Nhiều 'ông lớn' bất động sản tiếp tục 'than khó' về chính sách đất đai

Minh Khôi Thứ hai, ngày 19/07/2021 18:36 PM (GMT+7)
Từ cuối năm 2019 khi thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn chính sách đất đai thế nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thể "quẳng gánh lo đi" mà yên tâm làm dự án.
Bình luận 0

Trong hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc tới thị trường bất động sản, buộc nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản rơi vào thế bị động.

Ngay cả với các "ông lớn" trong ngành, có tiềm lực tài chính mạnh cũng phải đối mặt với một năm kinh doanh đáng quên. Đặc biệt, trong những đợt bùng phát đại dịch, các doanh nghiệp môi giới bất động sản chính là đối tượng chịu thiệt hại nặng nhất, hàng nghìn doanh nghiệp đã bị phá sản.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có gần 1.000 doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể. Con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng khi diễn biến bùng phát dịch gần đây chưa có dấu hiệu kiểm soát cơ bản.

Nhiều 'ông lớn' bất động sản tiếp tục 'than khó' về chính sách đất đai - Ảnh 2.

Thị trường bất động sản đang đối diện nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đang mong chờ bất cập trong chính sách đất đai được giải quyết. (ảnh M.K)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP.Invest chia sẻ, bất động sản là ngành nghề kinh doanh chịu sự chi phối bởi rất nhiều bộ luật, tính tới 12 luật chi phối, ví dụ như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,... Khi thực thi theo luật này, doanh nghiệp lại gặp vướng mắc do chồng chéo, xung đột với luật khác, trong khi doanh nghiệp rơi vào cảnh "rối như tơ vò" thì thường không có cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết xung đột do mỗi bộ luật lại thuộc đơn vị quản lý khác nhau, khiến doanh nghiệp rơi vào bế tắc.

"Không phải doanh nghiệp họ kêu, họ nói, họ không làm rồi đổ lỗi cho cơ chế, mà đều có những kiến nghị cụ thể từ trải nghiệm thực tế. Nhưng quá trình chuyển kiến nghị, đề xuất lên các cơ quan quản lý cũng như khâu giải quyết vẫn còn chậm", ông Hiệp nhận định.

Để tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho hay: "Để việc phục hồi nhanh hơn cho các doanh nghiệp ở năm sau hay các năm tới thì những rào cản cần được giải quyết rốt ráo nhất. Đặc biệt, cần đề cao tính thực thi của các chính sách cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp rất cần trợ lực thêm từ Chính phủ thông qua việc tháo gỡ rào cản chính sách giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực trong thời gian sắp tới".

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HDMon Holdings cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần có sự điều chỉnh kịp thời giá của vật liệu xây dựng hiện đang tăng đột biến. Bởi theo ông Tuấn, nếu giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng, sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nhu cầu khách hàng trong khi nghịch lý là đang trong thời điểm dịch bệnh khó khăn.

Nhiều 'ông lớn' bất động sản tiếp tục 'than khó' về chính sách đất đai - Ảnh 3.

Việc thiếu kiểm soát giá vật liệu xây dựng cũng là nguyên nhân khiến giá nhà tăng cao. (ảnh M.K)

Còn theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup, cần có một số chính sách tháo gỡ để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, đại diện doanh nghiệp này mong muốn Luật Đất đai sửa đổi sớm ra đời và giải quyết được các vấn đề như giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

"Đặc biệt, chúng tôi rất lo ngại loại hình bất động sản gắn liền với đất mà đất đi thuê hàng năm, dù là tài sản của doanh nghiệp, nhưng đất đi thuê thì rất khó trong việc thế chấp, sử dụng làm tài sản bảo đảm, ghi quyền sử dụng đất đó vào trong tài sản, mà cứ lẫn lộn giữa quyền sở hữu đất và quyền sử dụng đất. Việc sử dụng đất trả tiền một lần, hay giao đất có thu tiền sử dụng đất khác với tiền sử dụng đất nhưng trả tiền thuế hằng năm", ông Hưng cho hay.

Ngoài ra, theo ông Hưng, cần phân định rõ loại hình bất động sản nào được quyền mua bán, loại hình nào cho thuê như condotel, officetel, bất động sản dịch vụ,... Với đề xuất này, ông kiến nghị Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cũng như Hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp bất động sản, Hội quy hoạch, Hội kiến trúc có ý kiến phân định rõ các loại tài sản này.

Khi cấp chứng nhận đầu tư mà ghi rõ các loại hình nào được phép xây dựng để bán, để cho thuê,... nhưng nếu mập mờ giữa cấp phép xây dựng công trình nhưng không biết được bán hay cho thuê thì rất khó cho doanh nghiệp. Với các dự án để bán thì dòng tiền nhanh hơn rất nhiều, dễ dàng trong việc huy động vốn và thế chấp tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem