhưng, dường như thí sinh khi chọn trường thi lại không quan tâm tới những dự báo này nên nhiều ngành học có nhu cầu nhân lực cao lại khó tuyển sinh.
Cụ thể như mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 vừa qua, tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, hàng loạt ngành cơ khí như điện công nghiệp, công nghệ tự động, cơ khí ôtô, chế tạo máy, kỹ thuật nhiệt, điện lạnh, điện tử viễn thông… điểm tuyển sinh chỉ quẩn quanh mức 15-16 điểm mà không tuyển đủ, phải lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh bằng nguồn xét tuyển NV2 với mức điểm tuyển bằng NV1.
Từ thực tế này, thạc sĩ Trần Đình Lý (Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) tư vấn: “Lưu ý là một số ngành hiện có tiền lương cao nhưng sau 5 năm nữa nhu cầu xã hội sẽ ít đi nên tôi khuyên các em lắng nghe các dự báo về nhân lực, việc làm; lựa chọn trường vừa sức mình để vào được trường ĐH phù hợp, tìm được việc làm tốt khi ra trường”.
Thanh Tàu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.