Nhiều thương hiệu nông sản đang bị xâm hại: Tự đánh mất mình

Thứ hai, ngày 23/04/2012 17:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương. Đến nay, mới chỉ có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ. Nhiều thương hiệu đang bị xâm hại, có khả năng biến mất...
Bình luận 0

Ngay sau khi được bảo hộ thương hiệu tỏi Lý Sơn (ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) vào tháng 3.2009, giá tỏi của huyện đảo này đã vọt lên cao gấp mấy lần trước đó. Lợi dụng việc này, một số nông dân đã đưa tỏi trồng ở tỉnh khác vượt biển ra đảo Lý Sơn để trà trộn và bán chung với tỏi Lý Sơn.

img
Tỏi từ đất liền chở ra và đang được bốc dỡ lên đảo Lý Sơn.

Chở tỏi về xứ tỏi

Sau khi được vinh danh (tháng 3.2009), tỏi và hành Lý Sơn đã trở thành hàng hiếm với giá khá đắt. Tỏi khô, từ 20.000 - 50.000 đồng/kg đã lên đến 180 - 200.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với trước đó. Một bộ phận người dân Lý Sơn vì hám lợi trước mắt đã đưa tỏi trồng từ Ninh Hiển, tỉnh Khánh Hòa, về lại Lý Sơn trộn với tỏi Lý Sơn để bán kiếm lời.

Tỏi ở Ninh Hiển cũng do người dân Lý Sơn rời quê đem giống tỏi Lý Sơn vào trồng. Thế nhưng mọc lên ở đất Ninh Hiển, tỏi này không thơm ngon bằng, giá rẻ hơn từ 15.000 - 40.000 đồng/kg so với tỏi trồng tại Lý Sơn.

Nếu bán với giá tỏi Lý Sơn thì tỏi Ninh Hiển dù phải tốn kém chi phí chở đi xa từ Khánh Hòa về, vẫn có lời như thường. Đó là lý do để tình trạng “chở tỏi về đất tỏi” cứ diễn ra mấy năm lại đây. Năm nào tỏi ở đảo mất mùa, được giá thì số lượng chở về nhiều hơn và ngược lại.

Một chủ tàu vận tải biển tuyến Lý Sơn - Quảng Ngãi cho biết: Năm nay do giá tỏi thấp nên người ta chỉ đưa về 1 - 3 tấn/ngày, chứ vào tháng 4 năm ngoái khi tỏi Lý Sơn có giá, người ta chở về hàng chục tấn tỏi/ngày. Chị Lê Thị Trước (ở xã An Hải) thở dài: “Việc chở tỏi ngược ra lại đảo diễn ra công khai. Ai là người đã chở tỏi về thì rất nhiều người dân trên đảo biết. Người dân địa phương không thể và cũng không dám nói vì sợ mếch lòng”.

Mới nóng đã nguội

Ông Trương Nghĩa - Chủ tịch Hội Sản xuất kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn, bức xúc: Việc một số người dân trên đảo chở tỏi từ nơi khác về trộn lẫn với sản phẩm địa phương bán thu tiền chênh lệch đã gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng, uy tín của tỏi Lý Sơn, dẫn đến tỏi Lý Sơn bị rớt giá.

Tại sao tình trạng này không được ngăn chặn, bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, giải thích: Tỏi là mặt hàng không bị pháp luật cấm nên việc chở đi đâu, tiêu thụ ở nơi nào là quyền của người dân. Qua kiểm tra thì địa phương chưa phát hiện trường hợp nào làm giả bao bì, nhãn hiệu, mà họ chỉ bán sản phẩm trơn ngoài chợ. Vì vậy, huyện chỉ có thể chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức ra những thiệt hơn.

“Việc trộn lẫn giữa tỏi trồng tại đảo Lý Sơn với tỏi từ nơi khác đã gây ảnh hưởng nặng đến uy tín và chất lượng của sản phẩm tỏi Lý Sơn. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này, thương hiệu tỏi Lý Sơn sẽ khó tồn tại trên thị trường”.

Ngoài ra, chính quyền cũng tiến hành cho số hội viên của Hội Sản xuất kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn ký cam kết không trộn tỏi chở về từ nơi khác để bán, đồng thời tổ chức một khu vực bán tỏi chính hiệu riêng ở tại chợ để khách ra đảo mua khi có nhu cầu.

Nói như bà Hương, thật khó để ngăn chặn dứt điểm tình trạng khi mà một số nông dân - những người chung tay xây nên thương hiệu tỏi Lý Sơn hàng trăm năm qua - lại là người không cương quyết bảo vệ nó, vì hám lợi trước mắt mà làm mai một đặc sản quê mình. Tỏi Lý Sơn chưa đến mức mất đi thương hiệu nhưng sự suy giảm là có thật. Giá tỏi Lý Sơn đã không còn “nóng” như trước đây bởi sự thờ ơ, nghi ngại của người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem