Các đại biểu đã nhất trí về việc đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết kết thúc DA và chuyển sang chương trình quốc gia phát triển, bảo vệ rừng.
Về tổng kết DA 5 triệu ha rừng, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) bức xúc: “Quy hoạch là khâu yếu nhất khi thực hiện DA, yếu đến mức không nắm được diện tích rừng là bao nhiêu, để đến độ Quốc hội khóa XI phải ra Nghị quyết 73 điều chỉnh DA từ 5 triệu ha xuống còn 3 triệu ha. Thực tế qua báo cáo cho thấy đánh giá chưa đầy đủ và có biểu hiện né tránh trách nhiệm. Mục tiêu hàng đầu của DA là an ninh môi trường cũng không đạt được, nhưng lại không thấy đánh giá”.
|
Số liệu về tỷ lệ che phủ rừng đang bị nghi ngờ. |
Ông Diệu cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi: “DA đã có nhiều sai phạm theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Vậy đến nay sai phạm đã được xử lý như thế nào. Có hay không những sai phạm khi sử dụng nguồn vốn như chi vượt, chi sai mục đích nguồn vốn, thậm chí sử dụng sai mục đích hàng trăm tỷ đồng?
Do đó, tôi đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ với Quốc hội về những sai phạm của DA, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình thực hiện DA”.
Mặc dù theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ che phủ rừng hiện đã được nâng lên, nhưng ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) đã thẳng thừng chỉ ra: “Hiện trạng rừng theo báo cáo có độ tin cậy không cao. Tôi đã đi tiếp xúc nhiều tỉnh, thấy diện tích đất trống, đồi trọc nhiều quá trời luôn. Cần phải rà soát lại diện tích rừng cho đúng thực tế”.
Một vấn đề nữa, theo ĐB Thành là: “Hiện đã có nhiều địa phương, chủ yếu ở Tây Nguyên chuyển diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, mà thực tế cây cao su chỉ có hiệu quả kinh tế, chứ không đảm bảo đa dạng sinh học, vì cứ ở đâu có cao su, là ở đó không còn loài vật nào sống được. Do vậy, cần bố trí trồng cao su xen kẽ, chứ không nên trồng liền vùng với quy mô 1.000-5.000ha”.
Các đại biểu ở khu vực miền núi phía Bắc thì đề nghị cần phải nâng mức khoán bảo vệ rừng lên, bởi với mức thù lao 200.000đ/ha/năm như hiện nay, người dân không thể sống được bằng nghề giữ rừng. Mặt khác, theo ĐB Thào Xuân Sùng (Sơn La): “Chúng ta cần điều tiết lương thực ổn định trong vòng 10 năm cho các hộ dân làm nhiệm vụ phát triển, bảo vệ rừng và tôi đề nghị cần điều tiết 1/3 trên tổng số 7 triệu tấn gạo xuất khẩu cho bà con bảo vệ rừng”.
Ngọc Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.