Mới đây, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) đã tổ chức Hội nghị "Chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống tệ nạn xã hội và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 – 2020".
Theo số liệu thống kê cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019, công tác PCTNXH đã đạt được một số kết quả nhất định như từng bước xây dựng và hướng dẫn kịp thời các văn bản pháp luật; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về trách nhiệm phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực, có hiệu quả; công tác phối hợp liên ngành giữa các Sở, ngành trong phòng, chống mại dâm, ma túy đã được tăng cường một cách mạnh mẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, triệt phá ổ nhóm, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mại dâm được thực hiện một cách tích cực, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với hành vi mại dâm trẻ em và người chưa thành niên; công tác quản lý địa bàn, đấu tranh xử lý các tụ điểm mại dâm ở khu vực biên giới và tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có yếu tố nước ngoài được tăng cường; công tác xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm được triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” ở nhiều địa phương có chuyển biến mạnh mẽ, giữ vững địa bàn không phát sinh tệ nạn mại dâm...
Thực trạng phòng chống ma tuý, mại dâm còn nhiều phức tạp
Báo cáo tình hình PCTNXH những tháng đầu năm 2019, Phó cục trưởng cục PCTNXH Lê Văn Khánh cho biết, các tụ điểm hoạt động mại dâm vẫn còn phức tạp, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các khu du lịch, khu công nghiệp. Toàn quốc hiện có 91.026 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, trong đó: 44.722 cơ sở lưu trú, 17.015 nhà hàng, karaoke và mát xa, 531 vũ trường và các loại hình khác (quán bia, cắt tóc, gội đầu, quán cafe…). Theo rà soát của các ngành chức năng, trên cả nước còn khoảng 922 tụ điểm, địa bàn trọng điểm về tệ nạn mại dâm. Số người bán dâm theo thống kê ước tính của các tỉnh, thành phố là 11.639 người. Tuy nhiên, số thực tế có thể lớn hơn gấp nhiều lần do đặc điểm xã hội, tính di biến động cao nên rất khó khăn trong việc nắm bắt, thống kê.
Theo ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục PCTNXH, các địa phương, nhất là ngành lao động cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ như: Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật theo Quyết định 2140/QĐ-TTg ngày 30/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ như: tổ chức các hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí, đưa phóng viên đi thực tế, phối hợp với các báo, tạp chí xây dựng chuyên trang, chuyên đề về các mô hình, điển hình; xây dựng, cấp phát các tài liệu truyền thông về PCTNXH. Trong đó, chú trọng đến các nội dung mang tính chất vận động thay đổi quan điểm, giải pháp về vấn đề dự phòng, cai nghiện ma túy; hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực và xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ người bán dâm ở cộng đồng; huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập ở cộng đồng...
Về công tác phòng chống mại dâm, cần tập trung xây dựng, đề xuất dự án Luật Phòng, chống mại dâm báo cáo Chính phủ; tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 và đề xuất các nội dung, giải pháp giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 178/2004/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH; xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật đối với dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng và các cơ sở hỗ trợ xã hội; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống mại dâm; đánh giá kết quả, hiệu quả việc thực hiện các chương trình can thiệp, giảm tác hại cho nhóm người bán dâm; hỗ trợ kỹ thuật và tổ chức triển khai các can thiệp thuộc 3 mô hình trên tại 20 tỉnh, thành phố lựa chọn thí điểm; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm ở các địa phương.
Về công tác cai nghiện ma túy, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chính sách pháp luật, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác cai nghiện ma túy trong Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính; tổng kết Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020; tổng kết Dự án 4 - Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 và đề xuất giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn 2021-2025, nhất là chính sách, pháp luật về dự phòng nghiện ma túy...; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy; tiếp tục thí điểm các mô hình cai nghiện ma túy có hiệu quả tại các địa phương…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.